100% lợi nhuận từ bản quyền truyền hình bóng đá sẽ phục vụ sự phát triển của TTVN

100% lợi nhuận từ bản quyền truyền hình bóng đá sẽ phục vụ sự phát triển của TTVN
(GD&TĐ) - Đây là khẳng định của ông Phạm Nhật Vũ - Chủ tịch HĐQT tại cuộc họp báo với chủ đề “AVG – Truyền hình An Viên sẽ đồng hành cùng Thể thao Việt Nam” diễn ra chiều 20-2, tại Hà Nội.  Ông Vũ chia sẻ: “AVG sẵn sàng hợp tác với bất kỳ đối tác nào nếu họ có những kế hoạch, mục tiêu và hành động thực sự vì BĐVN, vì TTVN. Toàn bộ lợi nhuận thu được từ kinh doanh bản quyền truyền hình bóng đá sẽ phục vụ cho sự phát triển của TTVN trong 20 năm, và số tiền này sẽ được chia theo tỷ lệ: 30% cho VFF (mức cũ là 20%), 20% cho Thể thao quần chúng, 20% cho Thể thao thành tích cao, 30% cho Quỹ hỗ trợ VĐV TTTVN”.
Theo ông Vũ, nếu các đài không tường thuật V-League thì người hâm mộ sẽ chịu thiệt chứ lỗi không phải của AVG. Hiện AVG mang các chương trình đã sản xuất “biếu” tận nơi cho các nhà đài mà các đài không nhận là sao? Giờ lại có người còn nói rằng bán bản quyền truyền hình của giải sẽ được từ 70-100 tỷ đồng/3 năm… Có lẽ, phần sôi động nhất trong buổi họp báo chính là cuộc đối thoại rất sôi nổi giữa AVG và giới truyền thông xung quanh bản hợp đồng bản quyền truyền hình mà AVG đã ký với VFF có thời hạn 20 năm. Dưới đây là lược ghi của GD&TĐ: 
Ông Phạm Nhật Vũ tại cuộc họp báo
Ông Phạm Nhật Vũ tại cuộc họp báo
PV: Xin ông cho biết, vì sao trong buổi họp báo này, đại diện của công ty VPF không tham dự?
Ông Phạm Nhật Vũ: Ngay sau cuộc gặp của VPF với báo chí ngày 16/2,  chúng tôi có gửi giấy mời và lãnh đạo VPF đã nhận lời sẽ đến dự. Trước trước cuộc họp báo hôm nay tôi có nhận được điện thoại của Tổng Giám đốc VPF Phạm Ngọc Viễn nói rằng chúng tớ bận vì có việc đột xuất, không tham dự được. Nếu cuộc họp này có mặt anh Kiên, anh Thắng (ông Võ Quốc Thắng - Chủ tịch HĐQT VPF), anh Viễn thì chúng tôi sẽ rất vui mừng bởi được nói chuyện với nhau ba mặt một lời và sẵn sàng hợp tác, nếu chúng tôi thấy đấy là vì sự phát triển của BĐVN. Tuy nhiên, nếu tôi có cơ hội gặp anh Kiên, anh Thắng, anh Viễn vào ngày hôm nay (21-2) thì tôi cũng sẽ nói và cung cấp tất cả cho họ tài liệu về việc thu - chi trong vấn đề bản quyền truyền hình mà chúng tôi đã thực hiện.
PV: Được biết một số CLB đang thi đấu tại Super League nói rằng họ chỉ nhận được tiền bản quyền truyền hình từ VFF mùa bóng 2011 là 90 triệu đồng, trong khi đó số tiền đầu tư mỗi năm của họ lên tới hàng trăm tỷ đồng. Khi ký hợp đồng với VFF, AVG có nghĩ số tiền bản quyền truyền hình sau đó VFF sẽ chia cho các CLB là quá ít? chiều nay (21-2), công ty VPF sẽ có buổi làm việc với lãnh đạo Tổng cục TDTT, trong đó họ yêu cầu là xem xét lại hợp đồng bản quyền truyền hình bóng đá  20 năm giữa VFF và AVG. Ông bình luận gì về vấn đề này?
Ông Phạm Nhật Vũ: Trong cuộc họp báo này, tôi không có ý định nói hoặc đề cập đến hành động của công ty VPF và cũng không có ý định nói đến sai phạm của tổ chức cá nhân nào. VPF đề nghị xem lại hợp đồng, điều này không có gì mới mẻ; họ còn đề nghị huỷ hợp đồng. Trên thực tế họ đã có nhiều hành động không tôn trọng bản hợp đồng này rồi và đấy là việc của họ chứ không phải việc của chúng  tôi.
PV: Ông có thể cho biết chi tiết và công khai các điều khoản trong bản hợp đồng đã ký kết giữa VFF và AVG? Thanh tra đã công bố kết luận, nhưng nếu vẫn có những đài vào sân ghi hình thì AVG có động thái kiên quyết hay không?
Ông Phạm Nhật Vũ: Công khai hợp đồng không phải chúng tôi đơn phương muốn làm là được. Có điều khoản bảo mật trong đó. Tôi có nghe nói là có một trang mạng nào đó đã đăng công khai hợp đồng này. Nếu đúng vậy thì đây là một hành vi vi phạm pháp luật rất nặng vì nó gây ảnh hưởng đến nhiều đơn vị và cá nhân.
PV: Theo quy chế quản lý truyền hình trả tiền, đơn vị truyền dẫn không được sản xuất chương trình. AVG là đơn vị truyền dẫn hay đài truyền hình? Tôi thấy các đài truyền hình không có nguồn lợi nào khi truyền hình Super League, kể cả được phát miễn phí từ AVG nên tất nhiên là họ sẽ từ chối?
Ông Phạm Nhật Vũ: Tôi xin khẳng định là lại rằng AVG không phải là đài truyền hình vì đài truyền hình theo khái niệm được ghi rõ trong văn bản của Nhà nước là một cơ quan báo chí. Chúng tôi chỉ là đơn vị có quyền truyền dẫn phát sóng, cung cấp dịch vụ truyền hình và sản xuất chương trình. Do không được quyền duyệt chương trình nên AVG đã liên kết với các đơn vị kiểm duyệt nội dung như đài truyền hình Bình Dương, HTV Hà Nội, truyền hình Công an. Chúng ta có rất nhiều kênh chương trình quảng cáo ầm ầm mà chúng ta không được chia sẻ chút nào như HBO, CNN, Star Movies… Tôi không hiểu tại sao các đài có thể phát triển kênh nhgư thế nhưng lại không dành thời lượng truyền hình cho các trận đấu ở Super League.
AVG đề xuất phân bổ lợi nhuận từ khai thác thương quyền thể thao
AVG đề xuất phân bổ lợi nhuận từ khai thác thương quyền thể thao
PV: Sau khi nhận được đầy đủ quyền tổ chức các giải bóng đá chuyên nghiệp VN từ VFF, khi đó VPF có quyền đặt vấn đề thay đổi hợp đồng, AVG với VPF có ngồi lại với nhau?
Ông Phạm Nhật Vũ: Việc xem xét hay hủy bỏ hợp đồng của VPF là việc của họ. Nếu có đàm phán với nhau hay không cho dù đó là đơn vị truyền dẫn, đài truyền hình hay VPF, VFF thì xin thưa AVG sẵn sàng hợp tác. Ngày 16-1, AVG đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Tôi không lấy một xu nào từ thể thao VN, 100% lợi nhuận của thương quyền bóng đá sẽ được chia như sau: 10% cho nghiên cứu phát triển, 20% chia cho VFF, 30% chia cho Quỹ hỗ trợ thể thao VN, 20% cho thể thao thành tích cao, 20% cho thể thao quần chúng.
PV: Không biết ông có đọc báo không. Tôi thấy một bài báo có 42 comment thì có 37 cái là phản đối AVG, ông có đặt câu hỏi vì sao AVG bị phản đối thế không? Người hâm mộ không phản đối vì họ không được xem Super League mà phản đối vì hợp đồng 20 năm ấy ảnh hưởng rất nhiều đến tương lai bóng đá VN.
Ông Phạm Nhật Vũ: Các CLB chỉ nhận được vài trăm triệu trong 20 năm từ bản quyền truyền hình, như vậy làm sao các CLB phát triển, bóng đá VN phát triển được. Đó mới là quyền lợi của người hâm mộ bị xâm phạm, còn nếu không có đài nào tường thuật thì người hâm mộ phải mua đầu thu của AVG thôi.
PV: Như ông nói ở trên là AVG trích 100% lợi nhuận cho phát triển TTVN. Liệu ông có khẳng định là có lãi hay không?
Ông Phạm Nhật Vũ: Tôi đang rất muốn cộng tác với các đơn vị để tạo ra nguồn lợi nhuận phục vụ ý tưởng của chúng tôi là tất cả vì TTVN. Nếu trong thời gian tới, chưa có lợi nhuận, chúng tôi vẫn bỏ tiền ra để làm. Hiện nay, AVG có 3 nguồn thu chính: Tiền bản quyền từ các đài truyền hình (tự sản xuất); Bán sản phẩm định hình (sóng sạch); Bán sản phẩm hoàn chỉnh (có chèn quảng cáo), hiện hoàn toàn đang cho miễn phí cho các đài.
PV: Những gì ông định làm cho TTVN có thật không? 20 năm tới thì ông còn tiếp tục làm cho TTVN hay không? Ai giám sát việc làm của AVG?
Ông Phạm Nhật Vũ: Trong cuộc họp này tôi thành thật đề nghị tất cả các nhà báo giúp chúng tôi giám sát, toàn xã hội cùng giám sát những gì tôi đã nói hôm nay. Làm gì có chuyện đã cam kết mà lại không làm, như thế còn gì là cam kết nữa.
Trung Toàn (ghi)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhu cầu tuyển dụng lao động vào dịp cuối năm luôn “nóng” tại các doanh nghiệp. Ảnh minh họa: INT

Doanh nghiệp 'khát' lao động

GD&TĐ - Những tháng cuối năm luôn là thời điểm sôi động nhất của thị trường lao động, bởi hầu hết các doanh nghiệp phải chạy đua với thời gian

Minh họa/INT

Thưởng Tết - động lực để cống hiến

GD&TĐ - Ý nghĩa của thưởng Tết dù ít hay nhiều nhằm ghi nhận công lao, đóng góp của người lao động, đồng thời chính là thành quả mà người lao động tạo ra...