Bản anh hùng ca bất hủ
Trong những câu chuyện sau này kể lại, ca khúc “Mười chín tháng Tám” ra đời khi nhạc sĩ Xuân Oanh đang hoà vào dòng người từ vùng Văn Điển, phía Nam Thủ đô hừng hực khí thế kéo về trung tâm thành phố cướp chính quyền của phát xít Nhật và chính phủ Nam Triều tay sai. Trong không khí hân hoan, bên cạnh những khẩu hiệu “Việt Nam độc lập muôn năm”, “Việt Minh muôn năm”, người dân còn nô nức reo mừng về ngày lịch sử “Mười chín tháng Tám, mười chín tháng Tám”.
Những âm thanh sôi động ấy khiến chàng trai trẻ tuổi Xuân Oanh trào dâng cảm xúc, và cứ thế, những giai điệu tuôn trào ra “Mười chín tháng Tám, ánh sao tự do đem tới, cờ bay nơi nơi, muôn ánh sao ngời...”.
Vội vàng kiếm một mẩu giấy từ vỏ bao thuốc lá để ghi lại những ca từ vừa bật khỏi đầu, Xuân Oanh vừa bắt nhịp cho đồng bào trong đoàn biểu tình cùng hát những câu hát đầu tiên: “Toàn dân Việt Nam đứng đều lên góp sức một ngày, thề đem xương máu quyết tâm chiến đấu cho tương lai...”.
Trên con đường Hàng Bài, sau khi đoàn biểu tình chiếm được trại lính Khố xanh, đến khi tập hợp lại trước cửa Nhà hát Lớn thì bài hát cũng vừa sáng tác xong. Để rồi, chiều 19/8/1945, bài hát in ở một hiệu sách và được hát tốp ca phát trên sóng phát thanh trở thành khúc hùng ca về ngày mùa Thu lịch sử của dân tộc Việt Nam.
Đến hôm nay, ca khúc “Mười chín tháng Tám” vẫn là bản hùng ca bất hủ của thời đại không thể thay thế, mãi mãi âm vang đi cùng năm tháng, cổ vũ, động viên toàn dân tộc Việt Nam vững bước trên con đường đi lên phía trước.
Thắp niềm tin cho hàng triệu con tim
Hơn 70 năm qua, cứ mỗi độ Thu về, để kỷ niệm Cách mạng tháng 8, bài hát lại được vang lên trên các làn sóng đài phát thanh và ở khắp nơi. Sức sống, hơi thở của tác phẩm này không bao giờ có thể vơi cạn.
Cô giáo Hà Hồng Chuyên, giáo viên môn Ngữ văn Trường THPT Việt Nam - Ba Lan (Hà Nội) cho biết: “Thế hệ chúng tôi sinh ra khi đất nước đã hoàn toàn được giải phóng, khói lửa chiến tranh đã lùi xa, nhưng mỗi lần nghe lại các ca khúc viết về thời điểm Tổng khởi nghĩa tháng Tám 1945, chúng tôi vẫn thấy rạo rực trong lòng. Không biết đó có phải do sức hút của những ca từ, giai điệu trầm hùng, hay vì một yếu tố nào khác mà tôi cảm thấy như được sống lại không khí đấu tranh của cha ông một thuở”.
Lý giải về sức sống của những ca khúc, NSƯT Minh Quang, Đoàn nghệ thuật Quân khu 2 cho rằng, ca khúc ra đời gắn liền với những dấu ấn, sự kiện lịch sử cụ thể giống một trang lịch sử bằng âm thanh để cho thế hệ hôm nay nhìn lại quá khứ, trở về với những năm tháng hào hùng của dân tộc.
Cái không khí sôi sục, tinh thần đấu tranh của toàn dân tộc vào giờ phút đổi đời ấy cứ truyền ra xa mãi theo cả không gian và thời gian. Đã bao lớp người đi qua, người cha đẻ ra ca khúc này cũng đã đi vào cõi vĩnh hằng nhưng “Mười chín tháng Tám” luôn sống mãi trong lòng bao thế hệ con người Việt Nam.