Cạnh tranh tích cực, người dùng hưởng lợi
- Thưa ông, nhiều thắc mắc về vấn đề NXB Giáo dục Việt Nam có độc quyền xuất bản SGK không trong lần thay sách này?
- Nếu xem xét kỹ lưỡng từ góc nhìn lịch sử, NXB Giáo dục và Bộ GD&ĐT không tự mình đưa ra cơ chế độc quyền xuất bản SGK. Tại Văn bản số 132 TTg-VG ngày 27/7/1967 của Phủ Thủ tướng, việc xuất bản SGK được giao cho NXB Giáo dục thực hiện. Luật Giáo dục năm 2006 quy định: “Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành chương trình giáo dục phổ thông, duyệt SGK để sử dụng chính thức, ổn định, thống nhất trong giảng dạy, học tập ở các cơ sở giáo dục phổ thông, trên cơ sở thẩm định của hội đồng quốc gia thẩm định chương trình giáo dục phổ thông và SGK” (Khoản 3, Điều 29).
Mặt khác, Luật Xuất bản cũng quy định tại các Điều 13, 14, 15 và Điều 16 một nguyên tắc là NXB phải thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích của NXB và chức năng, nhiệm vụ của cơ quan chủ quản. Nói cách khác, câu chuyện độc quyền hay không độc quyền trong việc xuất bản SGK là vấn đề thực thi pháp luật chứ không phải là sự níu giữ của NXB Giáo dục qua các thời kỳ.
Những năm từ 1967 - 1995, nền kinh tế nước ta còn khó khăn về nhiều mặt. Lúc bấy giờ việc giao trách nhiệm xuất bản SGK cho NXB Giáo dục không có nghĩa là giao quyền hay tạo độc quyền. Để hoàn thành nhiệm vụ này, NXB Giáo dục đã có những nỗ lực vượt bậc cần được ghi nhận trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ và nhiều năm của cơ chế kế hoạch hóa tập trung sau chiến tranh, khi mà mọi thứ đều thiếu thốn.
Nhắc lại điều này để thấy rằng: Cần có một lộ trình được chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo, khả thi thì việc nhiều NXB có thể tham gia xuất bản SGK mới đạt được mục đích. Một kịch bản hợp lý, chi tiết sẽ hạn chế gây xáo trộn lớn đối với một vấn đề có tác động đến hầu hết mọi gia đình Việt Nam.
Việc cấp giấy phép cho 6 NXB ngoài NXB Giáo dục Việt Nam có thêm chức năng xuất bản SGK chỉ là bước đi đầu tiên của quá trình tổ chức lại một công việc mang tính xã hội, lại chỉ do một đơn vị thực hiện trong nhiều thập kỷ như xuất bản SGK.
Nếu 6 NXB mới được cấp phép có khả năng huy động nhiều nguồn lực xã hội, tạo được sự tin cậy của đội ngũ tác giả, cộng tác viên có uy tín, sớm thích ứng với việc tổ chức sản xuất mặt hàng có tính đặc thù này, sẽ tạo ra cuộc cạnh tranh tích cực với NXB Giáo dục Việt Nam và người dùng SGK sẽ được hưởng lợi, trước hết là về chất lượng SGK.
Ngược lại, cũng có nhiều người lo ngại, với tiềm lực hùng hậu, hàng năm sản xuất gần 70% sản lượng của ngành xuất bản, cộng với kinh nghiệm lâu năm và bộ máy phát hành có “chân rết” khắp cả nước NXB Giáo dục Việt Nam vẫn “đè bẹp” các đối thủ khác và câu chuyện độc quyền vẫn tái diễn.
Đúng là kịch bản này có thể xảy ra. NXB Giáo dục có nhiều ưu thế hơn so với các NXB khác về mọi phương diện từ tài chính, kinh nghiệm, đội ngũ, đặc biệt là ở hai khâu biên tập và phát hành. Song, xin lưu ý rằng, các NXB khác dù nhỏ hơn nhưng đằng sau họ còn có những đối tác liên kết cũng hùng mạnh về nguồn lực tài chính và đội ngũ tác giả, cộng tác viên…
Giữ bình ổn giá sách giáo khoa
- Vậy các NXB cần làm gì để chủ trương một chương trình nhiều SGK được thực thi có hiệu quả?
- Trong năm đầu tiên sử dụng nhiều bộ SGK, có thể xảy ra khả năng nhiều NXB tập trung vào một tên sách có số lượng phát hành lớn như Toán lớp 1, Tiếng Việt lớp 1 mà không tham gia biên soạn, xuất bản một số tên SGK khác. Chắc chắn, Bộ GD&ĐT đã tính đến khả năng này và chủ động giao cho NXB Giáo dục Việt Nam thực hiện phương án khắc phục nếu tình trạng trên xảy ra.
Vì vậy, đặt vấn đề cần có lộ trình để thực hiện chủ trương một chương trình nhiều SGK là phù hợp với thực tiễn, không gây nên sự hụt hẫng cho các cơ sở giáo dục, người dạy, người học và cha mẹ HS.
Về công đoạn phát hành, cần thiết phải có những quy định thật cụ thể mang tính ràng buộc, nếu không mọi nỗ lực trong các khâu trước đó sẽ không có ý nghĩa.
Khi cho phép nhiều NXB, nhà đầu tư khác tham gia các công đoạn xuất bản SGK cần phải ràng buộc về thời điểm giao sách đến các điểm trường, tránh tình trạng găm sách, gây sốt, thiếu giả tạo. Xóa bỏ độc quyền nhưng không được gây khó khăn cho HS trong việc mua và tiếp cận SGK.
Đồng thời, cũng phải tính đến việc chăm lo cho HS vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo có đủ sách các môn học vào ngày khai trường. Điều quan trọng nhất và trên hết là lợi ích của người dùng SGK, lợi ích của sự nghiệp trồng người, những con người có đủ tri thức, sức khỏe và bản lĩnh để xây dựng và bảo vệ đất nước.
Trong năm đầu tiên sử dụng SGK theo Chương trình GDPT mới, khó tránh khỏi những trục trặc, tình huống phát sinh chưa lường trước được. Vì vậy, đề nghị Bộ GD&ĐT có phương án dự phòng an toàn, đặc biệt là đối với địa bàn có điều kiện kinh tế, xã hội và giao thông khó khăn để HS và thầy giáo, cô giáo không thiếu SGK khi khai giảng năm học 2020 - 2021, thực hiện nghiêm và có hiệu quả Nghị quyết 88/2014/QH13 và Nghị quyết 51/2017/QH14 của Quốc hội và Luật Giáo dục (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1/7/2020.
Công tác xuất bản và in ấn sách giáo khoa mới được dự luận xã hội đặc biệt quan tâm. Ảnh: NT |
- Giá SGK ra sao? Có giữ được mức hợp lý hay sẽ tăng quá sức mua của HS, nhất là HS nghèo? Đó là vấn đề đang được xã hội quan tâm ở thời điểm SGK mới sắp được Bộ GD&ĐT công bố. Ông có nhận định gì?
- Mục tiêu của đổi mới Chương trình, SGK GDPT “nhằm tạo chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng và hiệu quả GDPT; kết hợp dạy chữ, dạy người và định hướng nghề nghiệp; góp phần chuyển nền giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức sang nền giáo dục phát triển toàn diện cả về phẩm chất và năng lực, hài hòa đức, trí, thể, mỹ và phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi học sinh”. (Trích Nghị quyết 88 của Quốc hội năm 2014).
Một trong những biện pháp để đạt mục tiêu nói trên là xóa bỏ việc sử dụng duy nhất một bộ SGK, nhằm nâng cao chất lượng sách, làm cho SGK thực sự phục vụ yêu cầu cải cách giáo dục, góp phần bồi dưỡng, rèn luyện để hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực cho HS, giúp các em vững bước trên con đường lập thân, lập nghiệp và hội nhập quốc tế để có thể làm việc ở nhiều môi trường khác nhau. Không chỉ nâng cao chất lượng về nội dung, nhiều NXB cũng để hình thức SGK đẹp hơn và có giá bán hợp lý.
Chúng ta cũng biết rằng, việc tổ chức bản thảo SGK nếu là kinh phí đầu tư của Nhà nước, quyền tác giả sẽ thuộc về Nhà nước. NXB sẽ trả tiền bản quyền ít hơn, in càng nhiều càng có lãi.
Nghị quyết 88/2014/QH13 năm 2014 của Quốc hội cũng chủ trương từng bước xã hội hóa việc biên soạn SGK. Nhiều ý kiến cũng băn khoăn về giá bán có khả năng tăng lên khi có nhiều SGK cho cùng một môn học của một khối lớp.
Chi phí biên soạn, chế bản, in, phát hành cho một bộ sách sẽ rẻ hơn so với nhiều bộ SGK... Đây là một thực tế khách quan. Một điều dễ hiểu là nếu chỉ có một NXB làm SGK, họ sẽ in số lượng tối đa có thể đối với một tên sách. Số lượng in chắc chắn sẽ giảm đi nếu nhiều NXB cùng in một tên sách cho một môn học ở một khối lớp.
Giá bán SGK còn phụ thuộc rất nhiều vào yêu cầu chất lượng nội dung và hình thức, vào sự biến động của giá nguyên vật liệu ngành in như: Giấy, mực và nhiều vật liệu in khác chúng ta phải nhập khẩu.
Đây là năm đầu tiên sử dụng SGK theo Chương trình GDPT mới nên mọi chi phí biên soạn, chế bản, in và phát hành sẽ được phân bổ vào giá thành, có thể gây biến động về giá. Nhà nước đã lường trước khả năng này nên quyết định chi ngân sách cho một số công đoạn như tập huấn cho các thành viên Hội đồng Quốc gia thẩm định SGK, chi phí mời chuyên gia tư vấn quốc tế, tiếp tục chính sách cung cấp SGK cho các đối tượng HS vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng đặc biệt khó khăn và HS thuộc diện chính sách khác.
Một lý do nữa cũng thắp lên hy vọng cho cha mẹ HS và những người làm quản lý giáo dục là cơ chế cạnh tranh giữa các NXB cũng sẽ tác động tích cực đến việc giữ giá SGK hợp lý. Tôi nghĩ rằng, sau khi chất lượng nội dung SGK được Hội đồng Quốc gia thẩm định và đánh giá là tuân thủ yêu cầu của Chương trình năm 2018 và đạt những tiêu chuẩn, tiêu chí quy định trong Thông tư 33/2017/TT-BGDĐT ngày 22/12/2018 của Bộ GD&ĐT, giá bán SGK cũng sẽ là một yếu tố để người sử dụng lựa chọn.
- Xin cảm ơn ông!