Bạn biết gì về nấm kẽ ở trẻ em?

GD&TĐ - Nấm da là một bệnh nhiễm trùng cơ hội thường xuất hiện khi cơ thể ốm yếu. Trẻ em cũng có thể bị nhiễm nấm giống như người lớn.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Bất cứ ai ở mọi lứa tuổi đều có thể bị nhiễm nấm, từ trẻ em đến người già, người khỏe hay người ốm. Trẻ em cũng có thể bị nhiễm nấm giống như người lớn.

Theo các bác sĩ Bệnh viện Da liễu Trung ương, nấm da là một bệnh nhiễm trùng cơ hội thường xuất hiện khi cơ thể ốm yếu. Các loại nấm men đặc biệt là nấm men do candida và nấm sợi như: Epidermophyton, Trichophyton, đôi khi do Microsporumtrichophyton có thể lây sang trẻ em. Nấm phát triển mạnh trong môi trường ẩm ướt, ấm.

Nấm kẽ hay bị ở đâu và biểu hiện thế nào?

Nấm kẽ là nấm da biểu hiện tổn thương ở các kẽ như: bẹn, khoeo chân, kẽ ngón chân, kẽ ngón tay, kẽ tai, kẽ mũi, kẽ cổ, nách, kẽ vú( trẻ vị thành niên nữ có thể bị)

Nấm kẽ cổ: hay xuất hiện ở giữa ngấn cổ, nhất là ở những trẻ mũm mĩm và những trẻ hay bị trớ. Khi vùng da ở ngấn cổ giãn ra, sẽ xuất hiện mảng đỏ sáng và thường có mùi hôi. Nấm hay xuất hiện vào mùa hè và khi không khí ẩm ướt.

Nấm da kẽ mũi – má, nách, kẽ vú: Ban đầu là những mảng hồng hồng thành viền mờ, dần dần viền đậm lên, đỏ dần lên và tổn thương giới hạn rõ ràng với những vùng khác. Đi kèm với việc da đỏ dần lên là những cơn ngứa nhẹ, mức độ gãi cũng tăng dần lên. Dần dần nấm vùng da mặt bị trầy, rồi chuyển sang giai đoạn tạo vảy, bong ra thành những mảng vảy mịn, mụn nước nhỏ li ti.

Bạn biết gì về nấm kẽ ở trẻ em? ảnh 1

Nấm kẽ thường xảy ra vào các tháng hè, tập trung vào tuổi thiếu niên. Ảnh minh họa.

Nấm kẽ tay: Thông thường bệnh thường biểu hiện bằng việc ở các ngón tay thường là kẽ thứ 3- 4 xuất hiện các mụn nước nhỏ, không ngứa. Sau đó các mụn này tự vỡ hoặc do tác động bên ngoài khi cọ sát làm cho mụn vỡ, làm bong vảy da. Khi đó người bệnh sẽ có cảm giác ngứa, khó chịu.

Tổn thương thường xuất hiện đi xuất hiện lại nhiều lần. Sau đó nếu bội nhiễm bắt đầu có triệu chứng nặng hơn gây bắt đầu lở loét, nứt da có dịch, mủ kèm theo. Vùng da ở các kẽ ngón tay sưng to và đau rát.

Nấm kẽ bẹn, mông: Thương tổn nấm kẽ khu trú hạn chế ở bẹn, kẽ mông và thông thường thương tổn tiến triển âm ỉ hơn nấm thân.Tổn thương xuất hiện ở vùng nếp gấp da, bên trong đùi hoặc mông. Ngứa và khó chịu ở vùng bị nấm. Đặc biệt trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ ở thời kỳ này nếu đóng bỉm thì viêm da tã lót có nguyên nhân do nấm men candida chiếm tỷ lệ khá cao.

Nấm da khoeo chân: Thường do nấm da bẹn đùi hoặc lây từ nấm da ở nơi khác sang. Biểu hiện tổn thương giống như nấm da đùi bẹn da đỏ vẩy da mụn nước, giới hạn rõ với da lành.

Nấm kẽ chân: Dân gian còn gọi là bệnh nước ăn chân, viêm kẽ chân.Thiếu niên thường hay bị nấm kẽ chân gây viêm da giữa các kẽ ngón. Tổn thương là các đám đỏ da, mụn nước, trợt da, chảy dịch, bong da… đặc biệt rất ngứa. Bệnh nấm kẽ chân thường bắt đầu từ kẽ ngón chân thứ 3- 4 hoặc kẽ 4-5 sau đó lây lan ra toàn bộ các kẽ chân, mu bàn chân, lòng bàn chân, rìa bàn chân.

Bệnh này đặc biệt thường xảy ra vào các tháng hè, tập trung vào tuổi thiếu niên.

Nấm kẽ chân thường bị nhiễm tại các phòng thay quần áo, phòng tắm nơi công cộng, hồ bơi và vận động trường thể dục thẩm mỹ.

Điều trị bệnh nấm kẽ thế nào?

Điều trị bệnh nấm kẽ thường sử dụng thuốc kháng nấm, chỉ dùng đường bôi nếu bị nhẹ và dùng đường uống nếu bệnh nặng. Ngoài ra còn sử dụng một số thuốc kháng histamin để chống ngứa, thuốc kháng sinh và sát khuẩn tại chỗ nếu bội nhiễm thêm.

Để có kết quả điều trị nấm kẽ tốt nhất thì bạn cần được bác sĩ chuyên khoa da liễu tư vấn, khám và cho thuốc điều trị phù hợp với mỗi người bệnh.

Bạn biết gì về nấm kẽ ở trẻ em? ảnh 2

Cần chú ý không cần phải ngâm rửa tổn thương khi bôi thuốc. Ảnh minh họa.

Một số lưu ý khi sử dụng thuốc chữa nấm kẽ: Không cần phải ngâm rửa tổn thương khi bôi thuốc. Nếu tổn thương chảy dịch nhiều, có bám bụi bẩn, dị vật… thì chỉ cần lau sạch tổn thương bằng bông, gạc sạch rồi bôi thuốc.

Bôi thuốc đúng cách, vừa đủ lượng: bôi một lớp mỏng, dàn đều lên bề mặt tổn thương là đủ. Nếu bôi quá nhiều thuốc có thể gây cảm giác nóng, rát ở tổn thương, gây lãng phí thuốc.

Bạn không thể áp dụng cách điều trị nấm ở người lớn cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Mặc dù các thành phần hoạt chất có thể giống nhau, nhưng nồng độ thì khác nhau.

Bạn không nên dùng chung các loại kem trị nấm và thuốc mỡ. Có nhiều loại kem, thuốc mỡ, gel và thuốc uống có thể điều trị hiệu quả tốt hơn.

Bệnh nấm việc điều trị bệnh không khó nhưng các loại thuốc kháng nấm đường bôi và đường uống khi dùng cũng cần thận trọng và sử dụng theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa để đạt hiệu quả điều trị và tránh được các tác dụng phụ.

Lưu ý để phòng nấm kẽ

Tránh môi trường ẩm ướt tạo môi trường thuận lợi cho nấm phát triển và bệnh lâu khỏi, dễ tái phát, tái nhiễm. Đặc biệt trẻ nhỏ nếu có thể thì hạn chế tối đa đóng bỉm.

Rửa tay sạch sẽ trước khi làm vệ sinh cho bé.

Bạn nên giữ vùng nếp kẽ da của trẻ sạch và khô, thay quần áo cho trẻ thường xuyên,.

Tránh sử dụng khăn lau tay cho trẻ mà nên sử dụng khăn giấy dùng một lần, sau đó vứt đi.

Hỗ trợ tăng cường hệ miễn dịch là biện pháp lâu dài để phòng chống bệnh nhiễm nấm.

Tham khảo việc sử dụng xà phòng chống khuẩn khi giặt đồ cho trẻ em, giúp tiêu diệt các bào tử nấm gây nhiễm nấm.

Thay khăn, khăn trải giường, yếm và quần áo cho trẻ nhỏ thường xuyên.

Khi giặt, nên phơi khô dưới ánh nắng mặt trời, không nên sấy khô bằng máy sấy. Nên cho trẻ mặc quần áo thoáng mát, nhất là vào những tháng ấm.

Nếu dùng thuốc tây để bôi cho trẻ nhỏ thì cần theo chỉ dẫn của bác sĩ cần tránh thuốc chứa corticoid vì nấm dễ có cơ hội phát triển.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ