Bán SGK kèm tài liệu bổ trợ: Địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát

GD&TĐ - Thông tin Trường Tiểu học An Phong, Quận 8, TPHCM bán bộ sách giáo khoa lớp 1 với giá 807.000 đồng đã gây xôn xao dư luận những ngày qua. Vấn đề được “đẩy” lên khi nhiều ý kiến cho rằng các trường học đang nhập nhèm bán sách tham khảo - sách giáo khoa (STK - SGK).

Cô, trò lớp 1 Trường Tiểu học Võ Trường Toản, quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ) trong giờ học môn Tiếng Việt SGK mới. Ảnh: Quốc Ngữ
Cô, trò lớp 1 Trường Tiểu học Võ Trường Toản, quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ) trong giờ học môn Tiếng Việt SGK mới. Ảnh: Quốc Ngữ

Dù câu chuyện trên chỉ là thiểu số nhưng ngành Giáo dục các địa phương vẫn quyết liệt vào cuộc kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh.

Phê bình hiệu trưởng 

Liên quan đến thông tin bộ SGK lớp 1 giá 807.000 đồng, ông Nguyễn Hoàng Phong, Hiệu trưởng Trường Tiểu học An Phong giải trình: Trong số 23 đầu sách có SGK, vở bài tập, sách bổ trợ, ngoài ra còn có 10 cuốn tập trắng, bảng viết. Vụ việc gây hiểu nhầm là do trường công bố danh mục sách cho học sinh lớp 1 chưa phân loại rõ từng hạng mục (SGK, STK…). Sau phản ánh của phụ huynh, trường đã đăng thông báo rõ ràng những sách nào cần mua lên bảng tin của trường. Nhà trường đã nghiêm túc nhận trách nhiệm về sơ suất này. 

Ông Dương Văn Dân, Trưởng phòng GD&ĐT Quận 8 thông tin: Phòng yêu cầu trường liên hệ với những phụ huynh đã mua trọn bộ nói trên và làm việc lại với phụ huynh. Quan điểm phòng là nếu phụ huynh có nhu cầu sử dụng  thì không sao, còn phụ huynh muốn trả lại những cuốn không bắt buộc theo yêu cầu của chương trình lớp 1, trường sẽ nhận và gửi tiền lại cho phụ huynh. Những sách này có thể dùng để tham khảo cho thư viện trường.

Phòng GD&ĐT Quận 8 đã nhắc nhở, phê bình Hiệu trưởng Trường Tiểu học An Phong vì để xảy ra ra sơ suất nói trên khi thực hiện bán SGK cho phụ huynh. Bên cạnh đó, phòng cũng chỉ đạo các trường phải trang bị thêm cho thư viện nhà trường (khoảng 10% bộ SGK) để học sinh có hoàn cảnh khó khăn, mới chuyển đến chưa có điều kiện mua sách có thể mượn sử dụng.

Minh bạch SGK - STK

Theo lãnh đạo Phòng GD&ĐT Quận 8, qua kiểm tra không có trường hợp nào tương tự như sự việc của Trường Tiểu học An Phong. Liên lạc với một số trường tiểu học tại các quận, huyện tại TPHCM chúng tôi cũng được biết, các trường đều công khai danh mục SGK bắt buộc và bộ sách mà nhà trường lựa chọn, không hề có việc… mời chào, yêu cầu mua STK. 

Tại Cần Thơ, các trường tiểu học cũng thực hiện khá minh bạch giá SGK, STK cho phụ huynh. Cô Nguyễn Thị Bích Ngọc, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nhơn Nghĩa 1, huyện Phong Điền (TP Cần Thơ) chia sẻ: Trường lựa chọn bộ SGK Kết nối tri thức với cuộc sống có giá bán khoảng 360.000 đồng gồm cả sách Tiếng Anh. Ngoài việc công khai danh mục sách nhà trường lựa chọn, thông qua các buổi họp nhà trường thông tin về đơn vị cung cấp sách và giá sách cho phụ huynh học sinh nắm rõ thông tin… 

Tại Trường Tiểu học Võ Trường Toản, quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ), theo cô Mạch Lệ Xuân, Hiệu trưởng nhà trường, năm học này trường chọn bộ sách Chân trời sáng tạo với 10 quyển sách có giá trọn bộ khoảng 336.000 đồng, bao gồm sách Tiếng Anh (theo giá của Công ty Cổ phần sách, thiết bị trường học TP Cần Thơ cung cấp). Không có hiện tượng ép bán kèm STK theo SGK.

Tương tự tại Đồng Tháp, nội dung danh mục SGK được niêm yết tại bảng thông báo của các trường tiểu học và trường mầm non, trong cuộc họp phụ huynh, phối hợp trường mầm non giới thiệu SGK đến phụ huynh hoặc sử dụng các nhóm Zalo, Facebook, Viber... Khi thực hiện tuyển sinh vào lớp 1, nhà trường tổ chức lấy ý kiến của phụ huynh về việc đăng ký trường mua hộ SGK hay tự trang bị SGK (thể hiện trong giấy đăng ký vào học lớp 1). Trường hợp phụ huynh tự trang bị SGK, nhà trường hướng dẫn đến các cửa hàng, chi nhánh gần nhất mua sách bảo đảm chất lượng…  

Xây dựng tủ sách dùng chung

Để việc phát hành sách minh bạch, không nhập nhèm giữa SGK - STK, ép phụ huynh mua, mới đây Bộ GD&ĐT đã có văn bản gửi giám đốc các sở GD&ĐT về việc tăng cường quản lý việc trang bị SGK và tài liệu tham khảo trong các cơ sở giáo dục phổ thông. Cho đến nay, sở GD&ĐT, phòng GD&ĐT các địa phương cũng đã vào cuộc chấn chỉnh, kiểm tra, giám sát. Như TPHCM, Sở GD&ĐT yêu cầu mọi tổ chức, cá nhân không được ép buộc học sinh phải mua tài liệu tham khảo, phụ huynh và học sinh tự mua sắm theo nhu cầu thực tế và quyền tự chọn, không bắt buộc.

Tại TP Cần Thơ, song song với việc chỉ đạo mọi tổ chức, các nhân không được ép buộc học sinh phải mua tài liệu tham khảo, Sở GD&ĐT còn đặc biệt chú ý trường hợp phụ huynh không có khả năng mua SGK do gia đình nghèo, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn qua việc khuyến khích các trường xây dựng tủ sách dùng chung cho học sinh mượn để học. Ngoài ra, các chi hội khuyến học, ban đại diện cha mẹ học sinh vận động xã hội hóa để mua thêm sách tặng cho các em học sinh nghèo, khó khăn…

Bà Trần Hồng Thắm, Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ cho biết: Năm học 2020 - 2021, ngành Giáo dục Cần Thơ ký cam kết với địa phương “không vì lý do khó khăn nào mà học sinh không có sách đến trường”. Các địa phương bảo đảm nhu cầu sách cho cán bộ giáo viên và học sinh theo danh mục sách mà nhà trường đã chọn. Đồng thời, nhà trường cũng đẩy mạnh công tác hướng dẫn, tư vấn phụ huynh học sinh trong việc chọn, trang bị sách cho các em học sinh bằng nhiều hình thức… Ngoài ra, sở cũng chuẩn bị một số sách nhất định, giúp nhà trường giải quyết những trường hợp đặc biệt mà đến ngày khai giảng học sinh chưa kịp trang bị sách.  

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ