Tôi là nhà báo Bốc Phét

GD&TĐ - Đấy là cái tên được một anh bạn trong cùng đại đội đặt cho...

­Ảnh minh họa: ITN
­Ảnh minh họa: ITN

Anh bạn đặt tên đó khi thấy tôi có một số bài báo, tin tức nóng đăng trên các báo Nhân dân, Quân đội nhân dân, Người Giáo viên nhân dân.

Không hiểu anh bạn đang dè bỉu, nhạo báng, cố tình chọc tức hay khen ngợi tôi nữa. Sao cũng được, chỉ biết rằng, tôi chẳng hề tự ái mà còn thấy hay hay là đằng khác.

Những lúc thảnh thơi một mình nghĩ đến cái tên “nhà báo Bốc Phét” không khỏi khoái chí, thì ra mình cũng có người gọi là nhà báo, dù là nhà báo gì gì đi chăng nữa. Chả là thời gian đó, những năm một chín sáu mươi, ông nhà báo người Úc có tên Burchett là người có nhiều đóng góp trong việc thức tỉnh công luận phương Tây ủng hộ Việt Nam đấu tranh giành độc lập thống nhất đất nước. Báo chí Việt Nam lúc đó nói về ông rất nhiều. Burchett phiên âm sang ngữ điệu Việt Nam thành “bớt sét” na ná “bốc phét”, thế là anh ta cho tôi cái định danh thành nhà báo Bốc Phét. Cũng hay!

Đến tận bây giờ, tôi còn nhớ tới một bài viết đăng trên Báo “Người Giáo viên nhân dân” (nay là Báo Giáo dục và Thời đại) viết về một cô giáo trẻ trong dịp nghỉ hè về quê hương, nơi đại đội chúng tôi lập trận địa pháo cao xạ. Cô đã không quản hiểm nguy xông pha giữa trận địa pháo, tiếp đạn cho bộ đội bắn máy bay. Những viên đạn 12,7mm như những quả trứng đỏ lừ nối đuôi nhau bay vút lên đón đầu máy bay tiêm kích địch. Tiếng nổ xé tai của những quả bom từ trên trời rơi xuống. Trời đất mịt mùng ngập trong khói bụi.

Mặc, cô giáo ấy cùng các cô dân quân vẫn hối hả vác những thùng đạn nặng hàng chục cân tiếp đạn cho trận địa. Và ngay lúc đó, tiếng reo hò át cả tiếng gầm rú của những chiếc phản lực khi trên bầu trời Ninh Bình bừng sáng bởi một chiếc máy bay bốc cháy. Một trận chiến không thể nào quên.

Tôi đã viết lại chân thực những gì đã xảy ra chiều muộn hôm đó và không ngờ bài báo lại có tiếng vang lớn đến vậy. Cô giáo được tuyên dương trong trại hè giáo viên của ngành Giáo dục tỉnh, được cấp giấy khen...

Anh bạn hay săm soi lại được dịp moi móc, rằng phải chăng vì cô ấy đẹp hơn các cô gái khác nên mới được nhà báo Bốc Phét ca ngợi đến như vậy. Thực ra, anh bạn ấy nói cũng có phần đúng, tôi im de, cười trừ, bởi cô gái ấy đẹp thật. Những giọt mồ hôi rịn trên đôi má ửng hồng, đôi mắt đen láy bừng sáng, đôi chân dài thoăn thoắt lao về phía hầm pháo. Tất cả đã khiến cho những thằng con trai ở tuổi đôi mươi như tôi có một cảm xúc lạ lẫm, khó tả lắm, và cũng vì vậy, đêm về, dưới ánh đèn dầu, hình ảnh cô giáo trẻ xinh đẹp cùng với những hành động cũng rất đẹp cứ lấn lướt trên từng con chữ. Ngòi bút cũng trở nên lưu loát, phóng khoáng, để cuối cùng sáng sớm hôm sau bài viết đã được gửi về Hà Nội.

Sau một thời gian bảo vệ cầu Gián Khẩu, cầu Khuất ở Ninh Bình, đại đội tôi chính thức theo trung đoàn Nam tiến. Và thật không ngờ, cái danh nhà báo Bốc Phét đã làm khổ tôi trên nhiều chặng đường hành quân.

Chiến thắng Khe Sanh: Mốc son quan trọng trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ảnh: Internet

Chiến thắng Khe Sanh: Mốc son quan trọng trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ảnh: Internet

Chuyện là thế này. Ông chính trị viên đại đội, một con người khả kính, bảo tôi, rằng đồng chí là người có học, rằng đồng chí là đảng viên, rằng anh em còn gọi đồng chí là nhà báo (ông ấy bỏ phéng từ “bốc phét”) và rằng đơn vị đang cần một người như vậy. Nghe chính trị viên nói vậy quả cái mũi cũng nở ra chút ít, sướng, đâu dễ được thủ trưởng gọi là nhà báo, đặng mới hỏi, thưa để làm gì?

Thì ra, ông ấy đang cần xốc tinh thần bộ đội ta cố vượt qua gian khổ trong chuỗi ngày hành quân dài đằng đẵng hàng tháng trời bằng cách yêu cầu tôi viết những bài tuyên truyền, mẩu truyện, tin tức cập nhật, gương xấu - tốt của đại đội, trung đoàn, mặt trận... Tất nhiên, tin tức là từ chính trị viên, tôi là người chấp bút. Nếu công việc chỉ có thế thì chẳng có gì đáng nói, dễ ợt. Cái mà tôi muốn thổ lộ ra đây chính là phải làm nhiệm vụ của một “phát thanh viên”.

Thường thường, hành quân trên dưới một tiếng là được nghỉ giải lao mươi phút. Đó là những giây phút tuyệt vời nhất, được xả hơi, được thả lỏng đôi chân đang bị cơ cứng vì những guồng chân; được tháo bỏ ba lô, súng đạn, phanh ngực ướt đẫm mồ hôi đón những luồng gió mát rượi của rừng núi, và đầu óc cũng được thảnh thơi để chợt nhớ về một miền xa vắng. Ai cũng mong đến giây phút này, và tất nhiên tôi không ngoại lệ. Nhưng, với tôi, khi mọi người được thư giãn thì bước chân vẫn phải guồng từ đầu tới cuối đoàn quân làm nhiệm vụ “phát thanh viên”, để tuyên truyền, nói những gì mình đã viết ra.

Ngày qua ngày, tuần nối tuần, bước chân cứ guồng đều trên suốt dọc đường hành quân không phút nghỉ ngơi, cộng thêm những cơn mưa xối xả triền miên, giầy ướt sũng, để rồi mười đầu ngón chân mưng mủ không thể đi giầy được mà phải thay bằng dép cao su.

Chả hiểu ông chính trị viên khả kính ấy có thấu lòng một thằng thư sinh thành phố chưa bao giờ phải đi bộ đến một vài cây số, và có hiểu rằng, đã đến lúc thằng “nhà báo Bốc Phét” này băn khoăn liệu những điều mình nói ra có lọt được chút nào vào những cái đầu mệt mỏi của đồng đội hay không? Mệt lắm rồi nhưng cũng phải nghiến răng chịu đựng. Cũng may, vượt qua thượng nguồn sông Bến Hải đã sang đến đất Lào, chạm vào dãy Tây Trường Sơn, nhiệm vụ “phát thanh viên” giảm dần rồi dần chấm dứt do địa hình núi non, đường sá không cho phép.

Ảnh minh họa: ITN.

Ảnh minh họa: ITN.

Vốn thích ghi nhật kí từ thuở ấu thơ nên trước khi hành quân vào Nam tôi đã chuẩn bị khá đầy đủ giấy bút, vài cuốn sổ để ghi chép. Thực ra, lúc nhét mấy thứ đó vào ba lô cũng chưa hình dung ra hết để làm gì, mà chỉ nghĩ để ghi nhật kí. Nhưng khi đã vào cuộc rồi mới tự thấy mình thật sáng suốt.

Trên đường hành quân biết bao sự kì thú, lạ lẫm, biết bao suy ngẫm riêng tư vui buồn, rồi cả những khát vọng thật viển vông của một chàng trai tuổi đôi mươi khi nghĩ đến ngày được trở về với mẹ và cả những giọt nước mắt âm thầm chảy dài trên má khi thấy mình thật bất lực, yếu đuối trước những vất vả quá sức chịu đựng của bản thân. Những trang viết trong cuốn sổ cứ kín dần.

Sau một ngày hành quân lại được cuộn mình trong chiếc võng riêng tư, thả hồn cùng những âm thanh kì thú của núi rừng, lặng nghe tiếng suối rì rầm, tiếng vượn hót vang vọng cả chốn rừng sâu, tiếng các cô gái giao liên người miền Trung líu lo như chim hót... Và thế là bao mệt mỏi được thả theo gió cùng mây, lại say sưa với những trang giấy.

Viết lúc này là một đam mê, viết theo cảm xúc từ trong tâm khảm, viết chẳng cho ai, viết để viết, thế thôi. Nhưng rồi cũng có lúc lóe lên cái tâm tư của một “nhà báo Bốc Phét”, rằng đây sẽ là một nguồn tư liệu để viết với tư cách của một nhà báo hoặc một nhà văn gì gì đó trong tương lai. Thì ra trong mình đã nhen nhóm một con đường của ngày mai: Sẽ trở thành nhà báo. Nhưng rồi lại nghĩ, liệu còn có ngày về? Đã có vạn vạn đồng đội phải nằm lại nơi đây. Nói đâu xa, ngay ở đơn vị này, sau hơn 3 tháng hành quân bộ vào được đến Quảng Nam đã có cả chục người nằm xuống. Người chết vì sốt rét, thiếu ăn, người thì bị trúng bom tọa độ.

Trong cuốn sổ tưởng như vô tri vô giác nằm gọn dưới đáy ba lô đã có những trang chứa đầy nước mắt của bản thân và đồng đội, đó là những bài điếu văn tiễn biệt đồng đội, trong đó có cả anh bạn đã tặng cho tôi biệt danh “nhà báo Bốc Phét” đã phải vĩnh viễn nằm lại nơi đại ngàn Trường Sơn.

Bom đạn giặc Mỹ đã không giết được tôi. Sau trận công đồn Quế Sơn (Quảng Nam) ác liệt với vết thương được liệt vào loại “mất sức chiến đấu”, tôi đã trở về. Trở về nhưng trong lòng vẫn có nỗi luyến tiếc vô ngần: Vật gắn bó trọn vẹn trong suốt những tháng năm chinh chiến gian khổ đã rời xa mình, đã bị chôn chặt dưới lòng đất Quế Sơn thân yêu.

Tôi còn nhớ, trang viết cuối cùng để rồi không bao giờ còn được ôm ấp nâng niu người bạn tri âm, tri kỉ ấy là viết về những chuyến hành quân đêm, những chuyến hành quân không biết mệt mỏi hết đêm này sang đêm khác. Đã có lúc tự hỏi, vì sao đã chiến đấu, đã xông pha trận mạc, mà sao đêm đêm vẫn cứ phải đội trăng, đội sao, vẫn phải vượt qua bão táp mưa sa để từ bản làng này đến bản làng khác.

Thậm chí chập tối rời khỏi một nơi nào đó, để rồi gần rạng sáng hôm sau lại trở về đúng nơi đã xuất phát. Lẽ nào lại là một chiến thuật? Dần lâu mới hiểu, đó là những chuyến đi hành xác, nhưng phải đi, đi để bảo toàn tính mạng cho từng người, cho toàn đơn vị. Bọn chỉ điểm lởn vởn khắp nơi nếu cứ đóng quân một chỗ thì có ngày cả đơn vị bị úp bởi một đàn máy bay đến oanh tạc.

Và cũng vì vậy hành quân di chuyển đã là một mệnh lệnh bất di bất dịch, dù rằng đêm đêm phải tự hành xác, phải ướt đẫm mồ hôi, phải đón nhận những cơn mưa xối xả, phải âm thầm trong bóng đêm, căm cụi đào cho mình những hầm cá nhân, phải trải lá chuối xuống lớp đất nhão nhẹt trước khi phủ tấm ni lông lên trên mong một giấc ngủ ngon lành... Nhiều lúc mong ước, giá đêm nay được ngủ trên sàn nhà người Cờ Tu! Ước mơ giản dị nhưng thời buổi bom rơi đạn lạc nào đâu có dễ.

Đã có biết bao địa danh trên đất miền Trung, trên đất bạn Lào anh em, trên những mảnh đất của chiến trường B3, nhưng giờ đây chẳng có lấy một địa danh cụ thể nào nằm trong đầu, tất cả đã bị chôn chặt dưới lòng đất Quế Sơn. Đêm đó tôi đã được đồng đội lôi ra từ đống đổ nát đất đá của chiếc hầm trú ẩn. Thế là sống, còn những trang viết cùng chiếc ba lô đã chết. Âu cũng là báo hiệu “sự nghiệp” của nhà báo Bốc Phét đã đến hồi kết, và thực tế đến giờ chưa bao giờ trở thành nhà báo như mong muốn của đồng đội 12,7mm đã định danh cho mình.

Tất cả đã thuộc về dĩ vãng, dĩ vãng của một thời trai trẻ rất đáng tự hào.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

 Mbappe được HLV Ancelotti lên tiếng bênh vực.

HLV Ancelotti bênh vực Mbappe

GD&TĐ - HLV Carlo Ancelotti của Real Madrid đã lên tiếng bảo vệ Kylian Mbappe trước những tin đồn bất lợi.