Băng rôn vào trường học

Băng rôn vào trường học

Trước đó, vào tháng 5 - 6, phụ huynh Trường Dân lập Quốc tế Việt Úc (TPHCM), Trường Phổ thông chất lượng cao Phượng Hoàng (TP Vinh, Nghệ An)… cũng kéo đến trường căng băng rôn với nội dung phản đối chính sách thu học phí mùa dịch. Ở Hà Nội, phụ huynh có con theo học tại Trường Quốc tế Thăng Long thuộc Hệ thống giáo dục Bill Gates căng băng rôn phản đối trường tổ chức học thêm ngoài giờ…

Mang băng rôn khiếu kiện vào trường học không còn là chuyện lạ trong vài năm gần đây. Điều 25 Hiến pháp năm 2013 quy định: Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Theo đó, việc treo băng rôn, biểu ngữ thuộc quyền hiến định về tự do ngôn luận của công dân, pháp luật Việt Nam không cấm, nếu nội dung các băng rôn không vi phạm pháp luật. Thế nhưng với môi trường học đường, nơi đòi hỏi tính sư phạm cao, có đông đảo ánh mắt của học trò nhìn vào, cách thể hiện này lại gây ảnh hưởng không tốt đến tâm lý, tình cảm, nhận thức của trẻ. 

Thắng và thua cần thời gian và công cụ lý tính để xác minh nhưng với việc phụ huynh, giáo viên tập trung căng băng rôn phản đối ngay trong/trước trường học, dù bên nào thắng thì học sinh cũng là người thua cuộc, khi hiển hiện trước mắt các em những hình ảnh gây đổ vỡ về thầy cô, về ngôi trường, thậm chí có thể cả về cha mẹ mình.

Thực tế các vụ xung đột, mâu thuẫn giữa phụ huynh, giáo viên và nhà trường vừa qua cho thấy không ít trường hợp phụ huynh thật sự mất bình tĩnh, thậm chí có dấu hiệu quá khích. Phát biểu trong cuộc họp báo liên quan đến vụ căng băng rôn phản đối chính sách học phí của một số trường học, ông Lê Hoài Nam (Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM) cho biết: "Sở đã mời phụ huynh các trường quốc tế lên trao đổi nhưng nhiều người không hợp tác và quá khích. Có phụ huynh tuyên bố khiếu kiện nhà trường nhưng không cần thắng mà chỉ cần trường mất uy tín".

Tuy nhiên, cũng không ít trường hợp về phía nhà trường và cả cơ quan quản lý cấp trên đã không nhanh chóng hợp tác xử lý mâu thuẫn, để tiếng nói của phụ huynh, giáo viên rơi vào im lặng, nhất là với vụ tiêu cực. Theo lý giải của phụ huynh Trường Tiểu học Trần Văn Ơn (quận Tân Bình, TPHCM), họ đến trường phản đối do trước đó đã nhiều lần làm việc với trường về một số khoản học phí môn Tiếng Anh, Kỹ năng sống chưa minh bạch nhưng không được giải quyết. Hay chia sẻ về việc căng băng rôn ở trường hồi tháng 5/2018, số đông giáo viên của Trường THPT Trần Quang Khải (Quận 11, TPHCM) cho biết là nhà giáo nên hiểu quy trình khiếu kiện, không muốn học sinh hoang mang, thế nhưng họ vẫn phải làm vì Hiệu trưởng không giải trình, đơn gửi các nơi không thấy giải quyết!

Mâu thuẫn giữa phụ huynh - giáo viên và nhà trường dẫn đến các buổi tụ tập đông người, treo băng rôn, biểu ngữ phản đối chính sách của nhà trường… ngay trong trường học không chỉ tác động xấu đến tâm lý, tình cảm và nhận thức còn non nớt của học sinh, mà còn ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự, hình ảnh và môi trường giáo dục. Hạn chế tình trạng này, "tiên trách kỷ", trước hết nhà trường phải làm tốt hơn nữa công tác dân chủ, kỷ cương, công khai, minh bạch, nhất là về tài chính.

Phụ huynh, giáo viên có thể đối lập, thậm chí đối đầu trong nhiều vấn đề với nhà trường nhưng nhất quyết không phải là đối địch vì tất cả đều cùng mục tiêu chung giáo dục học sinh tốt hơn. Dùng băng rôn, tập trung công kích chính ngôi trường mà con mình đang học, nơi mình đang dạy không phải là việc nên cổ xúy ở cả phương diện tình cảm, kinh tế lẫn văn hóa, giáo dục.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Các chiến binh Houthi cùng hệ thống 2K12 Kub.

Ác mộng với tiêm kích Mỹ

GD&TĐ - Lực lượng Ansar Allah (Houthi) ở Yemen tuyên bố đã bắn hạ một tiêm kích hạm F/A-18 của Hải quân Mỹ khi tham gia chiến dịch tấn công Houthi.