Ban đại diện cha mẹ học sinh: Cần cái nhìn khách quan

GD&TĐ - Những ngày qua, câu chuyện tồn tại hay xóa ban đại diện cha mẹ học sinh đang là đề tài tranh luận gay gắt giữa các phụ huynh học sinh trên các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội. 

Ban đại diện cha mẹ học sinh: Cần cái nhìn khách quan

Trước ý kiến của một ông bố đề nghị giải tán hội phụ huynh (theo Thông tư 55 thì gọi là Ban đại diện Cha mẹ học sinh), vẫn có những phụ huynh cho rằng hội này là cần thiết cho các hoạt động phục vụ việc học hành, chăm sóc con trẻ.

Giám sát để thực hiện đúng

Chị Nguyễn Thanh Hoa, có con học lớp 8 tại một trường THCS trên địa bàn quận Hoàng Mai cho biết: “8 năm con tôi đi học cũng là tám năm tôi làm trưởng ban trong đại diện cha mẹ học sinh của lớp, có những năm là của trường. Việc hội phụ huynh đứng ra thu các khoản xã hội hóa để chung tay với nhà trường thực hiện một số công việc là cần thiết mặc dù không nên thu quá nhiều.

Chúng tôi rất thận trọng trong việc thu tiền và sử dụng số tiền mà các phụ huynh khác đóng góp để sử dụng vào mục đích chung của lớp như tiền liên hoan các ngày Trung thu, Noel, liên hoan 20/11, khuyến học, phát thưởng... Thế nên 8 năm làm trưởng ban đại diện phụ huynh, tôi không thấy phụ huynh trong lớp con tôi học có ý kiến gì. Thấy sự hợp lý ở các khoản chi tiêu, phụ huynh sẵn lòng đóng góp. Vấn đề cốt lõi là ban đại diện đó hoạt động thế nào, quỹ được thu phục vụ cho việc gì, có thực sự hợp lý hay không mà thôi”. Liệu xóa bỏ hội cha mẹ học sinh, lạm thu có hết và quyền lợi của học sinh có còn được đảm bảo?

Là giáo viên đồng thời là phụ huynh của hai trẻ tiểu học, theo cô Hoàng Tú Anh, Giáo viên Trường THPT Việt Nam – Ba Lan cho rằng, “ban đại diện cha mẹ học sinh là cần thiết vì nó là một trong ba yếu tố quan trọng để phối hợp giáo dục con cái giữa nhà trường, gia đình và xã hội. Do đó cả trường lẫn các ban đại diện cần xem và đánh giá lại vai trò, chức năng của mình trong nhà trường.

Những người tham gia ban đại diện hầu hết đều là những người “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Họ chẳng được hưởng lợi gì từ những khoản thu (mà có khi khiến chúng ta thấy vô lý, bực bội), đôi khi thường là phải lấy tiền túi của mình để bù vào. Tuy nhiên, ban đại diện không nên tham gia quá sâu vào khía cạnh thu chi tài chính, bởi vấn đề này dễ gây chia rẽ, phản ứng từ phụ huynh. Họ chỉ nên kết nối để phụ huynh bàn bạc, thống nhất trước mỗi đề xuất thu, chi, mua sắm.

Theo tôi, nếu chúng ta thấy ban đại diện chưa làm tốt vai trò của mình thì nên góp ý chân thành, thẳng thắn. Không nên giải tán ban phụ huynh, mà làm thế nào để duy trì, phát huy tốt vai trò của ban này. Có lẽ chính quyền địa phương và Phòng GD&ĐT địa phương cần vào cuộc, giám sát trực tiếp việc thu – chi và có hướng dẫn để ban phụ huynh thực hiện đúng”.

Thay đổi để hoạt động hiệu quả

Vừa qua, Bộ GD&ĐT thanh tra tại 4 tỉnh, thành phố, kết quả cho thấy, nhiều trường đã có biểu hiện lạm thu, thực hiện nhiều khoản thu thỏa thuận không đúng quy trình theo quy định tại Thông tư 29/2012/TT-BGDĐT, Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT ban hành Điều lệ ban đại diện cha mẹ học sinh…

Đặc biệt hiện nay có một số khoản, dù Điều lệ hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh quy định rõ là không được thu (như tiền: Bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, vệ sinh lớp học, mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học…), nhưng ban đại diện do không hiểu, hoặc “bất chấp” đứng ra thu hộ. Đây chính là kẽ hở để lạm thu có “đất sống”. Chính hai chữ “tự nguyện” làm cho tình trạng lạm thu thời gian qua gây bức xúc dư luận.

Xã hội hóa giáo dục huy động sức dân vào công cuộc giáo dục của nước nhà là một chủ trương đúng đắn. Nhưng nó đang bị biến tướng để câu chuyện những khoản thu trên trời phát sinh trong các cơ sở trường học. Một số nhà trường mượn “vỏ bọc” của ban đại diện cha mẹ HS để tận thu nhiều khoản không đúng quy định nên việc phụ huynh, giáo viên và các chuyên gia kiến nghị giải tán, bỏ ban phụ huynh này không phải không có lý.

Cô giáo Nguyễn Thu Hòa, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Đại Kim (Hà Nội) cho rằng, nếu không có ban đại diện cha mẹ học sinh thì sự kết nối giữa gia đình và nhà trường trong giáo dục HS sẽ không đạt hiệu quả tốt. Tuy nhiên, chất lượng hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh thời gian gần đây có những nơi hoạt động chưa đúng quy định tại điều lệ mà Bộ GD&ĐT quy định, trong đó có việc thu chi, quỹ... chưa hợp lý của trường, lớp. Bởi vậy, Bộ GD&ĐT nên chấn chỉnh lại, soạn thảo lại quy chế cho chặt chẻ để ban đại diện cha mẹ học sinh hoạt động tốt hơn và làm đúng chức năng của mình. Nếu được vậy, tổ chức này sẽ vô cùng hữu ích trong công tác giáo dục để không xảy ra tiêu cực, bức xúc trong xã hội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ