Băn khoăn về tính khả thi của việc cai nghiện tự nguyện

GD&TĐ - Sáng 13-11, dưới sự điều hành của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi).

Đại biểu Trương Thị Yến Linh (Đoàn Cà Mau).
Đại biểu Trương Thị Yến Linh (Đoàn Cà Mau).

Làm rõ trách nhiệm quản lý

Thảo luận về dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi), đa số ý kiến đại biểu Quốc hội bày tỏ sự đồng tình với việc sửa đổi để hoàn thiện cơ chế, pháp luật để phòng, chống ma túy trong thời gian tới. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đóng góp ý kiến nhằm làm rõ hơn trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, gia đình trong quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy.

Trong đó, đại biểu Trương Thị Yến Linh (Đoàn Cà Mau) băn khoăn về việc quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy trên 18 tuổi và dưới 18 tuổi trong dự thảo Luật có sự phân biệt khi thời hạn quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy dưới 18 tuổi là 6 tháng, chỉ bằng một nửa so với người trên 18 tuổi

Đại biểu cho rằng, độ tuổi không nói lên thời gian sử dụng, tiếp cận ma túy hay liều lượng sử dụng nhiều hay ít, nhất là tình hình học sinh sử dụng trái phép chất ma túy đang có chiều hướng phức tạp. Từ đó, đại biểu Trương Thị Yến Linh đề nghị xem xét điều chỉnh quy định này cho hợp lý hơn.

Về vấn đề cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) và đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Đoàn Quảng Bình) cho rằng, đây là giải pháp cần thiết để giảm chi ngân sách, giảm tải cho các cơ sở cai nghiện ma túy; mặt khác đối tượng được gần gũi gia đình, dễ hòa nhập cộng đồng sau cai.

Tuy nhiên, cần làm rõ về thời gian cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng và các biện pháp giám sát để phòng ngừa lợi dụng việc này nhằm không đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện, khi ở nhà vẫn tiếp tục sử dụng ma túy.

Cho rằng vấn đề cai nghiện tự nguyện là điều mới và tiến bộ, tuy nhiên đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) có ý kiến, việc cai nghiện tại gia đình và cộng đồng là khó, bởi đây là hoạt động trên cơ sở “tự nguyện”.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng cho rằng, vai trò giám sát cai nghiện tại gia đình, cộng đồng của cơ quan công an được quy định trong dự thảo Luật còn mơ hồ, đồng thời việc kinh phí nhà nước hỗ trợ một phần hoạt động cai nghiện tại gia đình, cộng đồng cũng chưa thực sự hợp lý.

Băn khoăn về tính khả thi của việc cai nghiện tự nguyện ảnh 1
Đại biểu Huỳnh Cao Nhất (Đoàn Bình Định).

Đại biểu Huỳnh Cao Nhất (Đoàn Bình Định) cho rằng, quy định người sử dụng trái phép ma túy phải tự khai báo về hành vi của mình với cơ quan chức năng là khó khả thi. Đại biểu cho rằng, ngoài việc lo sợ xã hội xa lánh, theo quy định hiện hành, người sử dụng trái phép chất ma túy sẽ bị xử phạt cảnh cáo hoặc bị phạt tiền.

“Khi tự khai báo thì họ có bị phạt không, nếu tự khai báo mà vẫn bị phạt thì quy định này khó vào đời sống”, đại biểu Huỳnh Cao Nhất nêu quan điểm.

Chú trọng công tác phòng ngừa ma túy

Thảo luận tại hội trường, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Đoàn Bắc Kạn) cho rằng, cần phân biệt rõ giữa người sử dụng trái phép chất ma túy và người nghiện ma túy, do không chỉ sử dụng ma túy một vài lần là thành người nghiện và cũng không xác định được sử dụng ma túy bao nhiêu lần thì thành người nghiện.

“Do đó, việc phân biệt chính xác hai diện đối tượng này để có biện pháp tương xứng về pháp lý là rất cần thiết và quan trọng. Đối tượng nào thì biện pháp đó”, đại biểu Nguyễn Thị Thủy nói.

Băn khoăn về tính khả thi của việc cai nghiện tự nguyện ảnh 2
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Đoàn Bắc Kạn).

Cũng theo đại biểu Nguyễn Thị Thủy, trước năm 2009, hành vi sử dụng trái phép chất ma túy được quy định là một tội trong Bộ luật Hình sự và có tính răn đe khá cao. Tuy nhiên, sau khi có sự thay đổi trong nhận thức về hành vi này, coi người sử dụng trái phép chất ma túy là nạn nhân của tệ nạn ma túy thì Bộ luật Hình sự đã không quy định đây là tội danh.

“Do đó đã dẫn đến việc gia tăng nhanh chóng người nghiện trong thời gian qua”, đại biểu Nguyễn Thị Thủy nói thêm.

Ngoài ra, nhiều đại biểu cũng nêu quan điểm về một số vấn đề như: Cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy; chính sách của nhà nước đối với người tham gia phòng, chống ma túy; giao thẩm quyền xem xét áp dụng việc cai nghiện ma túy cho người từ đủ 12 tuổi đến 18 tuổi; danh mục các chất ma túy và tiền chất…

Băn khoăn về tính khả thi của việc cai nghiện tự nguyện ảnh 3
Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an.

Tiếp thu, làm rõ ý kiến thảo luận của các đại biểu Quốc hội, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, toàn bộ quan điểm chung của dự thảo Luật là phòng ngừa, ngăn chặn giảm nguồn cung ma túy; tiếp đến giảm cầu, trong đó có quản lý, giảm người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy.

Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, đối tượng này rất đa dạng, có cả trí thức, cán bộ, thanh niên, thậm chí trẻ em… và thực tế khi gia đình có người nghiện thì bị xa lánh trong làng xóm, cộng đồng.

“Vậy thái độ với người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy thế nào thì dự thảo Luật đã thể hiện rõ ràng. Tuy nhiên, Bộ Công an sẽ tiếp thu để điều chỉnh cho cân đối, hài hòa, thể hiện rõ trách nhiệm quản lý”, Đại tướng Tô Lâm nói.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết, phiên thảo luận thu hút 26 đại biểu Quốc hội phát biểu thảo luận, 3 đại biểu tranh luận. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị các cơ quan soạn thảo, thẩm tra nghiên cứu, tiếp thu, giải trình thấu đáo ý kiến của các đại biểu để hoàn thiện dự thảo Luật trước khi trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ mười một, Quốc hội khóa XIV.

Theo hanoimoi.com.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ