Bàn về điều hành cơ chế lãi suất của Ngân hàng nhà nước

Bàn về điều hành cơ chế lãi suất của Ngân hàng nhà nước

(GD&TĐ) - Trong thực tế, cách điều hành chính sách lãi suất và cách quản lý lãi suất của ngân hàng cũng có những thuận lợi, khó khăn cũng như những tồn tại nhất định tác động đến nền kinh tế đất nước. Chính vì vậy mà cần phải có những giải pháp tốt để điều hành chính sách lãi suất một cách khoa học nhằm đảm bảo và phát huy được công cụ điều hành tiền tệ vĩ mô của nền kinh tế, đồng thời tác động thúc đẩy hoạt động của các doanh nghiệp cho tốt hơn.

1/ Thực trạng điều hành chính sách lãi suất trong thời kỳ qua:

Có thể tóm tắt theo 5 giai đoạn dưới đây:

Giai đoạn đầu của thời kỳ đổi mới (1988-1992)

ảnh minh họa
ảnh minh họa

Do thời gian này tình hình kinh tế bị lạm phát phi mã nên Ngân hàng Nhà nước đã thực thi chính sách "lãi suất âm" với mức lãi suất huy động danh nghĩa rất cao, nhằm thu hút mạnh tiền vào hệ thống ngân hàng, từ đó giảm bớt tổng phương tiện thanh toán để ổn định và giữ vững giá trị đồng tiền, đồng thời duy trì lãi suất cho vay ở mức độ hợp lý, các doanh nghiệp có thể chịu đựng được nên đã đưa nền kinh tế thoát khỏi cơn suy thoái trong một hoàn cảnh hết sức khó khăn.

 Giai đoạn từ tháng 6/1992 đến cuối năm 1994, sau khi nền kinh tế đã thoát khỏi lạm phát phi mã, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành chính sách "lãi suất dương" vừa đảm bảo lợi ích của ngân hàng, vừa đảm bảo lợi ích của doanh nghiệp gửi tiền tại ngân hàng và kích thích doanh nghiệp tiết kiệm, sử dụng vốn có hiệu quả.

Giai đoạn 1996 đến tháng 7/2000, Ngân hàng Nhà nước điều hành lãi suất theo lãi suất trần.

Giai đoạn từ tháng 8/2000 đến tháng 5/2002, điều hành lãi suất theo lãi suất cơ bản.

Giai đoạn từ tháng 6/2002 đến nay, NHNN điều hành theo cơ chế lãi suất thỏa thuận trên cơ sở giải quyết tốt mối quan hệ cung cầu vốn tín dụng giữa ngân hàng vµ khách hàng, thể hiện vai trò tác động và sự ảnh hưởng hết sức quan trọng đến nền kinh tế.

2/ Cơ sở hình thành và các loại lãi suất điều hành trên thị trường

Về mặt lý thuyết và thực tiễn cho thấy lãi suất được hình thành trên những cơ sở:

- Quan hệ cung cầu về vốn tín dụng trong từng thời kỳ nhất định.

- Tỷ lệ lạm phát trong nền kinh tế.

- Chính sách động viên và phân phối của Nhà nước.

Các loại lãi suất trên thị trường tiền tệ:

Tùy tính chất và đặc điểm giao dịch vốn mà có nhiều loại lãi suất khác nhau

Đứng trên góc độ điều hành chính sách tiền tệ:

Lãi suất được Ngân hàng Trung ương dùng như là một công cụ điều hành chính sách tiền tệ, do đó Ngân hàng Trung ương áp dụng đối với các ngân hàng thương mại với tư cách là người cho vay cuối cùng thông qua các nghiệp vụ tái chiết khấu các thương phiếu, chứng từ có giá; nghiệp vụ tái cấp vốn. Có các loại lãi suất  cơ bản, lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất này cũng là cơ sở để các ngân hàng thương mại áp dụng hình thành nên lãi suất giao dịch với các doanh nghiệp, khách hàng.

 Đứng trên góc độ giao dịch liên ngân hàng:

 Lãi suất liên ngân hàng là loại lãi suất cho vay lẫn nhau giữa các ngân hàng thương mại được hình thành trên thị trường liên ngân hàng

 Các loại lãi suất trên thực sự chưa phải là loại lãi suất chủ đạo để điều hành, tác động đến nền kinh tế

3/Kinh nghiệm điều hành chính sách lãi suất ở các nước trên thế giới

 Ở các nước công nghiệp phát triển

Ngân hàng Trung ương dùng lãi suất tái chiết khấu để tác động gián tiếp tới lãi suất tiền gửi, lãi suất tiền vay của các ngân hàng trung gian.Trên cơ sở đó các ngân hàng trung gian tùy tình hình thị trường mà áp dụng lãi suất tiền gửi, tiền vay đối với các doanh nghiệp nhưng thường là cao hơn lãi suất chiết khấu. Khi Ngân hàng Trung ương tăng lãi suất chiết khấu, điều đó có nghĩa là Ngân hàng Trung ương muốn hạn chế sự tăng thêm tiền ra lưu thông. Đối với lãi suất cơ bản thì chỉ có tác dụng trong điều kiện nền kinh tế có biến động vừa phải và coi như khá ổn định.Ví dụ khi kinh tế của Nhật Bản bị thiểu phát, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đưa ra lãi suất cơ bản bằng O%, tức là các tổ chức tín dụng gửi tiền vào Ngân hàng Trung ương không được hưởng lãi và vay tiền từ Ngân hàng Trung ương không phải trả lãi. Một số người lại hiểu rằng nhân dân và doanh nghiệp Nhật Bản gửi tiền vào NHTM không được hưởng lãi và vay tiền từ NHTM không phải trả lãi, cách hiểu như vậy là không đúng.

 Ở các nước đang phát triển:

Qua nghiên cứu thực tế của ngân hàng thế giới cho thấy lãi suất trần cứng ngắc đã làm cản trở sự tăng trưởng về tiết kiệm tài chính và giảm thiểu hiệu năng của đầu tư. Do đó nhiều nước đã thấy rằng lãi suất chịu sự quản lý của Nhà nước có thể có hại, không có tác động tích cực đối với nền kinh tế nói chung, hoạt động của các doanh nghiệp nói riêng. Do đó, họ có khuynh hướng để cho thị trường có tiếng nói lớn hơn.  

4. Nguyên tắc, yêu cầu và những tác động ảnh hưởng trong điều hành lãi suất

Ở Việt Nam, chính sách lãi suất đã được cải tiến. Tuy nhiên, khi tình hình kinh tế vĩ mô chưa được ổn định và các NHTM Nhà nước làm chủ thị trường thì Chính phủ không tránh khỏi việc áp dụng chính sách lãi suất tích cực.

Những nguyên tắc, yêu cầu của lãi suất mang tính chủ đạo để điều hành nền kinh tế:

Xuất phát từ quan hệ cung cầu về vốn trên thị trường.

Tác động trực tiếp đến việc điều hành chính sách tiền tệ thắt chặt hay nới lỏng phù hợp trong từng giai đoạn, thời kỳ của nền kinh tế.

Là lãi suất cho vay cuối cùng của NHNN đối với NHTM.

Chính sách lãi suất hiện nay có tác động:

- Khuyến khích tích lũy và là trung gian tài chính

- Hướng các nguồn tài chính vào các hoạt động có tỷ suất lợi nhuận cao nhất.

- Lãi suất tín dụng được dùng như một công cụ để vận hành cơ chế tạo tiền.

Nếu muốn hạn chế việc tạo tiền của các ngân hàng thương mại, Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng lãi suất tái cấp vốn, từ đó kéo theo lãi suất trên thị trường giữa các ngân hàng tăng lên, vốn khả dụng giảm, Ngân hàng Nhà nước sẽ thận trọng trong việc cấp tín dụng, do đó tín dụng được cấp cho doanh nghiệp rất ít.

 Lãi suất trên thị trường tiền tệ luôn tăng nên lãi suất trên thị trường tài chính tăng lên, thu hút đầu tư nước ngoài. Các nhà đầu tư sẽ dùng ngoại tệ mua bản tệ, do đó thu hẹp lượng bản tệ trong lưu thông.Ngược lại, nếu Ngân hàng Nhà nước muốn mở rộng việc tạo tiền (cung ứng thêm tiền cho nền kinh tế) thì làm ngược lại tức là giảm lãi suất tín dụng đối với các NHTM.

5/ Một số giải pháp điều hành cơ chế lãi suất ở Việt Nam

Tính mốc từ năm 2004 đến nay

 NHNN xác định lãi suất tái cấp vốn là lãi suất chủ đạo để điều hành nền kinh tế

Trên những cơ sở sau:

 Lãi suất cơ bản thực chất chỉ là lãi suất tốt nhất của một ngân hàng áp dụng cho khách hàng; mặt khác cơ sở hình thành lãi suất cơ bản được tính toán dựa vµo lãi suất bình quân cuả một số ngân hàng, chưa phải là toàn bộ các ngân hàng, cũng chưa được tính toán dựa vµo lãi suất của các tổ chức tài chính phi ngân hàng là tổ chức góp thị phần khá lớn khoảng 20% trong tổng dư nợ cho vay nền kinh tế, từ đó lãi suất cơ bản chưa thực sự có vai trò tác động tích cực đến hoạt động  của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong nền kinh tế, do đó cần phải thay đổi điều hành lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước.

 Nếu xác định lãi suất trên thị trường liên ngân hàng làm lãi suất điều hành thì lãi suất này cũng chưa phải là lãi suất chủ đạo.Bởi vì, tuy lãi suất này được thành lập theoquan hệ cung cầu về vốn nhưng là cung cầu giữa các ngân hàng trên thị trường, chứ chưa phải là lãi suất cho vay cuối cùng của NHNN đối với NHTM. Lãi suất này cũng không tác động trực tiếp đến việc NHNN quyết định đưa vốn vào hoặc rút vốn ra khỏi lưu thông thông qua kênh tín dụng để NHNN đưa ra chính sách tiền tệ thắt chặt hay nới lỏng trong từng giai đoạn, thời kỳ của chính sách tiền tệ . Do đó, lãi suất này cũng không thể đóng vai trò chủ đạo được.

 Nếu điều hành theo lãi suất chiết khấu, tái chiết khấu: lãi suất này tuy là lãi suất cho vay cuối cùng của NHNN đối với NHTM, xuất phát từ nhu cầu vế vốn của các NHTM, nhưng chỉ  làm được khi NHTM có các hối phiếu, chứng từ có giá, để đem chiết khấu hoặc chiết khấu lại. Lãi suất này cũng không tác động trực tiếp đến việc NHNN quyết định đưa vốn vào hoặc rút vốn ra khỏi lưu thông thông qua kênh tín dụng để NHNN có chính sách tiền tệ thắt chặt hay nới lỏng trong từng giai đoạn, thời kỳ của chính sách tiền tệ. Do đó, đây cũng không phải là lãi suất chủ đạo để NHNN điều hành lãi suất.

Như vậy chỉ còn lãi suất tái cấp vốn có thể được xem như là lãi suất chủ đạo để NHNN điều hành cơ chế lãi suất

Để lãi suất tái cấp vốn thực sự là lãi suất chủ đạo, điều hành nền kinh tế, cần phải làm đồng bộ các việc sau:

Xây dựng hệ thống chỉ tiêu kiểm soát được thị trường liên ngân hàng, theo dõi kịp thời diễn biến lãi suất trên thị trường liên ngân hàng, làm cơ sở nghiên cứu ban hành lãi suất tái cấp vốn.

Làm đồng bộ các công cụ điều hành chính sách tiền tệ như tỷ giá, dự trữ bắt buộc, nghiệp vụ thị trường mở, nghiệp vụ chiết khấu, tái chiết khấu, hạn mức tín dụng và kiểm soát khối lượng tiền cung ứng.

Dự báo sự biến động lãi suất theo tình hình kinh tế trong và ngoài nước, qua đó áp dụng các biện pháp định hướng lãi suất phù hợp với thực tế nền kinh tế.

NHNN nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy chế tái cấp vốn, quy chế chiết khấu-tái chiết khấu của NHNN đối với các NHTM theo hướng thông thoáng hơn về điều kiện vay, hạn mức vay...

Theo thông lệ quốc tế, việc điều hành lãi suất cơ bản của nhiều Ngân hàng Trung ương trên thế giới là khung lãi suất, tức là Ngân hàng Trung ương quy định lãi suất cao nhất về huy động vốn ngắn hạn của NHTM nhằm bảo vệ quyền lợi bên gửi tiền và quy định lãi suất cao nhất cho vay ngắn hạn của NHTM nhằm bảo vệ quyền lợi bên vay vốn NHTM.Lãi suất tiền gửi 12 tháng gọi là sàn lãi suất, lãi suất cho vay ngắn hạn gọi là trần lãi suất.Từ sàn lãi suất đến trần lãi suất gọi là khung lãi suất. Sàn và trần lãi suất là bàn tay của Nhà nước, còn trong khung lãi suất là bàn tay của thị trường. Các NHTM được tự do định đoạt trong khung lãi suất, tức là mỗi NHTM có quyền nâng sàn lãi suất và hạ trần lãi suất để cạnh tranh với nhau mà không bị phạm luật. Thông thường chênh lệch giữa sàn lãi suất và trần lãi suất là 3,5%. Số 3,5% đó là các loại chi phí, tiền trả lương cho các cán bộ nhân viên ngân hàng, các quỹ… của NHTM. Ví dụ, hiện nay sàn lãi suất huy động của các NHTM là 14% còn trần lãi suất cho vay là 17,5%. Nên chăng NHNN Việt Nam cần tham khảo thông lệ quốc tế này để điều hành chính sách lãi suất hiện nay cho phù hợp hơn, góp phần chống lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

                                                                                           Tiến sĩ, Trần Văn Hùng

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ