Bản chất của những cơn đau

GD&TĐ -Là con người, không ai mà không cảm nhận được cơn đau, thậm chí đau nhiều lần. Trượt ngã… đau. Té xe… đau. Va chạm mạnh… đau. Gọt trái cây đứt tay.. đau. Viêm dạ dày… đau. Viêm gan… đau. Nhìn chung, nhiều sự cố và nhiều bệnh lý đều dẫn đến… đau. Vậy đâu là bản chất của những cơn đau?

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Mỗi người một vẻ

Không phải ai cũng đau giống như ai. Giới tính và tuổi tác giữ vai trò quan trọng. Các nghiên cứu cho thấy nam và nữ đáp ứng khác nhau với sự đau đớn. Nữ giới được cho rằng họ tìm kiếm nhanh chóng sự giúp đỡ và thích sử dụng các biện pháp đối phó với cơn đau và hồi phục nhanh hơn. Các hormone giới tính như Estrogen ở nữ và Testosterone ở nam cắt nghĩa sự khác nhau này.

Vào những năm 1960, nhà tâm lý học Ronald Melzack và nhà giải phẫu học Patrick Wall đã đưa ra lý thuyết kiểm soát “cổng” sự đau. Theo đó, đau được “đóng khung” bởi kinh nghiệm trong quá khứ. Vì vậy, những người trải qua những kinh nghiệm khác nhau sẽ chịu đau theo những cách khác nhau.

Đau được phân thành 2 loại chính là đau do cảm thụ và đau do bệnh thần kinh. Đau do cảm thụ xảy ra khi các bộ phận cảm nhận (receptor) của thần kinh ngoại biên, như là thần kinh ở tay và chân, chúng có cảm giác với thương tổn mô thực sự được kích thích bởi cảm giác khó chịu, như là chấn thương hay bị thương tích. Đau do bệnh thần kinh gây ra do tổn thương hệ thống thần kinh ngoại biên hay trung ương.

Phân biệt đau cấp tính và mạn tính

Đau cấp tính là cơn đau mà thời gian diễn ra ngắn, thường liên quan đến bệnh mới xảy ra, viêm, chấn thương hay phẫu thuật. Đau cấp tính diễn ra tương đối nhanh và nếu cần điều trị thì thời gian điều trị thường ngắn ngủi.

Đau mạn tính là đau thường trực và kéo dài do bệnh tật, do tổn thương không được điều trị lành hay kéo dài quá thời gian phục hồi mong đợi. Trong một số trường hợp, đau mạn tính có thể xảy ra mặc dù không tìm thấy nguyên nhân rõ rệt.

Đôi khi định nghĩa tình trạng mạn tính bao gồm khung thời gian cụ thể, như ít nhất 6 tháng trong hội chứng mệt mỏi mạn tính. Nếu không điều trị, đau mạn tính có thể có tác dụng phụ đáng kể lên toàn thân và cũng có khi là nguyên nhân gây các rối loạn tâm lý.

Sử dụng thuốc giảm đau

Theo thống kê của Hiệp hội đau Hoa Kỳ (The American Pain Foundation), hiện có hơn 50 triệu người Mỹ trải qua những cơn đau mạn tính liên quan tới các hoạt động hằng ngày.

Đau được kiểm soát bởi hệ thống thần kinh, nhờ vào các tế bào và các sợi thần kinh qua việc gửi và nhận thông tin dưới hình thức dòng điện và phản ứng hoá học. Cơ thể có thể đáp ứng các thông tin và “báo hiệu” sự đau đớn theo nhiều cách. Các tế bào thần kinh tuỷ có thể giải phóng hoá chất làm tăng đau, tác động lên cường độ tín hiệu đau và dẫn truyền đến não. Đây là tiến trình gia tăng sự nhạy cảm. Não bộ có thể ngăn chặn tín hiệu đau từ việc chuyển tiếp thông tin đi xa hơn hoặc gửi tín hiệu thần kinh, ra lệnh giải phóng các chất giảm đau tự nhiên làm kết thúc tín hiệu đau đớn.

Vài chất khác trong cơ thể gây ra phản ứng ngược lại. Có một protein gọi là “chất P” kích thích đầu mút thần kinh tại nơi tổn thương và tuỷ sống làm gia tăng tín hiệu và sự nhạy cảm đau.

Cách thông thường để điều trị đau là sử dụng thuốc giảm đau. Các thuốc giảm đau được sử dụng phổ biến nhất là Acetaminophen (còn có tên gọi khác là Tylenol, Paracetamol…) và các thuốc kháng viêm non-steroid (NSAIDs) như là Aspirin, Ibuprofen...

Acetaminophen có thể mua được mà không cần đơn thuốc và được sử dụng giảm đau thông thường. Cơ chế tác dụng của thuốc chưa được hiểu hết. Tuy nhiên, người ta tin rằng thuốc này có thể làm giảm đau qua việc ức chế trung tâm đau ở hệ thần kinh trung ương. Nó có tác dụng giảm đau nhẹ hay trung bình, nhưng việc lạm dụng thuốc là nguyên nhân tổn thương gan.

NSAIDs làm giảm đau và chống viêm. Thuốc này có thể mua tự do tại hiệu thuốc, nhưng một số khác cần có đơn. Hàng triệu người sử dụng NSAIDs hàng ngày vì những lý do khác nhau, làm cho chúng trở thành loại thuốc sử dụng phổ biến nhất thế giới. Tuy nhiên, thuốc này không thích hợp cho một số người, chẳng hạn như những người mắc bệnh dạ dày hoặc bệnh thận.

Nếu thuốc Acetaminophen và NSAIDs không có hiệu quả, thuốc nhóm giảm đau gây nghiện (narcotic) có thể được sử dụng. Các thuốc này có liên quan đến khả năng gây nghiện một cách đáng kể, nhưng nghiên cứu cho thấy khả năng gây nghiện sẽ thấp nếu chúng được sử dụng chỉ để kiểm soát cơn đau và dưới sự hướng dẫn của thầy thuốc.

Giảm đau không dùng thuốc

Châm cứu giảm đau là phương pháp giảm đau không dùng thuốc. Đây là một bộ phận của y học truyền thống Trung Quốc, đã được phổ biến trên toàn thế giới.

Theo y lý cổ xưa nay, cơ thể là một sự thăng bằng giữa hai lực đối lập: Âm (yin) và dương (yang). Khi thăng bằng giữa âm và dương bị phá vỡ, sẽ dẫn đến tình trạng tắc nghẽn của “khí” (qi), đó là năng lượng sống đáp ứng thăng bằng tâm hồn, cảm xúc, tinh thần và thể chất. Sự tắc nghẽn này được cho là gây ra bệnh tật và đau đớn.

Người ta cho rằng “khí” tỏa khắp cơ thể theo những con đường được gọi là huyệt đạo. Mỗi con đường có liên quan đến một cơ quan riêng biệt hay một nhóm cơ quan. Để giảm đau và phục hồi sức khỏe, người ta kích thích các điểm đặc biệt nằm dọc theo huyệt đạo, gọi là điểm châm cứu hay huyệt.

Kỹ thuật châm cứu thực hành phổ biến nhất bao gồm việc châm những cây kim làm bằng kim loại, rắn và mảnh như sợi tóc vào các huyệt. Đôi khi, các huyệt này có thể được kích thích bằng cách ấn, cứu, chạy tia Laser, siêu âm, nhiệt hoặc điện.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ