Cơ sở cai nghiện ngụy trang trong cửa hàng đồ gỗ

Cơ sở cai nghiện ngụy trang trong cửa hàng đồ gỗ

Sáng 26/5, đoàn thanh tra Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Sở Y tế cùng Công an Đồng Nai bất ngờ kiểm tra căn nhà trên quốc lộ 1A (phường Tân Biên, TP Biên Hòa), do ông Nguyễn Anh Khoa thuê lại với giá 20 triệu đồng mỗi tháng.

Căn nhà rộng khoảng 200 m2, phía trước trưng bảng hiệu là cửa hàng đồ gỗ nội thất. Tại các phòng, có 94 học viên cai nghiện ma túy nằm trên nhiều giường tầng, không đăng ký tạm trú. Bên trong không có trang thiết bị y tế, trong tủ thuốc chỉ có thuốc ngủ, cảm cúm, đau bụng.

Ông Khoa cho biết, cơ sở hoạt động từ tháng 9/2019. Mỗi tháng, học viên đóng 500.000-1,5 triệu đồng. Ban đầu chỉ có người nghiện ở TP Biên Hòa, sau đó nhiều thanh thiếu niên các tỉnh thành lân cận cũng tìm đến. Các học viên được bố trí ăn, ở tại chỗ. Những người sau cai nghiện sẽ ở lại quản lý người mới vào.

Cơ sở cai nghiện "chui" nằm sát cửa hàng, công ty, chợ, trung tâm thương mại. Người đàn ông bán tạp hóa cách cơ sở cai nghiện chừng 80 m cho biết các học viên thường đến tiệm của mình mua đồ dùng cá nhân. "Bình thường căn nhà đóng cửa im ỉm, khi có người chở cơm đến mới mở cửa", người này nói.

Lực lượng chức năng kiểm tra thuốc điều trị trong cơ sở cai nghiện trái phép. Ảnh: Phước Tuấn.

Ông Hồ Văn Lộc, Phó giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội cho biết, cơ sở này hoạt động không phép, không có phác đồ điều trị, quy trình cắt cơn, không đảm bảo an ninh trật tự... Tất cả học viên đã được đưa về trụ sở công an xét nghiệm ma túy, xác minh nhân thân để đưa đi cai nghiện bắt buộc.

Theo ông Đặng Xuân Hòa, Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội (thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội), ngoài Trung tâm cai nghiện tập trung Xuân Phú (huyện Xuân Lộc) do nhà nước quản lý thì Đồng Nai còn có cho hai cơ sở cai nghiện tư nhân ở huyện Trảng Bom (30 học viên) và Xuân Lộc (đang sửa chữa). Tỉnh này đang quản lý 4.300 người nghiện, chủ yếu cai nghiện tại cộng đồng.

Theo ông Hoà, việc cấp phép cơ sở cai nghiện tư nhân do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cấp phép theo Nghị định 147.

Điều 5 Nghị định này quy định: Cơ sở cai nghiện tư nhân cần đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất và nhân sự. Trong đó, khu vực chuyên môn cần có nơi tiếp nhận, thiết bị cắt cơn giải độc, cấp cứu, xét nghiệm... theo quy định của Bộ Y tế. 

Người đứng đầu cơ sở phải là bác sĩ đa khoa có thời gian khám chữa bệnh trên 3 năm và có một năm làm công tác cai nghiện. Đồng thời, đội ngũ cán bộ y tế, quản lý tâm lý, bảo vệ có văn bằng chuyên ngành phù hợp với nhiệm vụ cơ sở cai nghiện...

Theo vnexpress.net

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ