Khuyến khích việc trao đổi, hỗ trợ giữa các cụm trường về công tác ôn thi THPT quốc gia, định kỳ tổ chức lấy ý kiến của học sinh về giáo viên giảng dạy, nội dung, chương trình, tài liệu, phương pháp ôn tập… để kịp thời có các điều chỉnh cần thiết, đảm bảo hiệu quả ôn tập.
Tăng cường các biện pháp
Trung tuần tháng 3/2019, đồng loạt các trường THPT trên toàn tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức kỳ thi sát hạch để đánh giá năng lực của học sinh cuối cấp. Đây là hoạt động rà soát chất lượng để phân loại đối tượng học sinh theo trình độ nhận thức, từ đó xây dựng kế hoạch ôn tập, ôn thi phù hợp với thực tiễn và đối tượng học sinh. Sở GD&ĐT yêu cầu các nhà trường quan tâm đến các giải pháp để nâng cao chất lượng dạy ôn luyện cho học sinh.
Đặc biệt, sau mỗi giai đoạn hoặc chuyên đề, cần kiểm tra, đánh giá theo hướng tăng cường kỹ năng vận dụng kiến thức của học sinh.
Thầy giáo Vũ Khắc Tùng – Hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú, TP Móng Cái - cho biết: “Bám sát chỉ đạo của Sở, chúng tôi đã lên kế hoạch hướng dẫn biên soạn đề kiểm tra, thực hiện việc ra đề kiểm tra, chấm, chữa bài khách quan, chính xác, công bằng để đánh giá đúng sự tiến bộ của học sinh;
Kịp thời điều chỉnh kế hoạch của nhà trường để tháo gỡ vướng mắc nảy sinh trong quá trình thực hiện. Nhà trường cũng yêu cầu các tổ/nhóm chuyên môn, quản lý chặt chẽ và thực hiện nghiêm túc việc dạy thêm, học thêm đúng các qui định hiện hành. Trong đó, đặc biệt lưu ý sắp xếp thời khóa biểu bảo đảm hợp lý, không gây quá tải đối với học sinh”.
Ở Quảng Ninh trong những ngày này, các hoạt động trao đổi, hỗ trợ giữa các cụm trường về công tác ôn thi THPT quốc gia cho học sinh được tổ chức thường xuyên.
Nhiều trường khu vực miền núi, hải đảo đã định kỳ tổ chức lấy ý kiến của học sinh về giáo viên trực tiếp giảng dạy, về nội dung, chương trình, tài liệu, phương pháp ôn tập… để kịp thời có các điều chỉnh cần thiết, đảm bảo hiệu quả ôn tập.
Cũng với đó, Sở GD&ĐT cũng giao các trường có cấp THPT, căn cứ vào điều kiện thực tế, có thể tổ chức ôn tập cho những học sinh đã hoàn thành chương trình THPT nhưng chưa tốt nghiệp có nguyện vọng ôn thi THPT quốc gia.
Bám học sinh để ôn luyện
Trường THPT Trần Phú (TP Móng Cái) năm nay có 398 học sinh lớp 12 sẽ tham dự Kỳ thi THPT quốc gia. Hoạt động lên lớp của trường vẫn diễn ra theo lịch, nhưng ở các lớp 12, bên cạnh việc dạy học, các thầy cô giáo đã hướng vào việc củng cố kiến thức cho học sinh nhiều hơn, đặc biệt là với những em có lực học trung bình để từ đó lên kế hoạch bổ sung những kiến thức hổng để học sinh dự thi THPT quốc gia có kết quả tốt nhất.
Nhà trường cũng thường xuyên phối hợp với phụ huynh, cùng trao đổi, nắm vững tâm lý học sinh để đưa ra những lời khuyên bổ ích cho các em.
Thầy Vũ Khắc Tùng cho biết: Móng Cái là thành phố biên giới, có nhiều thành phần kinh tế nên học sinh cũng đa dạng, nhiều em có nhu cầu học lên đại học, nhưng cũng có em chỉ cần tốt nghiệp THPT rồi đi làm ăn.
Chính vì thế, chúng tôi yêu cầu các bộ môn phải căn cứ vào từng đối tượng học sinh, xây dựng kế hoạch ôn luyện của tổ/nhóm và từng cá nhân. Kế hoạch cần xác định rõ đối tượng, thời gian ôn tập, mục tiêu, chỉ tiêu cần đạt, chương trình, nội dung chi tiết (bao gồm thời lượng, kiến thức, kĩ năng, tài liệu), phương pháp ôn luyện để trình lãnh đạo nhà trường phê duyệt.
Tuân thủ đúng kế hoạch đã được phê duyệt. Tuy nhiên, trong quá trình ôn luyện, tổ/nhóm và giáo viên có thể điều chỉnh kế hoạch cho phù hợp.
Còn ở Trường THPT Quan Lạn, thuộc huyện Vân Đồn, chỉ có 60 học sinh lớp 12 dự thi THPT quốc gia. Thầy hiệu trưởng Đỗ Đại Đoàn cho biết: “Chúng tôi yêu cầu từng giáo viên trước khi lên lớp, phải có giáo án ôn tập, ôn thi thể hiện rõ các nội dung: Yêu cầu cần đạt về chuẩn kiến thức, kỹ năng; phương pháp dạy học. Do nhiều em ở các xã đảo nên giáo viên phải lên lịch giảng dạy phù hợp với hoạt động học của học sinh.
Các thầy cô giáo có thể chia nội dung ôn luyện của từng chuyên đề trong đó có nội dung dạy trên lớp, có nội dung giao cho học sinh tự học ở nhà. Mục đích tối ưu là để các em nếu có nguyện vọng học lên đại học hay chỉ để tốt nghiệp THPT đều phải đạt yêu cầu”.