Về vấn đề này, Bộ GD&ĐT trả lời như sau:
Về đổi mới chương trình, sách giáo khoa: Việc đổi mới chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông được thực hiện theo Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội khóa XIII về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; Quyết định số 404/QĐ-TTg ngày 27/3/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Trên thế giới, nhiều quốc gia cứ sau 5 đến 10 năm đều có đổi mới chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa, phát triển chương trình là một hoạt động diễn ra thường xuyên trong giáo dục phổ thông.
Ở nước ta chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa được thực hiện từ những năm 2001 đến nay.
Do vậy, việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông là hợp lý và cần thiết, nhằm tạo chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng và hiệu quả giáo dục phổ thông; kết hợp dạy chữ, dạy người và định hướng nghề nghiệp; góp phần chuyển nền giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức sang nền giáo dục phát triển toàn diện cả về phẩm chất và năng lực, hài hòa đức, trí, thể, mỹ và phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi học sinh.
Về giám sát, thanh tra việc xuất bản sách giáo khoa: Bộ GD&ĐT đã ban hành Quyết định số 3604/QĐ-BGDĐT ngày 19/9/2018 về kiểm tra việc thực hiện in và phát hành sách giáo khoa năm học 2018 – 2019, từ ngày 20/9 đến 28/9/2018.
Đoàn kiểm tra đã tiến hành kiểm tra tại Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam; làm việc với Hội đồng quản trị và các bộ phận chuyên môn của Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam, tiến hành kiểm tra, xác minh trực tiếp các nội dung liên quan đến phản ánh của đại biểu Quốc hội và của cử tri.
Thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư số 33/2017/TT-BGDĐT về biên soạn sách giáo khoa, trong đó quy định rõ việc khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn sách giáo khoa theo tinh thần của Nghị quyết số 88/2014/QH13. Bộ GD&ĐT cũng đã chỉ đạo chuẩn bị tài liệu hướng dẫn và kế hoạch tập huấn cho các tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn sách giáo khoa.
Thời gian tới, Bộ GD&ĐT chỉ đạo tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa theo đúng các quy định của pháp luật hiện hành, đảm bảo công khai, minh bạch, chất lượng, tiết kiệm và hiệu quả; đồng thời khuyến khích các nhà xuất bản, các tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn, in ấn, phát hành sách giáo khoa; đồng thời tăng cường giám sát, thanh tra việc xuất bản sách giáo khoa