Bàn chân không mỏi

GD&TĐ - Trưa tháng Sáu, nhiệt độ ngoài trời có lẽ lên tới gần 40 độ C. Nắng rang khô cả mẻ cơm nguội thừa để ngoài sân.

Bàn chân không mỏi

Nắng làm giàn hoa giấy vốn rực rỡ bỗng ủ rũ vì khát nước. Nắng bỏng rát da thịt nếu phải đi ra ngoài đường. Vậy mà Phương vẫn nhét vội mấy bộ quần áo vào ba lô, sắp xếp đồ nghề để lên đường tác nghiệp. Mùa vải thiều đang vào vụ thu hoạch vẫy gọi Phương. Trước khi ra khỏi cửa, Phương còn dặn lại mẹ chồng:

- Mẹ ơi! Đồ ăn, thức uống con đã chuẩn bị đủ rồi. Mẹ nấu cơm hộ con với, mẹ nhé. Mẹ dỗ bé Nga, đừng cho nó xem tivi nhiều ạ! À, mẹ nhớ tưới hoa giấy hộ con nữa.

Bà Thỏa hậm hừ, nét mặt không vui. Bà buông lời nặng trịch:

- Vâng! Mẹ biết rồi! Chị không phải lo, không phải dặn nhiều thế. Đây có phải lần đầu chị đi công tác đâu! Thôi, đi đi kẻo người ta chờ - Bà Thỏa chỉ ra ngoài đường, nơi chiếc xe tắc-xi vừa đậu xịch trước nhà.

Phương đeo khẩu trang, xỏ giầy thể thao rồi chào mẹ chồng. Lần nào Phương đi công tác, mẹ chồng cũng không vui. Bà Thỏa chỉ có chồng Phương là con trai duy nhất. Anh làm kĩ sư xây dựng nên cũng nay đây mai đó. Anh phải đi theo công trình, khi vào Nam, lúc ra Bắc.

Có đợt nửa năm anh mới về thăm nhà một lần. Anh bảo mình còn trẻ, còn phải làm ăn, có cơ hội được làm việc, cống hiến, đi nhiều thì anh cứ đi. Khi nào đến tuổi trung niên, anh sẽ về nhà làm vườn - ao - chuồng, chăm sóc gia đình. Còn bây giờ, mọi việc anh nhờ mẹ giúp và giao phó cho vợ là chính.

Phương lại làm nhà báo, cũng không thể ngồi yên một chỗ như nghề nghiệp khác. Nếu không đi thực tế, không xuống tận cơ sở để lấy tin thì làm sao viết bài được. Lúc Phương được đưa về nhà ra mắt, bà Thỏa đã thủng thẳng, đổng giảng:

- Nhà văn, nhà báo mà làm gì? Đi suốt thì lấy ai trông, dạy con, lấy ai nhà cửa, cơm nước?

Suốt bữa ăn ra mắt hôm ấy, Phương chẳng biết trò chuyện gì vì bà Thỏa tỏ thái độ ra mặt. Phương tự ái, đòi chia tay nhưng anh chỉ nắm chặt tay Phương và quả quyết:

- Bản lĩnh nhà báo của em để đâu rồi? Mới có tí khó khăn đã đầu hàng ư? Hạnh phúc của mình thì đừng để tuột mất, cô gái của anh ạ!

Phương nghĩ lại. Đây không phải lần đầu tiên cô đối mặt với thử thách. Hồi học phổ thông, Phương tham gia câu lạc bộ truyền thông của trường nên thường xuyên bị mẹ la mắng.

Hễ trường có sự kiện gì, hoạt động ngoại khóa nào là Phương làm chân chụp ảnh, viết bài, đưa tin. Phương có năng khiếu chụp ảnh rất đẹp. Con mắt thẩm mỹ, khả năng nhanh nhạy và tài quan sát đã giúp Phương chụp được những khoảnh khắc đẹp nhất, những bức ảnh xuất thần.

Sau mỗi sự kiện hay ngày lễ trong năm, Phương đều viết bài đưa tin rất nhanh. Phương làm chủ nhiệm câu lạc bộ truyền thông của trường mấy năm liền nên cả trường ai cũng biết Phương. Thầy cô khuyên thi ngành báo chí, đúng như mơ ước của Phương. Nhưng mẹ cô thì phản đối kịch liệt. Mẹ dọa “chặt chân” nếu Phương còn tiếp tục đi chụp ảnh, đi lông bông.

- Con gái chọn nghề nhàn hạ thôi con ạ! Cho sướng cái tấm thân. Báu gì cái nghề cứ rong ruổi nay đây mai đó như con ngựa hoang - Mẹ ví von rất buồn cười. Phương biết tính mẹ nên chỉ im lặng.

Mẹ chỉ muốn Phương làm giáo viên, giáo viên mầm non cũng được. Mẹ có suy nghĩ rất đơn giản và ép Phương thi sư phạm để sau này trở thành “người phụ nữ của gia đình”.

Phương lén lút làm hồ sơ thi báo chí mà mẹ vẫn đinh ninh Phương chỉ thi sư phạm. Khi nhận giấy báo đỗ, giấy gọi nhập học của Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Phương hét toáng lên trong phòng riêng khiến mẹ sững sờ:

- Làm sao mà con hét ầm ĩ lên vậy?

- Con đỗ Báo chí rồi mẹ ơi! Con vui quá! Con đỗ rồi... – Phương ôm chầm lấy mẹ. Mẹ đẩy Phương ra:

- Trời ơi! Con giỏi thật. Con dám lừa cả mẹ à? Tại sao con không nghe lời mẹ?

- Đó là ươc mơ của con. Mẹ đừng giận con, nghe mẹ. Con đã nỗ lực rất nhiều. Mẹ xem này, môn nào con cũng trên 9 điểm thì mới đỗ Báo chí đấy mẹ ạ!

Mẹ giận không nói năng gì với Phương ba ngày liền. Khi bố về nghỉ phép, Phương năn nỉ bố thuyết phục mẹ. Bố luôn tự hào về Phương, về cô con gái út năng nổ, hoạt bát chứ không hiền lành, điềm đạm và có phần nhút nhát như cậu con trai lớn. Mẹ cũng không dễ “đầu hàng”.

- Nhà chỉ có hai đứa con. Thằng lớn đã chọn nghề vất vả rồi. Em không đồng tình cho con Phương theo nghề báo đâu. Con gái cần gì phải lăn lộn mưu sinh. Làm phóng viên cực nhọc, đối mặt với bao hiểm nguy chứ có đơn giản đâu. Nó còn trẻ người non dạ nên mơ với mộng thôi, có chồng con rồi là biết tay nhau ngay - Mẹ tuôn ra một tràng. Phương đứng ngoài nghe lỏm được hết cuộc trò chuyện giữa mẹ và bố. Bố Phương điềm tĩnh:

- Em nói hay nhỉ? Nếu ai cũng chọn việc nhẹ nhàng thì gian khổ sẽ dành phần ai - Bố còn hát vổng lên, làm Phương tí nữa thì phì cười.

Sau cuộc nói chuyện căng thẳng giữa bố và mẹ về lựa chọn nghề của Phương. Mẹ còn thi gan với Phương bằng cách “tuyệt thực”. Mẹ nằm im trong phòng, không ăn uống gì. Mẹ bảo Phương: “Con cho mẹ ăn no rồi, mẹ không cần ăn nữa”.

Mẹ muốn Phương đi học sư phạm ở tỉnh cho gần nhà. Mẹ muốn Phương mãi ở bên mẹ như ngày còn bé. Phương không còn cách nào để làm lành với mẹ, bèn viết bức tâm thư dài để đầu giường mẹ. “Con sẽ thấy cuộc sống vô nghĩa nếu không được sống với ước mơ của mình”.

Đọc đến đấy, mẹ hoảng quá, sợ Phương nghĩ quẩn nên quyết định “giời không chịu đất thì đất phải chịu giời”. Có điều mẹ chẳng tổ chức liên hoan linh đình như hồi anh trai Phương đỗ Đại học Y. Phương cũng không tủi thân. Phương nghĩ được mẹ chấp thuận cho cô theo đuổi ước mơ đã là hạnh phúc rồi. Mới đó mà đã hơn chục năm, Phương học báo chí và làm báo khi ra trường.

Cửa ải thứ hai mà cô phải vượt qua chính là bà mẹ chồng không mấy dễ tính. Từ ngày về sống chung một nhà, Phương cố gắng gánh vác mọi việc to nhỏ khi chồng đi làm xa. Kinh tế không dư dả mấy nhưng Phương biết chi tiêu, vun vén cho tổ ấm gia đình nên trong nhà chẳng thiếu tiện nghi gì.

Phương sắm sanh đủ các thiết bị hiện đại: Từ máy giặt, tủ lạnh, robot hút bụi đến máy rửa bát và các thiết bị gia dụng khác. Phương đã tìm cách giải phóng sức lao động để mẹ chồng bớt phải đụng chân đụng tay vào việc nhà mỗi khi cô đi công tác hay bận gõ máy vi tính, viết bài, biên tập. Mỗi khi Phương chuẩn bị máy ảnh, ba lô là bà Thỏa biết con dâu sẽ đi tác nghiệp. Bà chỉ nhìn Phương, lắc đầu:

- Làm vừa vừa thôi! Phải giữ sức khỏe đấy. Nhà chỉ có hai người đàn bà. Chị mà ốm ra đấy, mẹ không lo được đâu.

Phương hiểu mẹ chồng luôn lo lắng cho cô, bà có nặng lời, không ngọt nhạt được như người ta cũng là một cách yêu thương cô. Những đêm Phương phải thức muộn để hoàn thành bài vở, bà Thỏa đều bế con cho.

Bà ru cháu ngủ ở phòng mình để con dâu thảnh thơi với việc viết lách, biên tập. Nhớ lần Phương phải cùng đồng nghiệp lên vùng núi phía Bắc công tác vào dịp mùa lũ, bà Thỏa lo lắng không yên. Bà nài nỉ:

- Chị nghĩ lại đi! Cơ quan thiếu gì đàn ông con trai. Ai lại bắt phụ nữ có con mọn đi xa giữa mùa lũ, nguy hiểm lắm.

Phương đã trấn an để mẹ chồng yên tâm:

- Là do con xung phong đi mẹ ạ! Không có ai bắt con đi cả. Chúng con là một nhóm phóng viên cần đi thực tế mùa lũ để làm một phóng sự dự thi.

Bà Thỏa cắt ngang:

- Thôi thôi! Mẹ xin chị! Thi với thố làm gì cho mệt! Chỉ cần hết tháng lĩnh lương là được rồi. Chị nghe lời mẹ, đừng đi!

- Con xin lỗi mẹ! Công việc của con là thế. Con không thể không đi! Mẹ trông nom nhà cửa và chăm cháu giúp con. Vài hôm nữa, xong việc là con lại về.

Bà Thỏa dọa gọi điện mách chồng Phương nhưng cô vẫn không thay đổi quyết định. Lúc lấy cô, anh đã hoàn toàn ủng hộ nghề nghiệp mà cô lựa chọn nên bây giờ anh cũng không có lí do gì để phản đối những chuyến công tác của vợ.

Nghe chồng dặn dò qua điện thoại xong, Phương quyết tâm ba lô khăn gói lên đường đến vùng tâm lũ, bỏ lại sau lưng ánh mắt lo âu của mẹ chồng. Phương nghĩ, dần dần mẹ cũng sẽ quen thôi. Công việc của Phương là thế, đi và viết.

Những thước phim và bức ảnh mà cô chụp được đã ghi lại những khoảnh khắc có một không hai. Chùm ảnh “rốn lũ” và một loạt phóng sự đã ra đời từ chuyến đi thực tế đó. Khi đứng trên bục vinh danh những tác giả có tác phẩm đoạt giải báo chí Trung ương, Phương đã rưng rưng xúc động.

Giải thưởng và tấm bằng khen chỉ là một phần khích lệ Phương sống hết mình với nghề. Điều quan trọng là Phương thấy mình dám nghĩ, dám làm, tôi rèn bản lĩnh và dấn thân trong những thử thách cam go của nghề báo.

***

Bây giờ Phương ngồi yên vị trong xe tắc-xi để đến vùng trung tâm của vải thiều vào vụ thu hoạch. Nhớ ngày đầu Xuân đi thực tế đến trại nuôi ong gần đó, cô còn bị ong đốt, sưng vù mu bàn tay và trán to bằng quả ổi mỡ.

Chỉ vì cái tính hiếu kỳ, thích khám phá nên chưa kịp mặc đồ phòng hộ, Phương đã sấn sổ tới xem tổ ong lấy mật. Cũng may, nọc độc của ong đã bị chủ trại dùng nhíp kẹp nhẹ, lôi ra.

Phương được sơ cứu, rửa vết thương, sát trùng và chườm lạnh lên vết ong đốt nên tình trạng đau, sưng giảm nhanh, chỉ vài hôm là khỏi. Bù lại, Phương đã có một phóng sự dài kỳ về hành trình nuôi ong, tạo ra thứ mật ong vải rất đặc trưng của xứ Đông mình. Cậu lái xe bắt chuyện, khiến Phương giật mình trở về thực tại:

- Nắng thế này mà chị cũng đi tác nghiệp à?

- À! Công việc mà em, nắng mưa là việc của giời - Phải đi lúc này mới đến kịp lúc thu hoạch. Chủ nhà hẹn rồi! Đến muộn vải xuất đi rồi, chỉ còn cây lá thôi - Phương giải thích

- Nghề báo cũng nhọc nhằn chị nhỉ?

- Nghề nào cũng có nỗi vất vả riêng! Làm tài xế như em cũng vậy thôi, bất kể khi nào khách gọi là phải có mặt. Thôi thì mình chọn nghề, nghề chọn mình rồi thì cứ làm tròn trách nhiệm là thấy cuộc sống vui vẻ rồi.

Xuống xe, Phương hẹn cậu lái xe chờ được thì chờ, còn không cứ về trước. Đi bộ vào vườn vải um tùm, bát ngát một màu xanh mát rượi, cảm giác cái nắng nóng của tháng Sáu vơi đi phần nào. Những chùm vải thiều hồng rực, phô bày ngoài vòm lá.

Đây là thứ vải được trồng theo tiêu chuẩn xuất khẩu. Màu sắc của vỏ quả vải tươi sáng, vị ngọt đậm đà, tươi ngon, mọng nước. Công việc bẻ vải không hề dễ dàng chút nào. Phương đã chứng kiến và ghi lại toàn bộ những công đoạn của việc thu hoạch vải thiều, phân loại, đóng gói, vận chuyển để chuẩn bị xuất sang thị trường các nước phát triển.

Mất mấy tiếng đồng hồ tác nghiệp, lưng áo Phương ướt đẫm. Mồ hôi nhễ nhại trên khuôn mặt ửng hồng mà cô vẫn chẳng ngừng bước đến và nghe những câu chuyện một nắng hai sương của người trồng vải...

Hôm nay, cơ quan tổ chức gặp mặt thân nhân của các phóng viên, nhân viên tòa soạn, Phương gọi điện báo trước cho chồng cả tuần nhưng anh không thể về được.

Công trình xây dựng đang đến giai đoạn quan trọng nên anh hẹn tháng sau sẽ về, “bù” cho Phương sau. Lúc đầu, Phương cũng có phần hụt hẫng, tủi thân nhưng rồi nhanh chóng vui vẻ, cân bằng cảm xúc.

Sau mục trao thưởng cho các phóng viên xuất sắc, có tác phẩm báo chí đoạt giải Trung ương là màn chụp ảnh kỷ niệm cùng người thân, Phương bất ngờ khi mẹ chồng cô xuất hiện cùng con gái cô với bó hoa tươi thắm trên tay và tiến về lễ đài:

- Mẹ chúc mừng con! Mẹ tự hào về con lắm!

Phương cảm động, cố ngăn những giọt nước mắt hạnh phúc chực trào ra trên khóe mắt. Cô đón bó hoa từ tay mẹ chồng và ôm con gái vào lòng. Hạnh phúc đến với cô thật đơn giản mà chẳng dễ dàng một chút nào nên cô sẽ nâng niu và trân trọng. Ngoài kia, những nẻo đường muôn nơi đang chờ bàn chân Phương. Bàn chân không bao giờ biết mỏi...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ