Nỗi niềm Ban đại diện cha mẹ học sinh

GD&TĐ - “Cảm thấy chạnh lòng” – đó là chia sẻ đầu tiên của một trưởng Ban đại diện cha mẹ học sinh (BPH) khi được hỏi về tâm tư quanh một số vấn đề liên quan đến hoạt động của BPH đang được dư luận “mổ xẻ” hiện nay.

Trang trọng Họp phụ huynh đầu năm học (Ảnh minh họa)
Trang trọng Họp phụ huynh đầu năm học (Ảnh minh họa)

Phụ huynh không làm nếu thấy không cần thiết

Là người có hơn 10 năm kinh nghiệm tham gia BPH cho 3 đứa con theo học Tiểu học, THCS, chị Giang Thị Phú Bình - Trưởng Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp 2H - trường Tiểu học Đông Thái (Tây Hồ - Hà Nội) nhấn mạnh: Gần đây dư luận đang rất “nóng” về chuyện BPH có cần thiết hay không? Cá nhân tôi thấy rằng, nếu không tồn tại BPH chắc chắn Ban giám hiệu và giáo viên chủ nhiệm sẽ khó khăn hơn nhiều trong công việc phối hợp giáo dục học sinh.

BPH nhiều năm nay đã phát huy vai trò là cầu nối các hoạt động của nhà trường với phụ huynh học sinh của mỗi lớp, là kênh tiếp nhận cũng như trao đổi thông tin 2 chiều một cách hiệu quả giữa nhà trường và phụ huynh.

Bên cạnh đó, BPH đại diện các bậc phụ huynh trong lớp cùng giáo viên tham gia hầu hết các các hoạt động ở trường của con em mình như: Đại hội chi đội, tổ chức Trung thu, hội vui học tốt, tham quan, học kỹ năng sống; ....Cùng giáo viên chủ nhiệm chia sẻ kinh nghiệm giáo dục học sinh; Cùng nhà trường tham gia các hoạt động từ thiện; Cùng nhà trường có ý kiến với chính quyền địa phương để chăm lo đến việc giáo dục chung cho học sinh…

Thông qua BPH của lớp, Ban giám hiệu nhà trường nắm bắt được tâm tư nguyện vọng của phụ huynh học sinh, điều chỉnh, rút kinh nghiệm các hoạt động chưa phù hợp với lớp, với địa phương để điều chỉnh phương pháp giáo dục của từng giáo viên.

“Khi tham gia BPH, nhà trường đã cho chúng tôi tiếp cận, nghiên cứu kỹ về Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh và Thông tư hướng dẫn. Qua đó, chúng tôi hiểu về nghĩa vụ và quyền hạn của BPH trong hoạt động phối hợp với nhà trường và với giáo viên nhằm mang lại những điều tốt đẹp nhất cho con em mình. BPH quan tâm đến từng miếng ăn, giấc ngủ cho các con. Nếu thấy không cần thiết, rõ ràng không ai trong chúng tôi chia sẻ thời gian của mình để tham gia công việc này” - chị Giang Thị Phú Bình cho hay.

Phụ huynh lớp 3A2 - năm học 2016 - 2017 (Trường TH Đô thị Việt Hưng, Long Biên, Hà Nội) cùng nhau làm gian hàng cho các con tham gia Hội chợ quê do nhà trường tổ chức.
 Phụ huynh lớp 3A2 - năm học 2016 - 2017 (Trường TH Đô thị Việt Hưng, Long Biên, Hà Nội) cùng nhau làm gian hàng cho các con tham gia Hội chợ quê do nhà trường tổ chức.

Hoạt động trước tiên vì con em mình

Với những liệt kê công việc, có thể thấy, tất cả các hoạt động của BPH đều liên quan mật thiết và trước tiên vì lợi ích của các học sinh. Tuy có một số quan điểm trái chiều nhưng rõ ràng, BPH nhiều năm qua đã khẳng định vai trò quan trọng trong công tác phối hợp với nhà trường giáo dục toàn diện học sinh.

Chị Giang Thị Phú Bình tâm sự: Lớp học cũng giống như một xã hội thu nhỏ, mỗi phụ huynh có những suy nghĩ, ý kiến khác nhau. BPH thêm vai trò dung hòa các luồng ý kiến và đi đến thống nhất các phương án để có thể nhận được sự đồng thuận của đại đa số các phụ huynh trong mọi hoạt động liên quan đến các con.

Mọi khoản thu chi cũng như các quyết định liên quan đến các con đều được bàn thảo trên nguyên tắc “công khai, minh bạch” và trên tinh thần xã hội hóa đúng nghĩa, tùy tâm, tùy hoàn cảnh. Chính vì vậy, chưa khi nào chị P.B và BPH gặp phải sự phản đối của các bậc phụ huynh học sinh. Chuyện “lạm thu” cũng không có cơ hội xảy ra khi BPH thực hiện đúng nguyên tắc, đúng điều lệ và đúng Thông tư hướng dẫn, bên cạnh sự nghiêm túc của Ban giám hiệu mà đứng đầu là Hiệu trưởng nhà trường.

Trái lại, sự tận tâm, nhiệt tình của BPH chính (gồm 3 thành viên) nhận được sự hỗ trợ tích cực, thường xuyên của hàng chục phụ huynh học sinh khác. Mọi phụ huynh thay nhau quán xuyến, quan tâm đến tình hình của các con để cùng giáo viên và nhà trường mang lại cho các con những điều tốt đẹp nhất.

Ví dụ: Khi nghe một học sinh phản ánh với cha mẹ rằng, hôm nay con ăn bán trú không ngon miệng thì lập tức bữa trưa ngày hôm sau, BPH đã cử đại diện đến trường để kiểm tra đột xuất bữa ăn bán trú của các con. Xác định nguyên nhân do chất lượng bữa ăn hay do sức khỏe khiến con ăn không ngon miệng, từ đó có những góp ý thẳng thắn với Ban giám hiệu nhà trường để rút kinh nghiệm kịp thời.

Cùng với trách nhiệm giám sát các hoạt động chung của nhà trường, BPH tiếp thu ý kiến phản ánh của các phụ huynh trong lớp - trở thành đầu mối, hoạt động một cách bài bản, hiệu quả, truyền đạt những thông tin cụ thể và chi tiết nhất của mỗi lớp đến Ban giám hiệu để từ đó tăng cường hơn nữa hiệu quả phối hợp giáo dục học sinh.

“Thực tế cho thấy, BPH lớp nào tích cực tham gia cùng lớp thì phong trào hoạt động của lớp đó sôi nổi, hiệu quả hơn hẳn; Tạo được sự gắn kết giữa giáo viên với phụ huynh và tạo được niềm tin của phụ huynh với giáo viên.

Tất cả mọi hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh đều mang tên “Ban phụ huynh lớp” chứ không mang tên cụ thể của một bác nào trong BPH. Vì vậy, chuyện sử dụng danh nghĩa ấy để tranh thủ sự quan tâm của giáo viên hay nhà trường với con em thành viên BPH là hoàn toàn không có.

Chúng tôi bớt thời gian hỗ trợ các phụ huynh khác, cùng tham gia các hoạt động với lớp, với trường trước tiên vì con em mình, vì ủng hộ chủ trương tốt đẹp của Bộ GD&ĐT – Tăng cường phối hợp giữa gia đình và nhà trường trong giáo dục học sinh”. - Anh Lê Xuân Huy - Trưởng Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp 4A2, Trường Tiểu học Đô thị Việt Hưng (Long Biên – Hà Nội).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.