Bài toán cân bằng quy mô và chất lượng phổ cập mầm non cho trẻ 3-4 tuổi

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Khi xây dựng đề án phổ cập mầm non cho trẻ 3-4 tuổi, các địa phương cần phải đảm bảo cân đối đội ngũ giáo viên, nguồn lực huy động…

Trường Mầm non Nốt nhạc xanh (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) tổ chức Ngày hội dinh dưỡng với nhiều hoạt động trải nghiệm cho trẻ.
Trường Mầm non Nốt nhạc xanh (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) tổ chức Ngày hội dinh dưỡng với nhiều hoạt động trải nghiệm cho trẻ.

Làm rõ khái niệm phổ cập

Thành phố Đà Nẵng hiện có trên 60% cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập, với 71 trường công lập, tư thục 126 trường. Ngoài ra, còn có gần 1.000 nhóm lớp độc lập tư thục, nhóm trẻ có quy mô dưới 7 trẻ. Với đặc thù như vậy, trong chương trình làm việc với UBND TP Đà Nẵng mới đây, ông Nguyễn Đắc Vinh – Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Quốc hội đã lưu ý, khi xây dựng Đề án phổ cập mầm non cho trẻ từ 3-4 tuổi, cần làm rõ khái niệm phổ cập.

Theo ông Nguyễn Đắc Vinh, cùng với tiến hành phổ cập mầm non cho trẻ ở độ tuổi 3-4 tuổi, các địa phương cũng đồng thời nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục đối với trẻ mầm non 5 tuổi để chuẩn bị tốt các kỹ năng tiền học đường trước khi vào lớp Một. Vì vậy, trong xây dựng Đề án phổ cập mầm non 3-4 tuổi, phải làm rõ phổ cập được hiểu là tỉ lệ trẻ ra lớp, bao gồm cả các nhóm lớp độc lập tư thục, giữ trẻ ở các hộ gia đình hay ngân sách nhà nước gánh, gánh đến đâu?...

Là địa phương có nhiều khu công nghiệp, tập trung đông công nhân, ông Nguyễn Đắc Vinh cũng gợi ý Đà Nẵng cần có định hướng đối với các nhóm lớp độc lập tư thục để chuẩn bị lộ trình cho việc phổ cập mầm non cho trẻ từ 3-4 tuổi. “Các hộ nhận trông trẻ có quy mô nhỏ sẽ linh động hơn trong giờ giấc nhận, trả trẻ, phù hợp với điều kiện làm việc theo ca, kíp của công nhân. Thậm chí, có những hộ sẽ nhận trông trẻ qua đêm. Vậy có thừa nhận mô hình này hay không? Nếu thừa nhận thì có định hướng thế nào trong đào tạo, hỗ trợ hành lang pháp lý” – ông Nguyễn Đắc Vinh nêu vấn đề.

Các bé thuộc nhóm 3-4 tuổi ở nhóm lớp độc lập tư thục Hoa Sen (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) trải nghiệm làm sinh tố mùa hè từ quả sim.

Các bé thuộc nhóm 3-4 tuổi ở nhóm lớp độc lập tư thục Hoa Sen (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) trải nghiệm làm sinh tố mùa hè từ quả sim.

Bà Lê Thị Bích Thuận – Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng cho biết, ngoài giao nhiệm vụ cho các trường mầm non công lập trên địa bàn hỗ trợ, hướng dẫn và giám sát công tác chuyên môn đối với các nhóm lớp độc lập tư thục thì ngành tạo điều kiện cho giáo viên ngoài công lập tham gia tất cả các khóa bồi dưỡng chuyên môn. Ngoài ra, Sở GD&ĐT phối hợp với Phòng GD&ĐT các quận, huyện và chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra các nhóm lớp độc lập tư thục, nhóm trẻ… để rà soát các điều kiện cơ sở vật chất, nhân sự… đảm bảo đáp ứng các điều kiện chăm sóc, nuôi dạy trẻ.

Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng đã ban hành các Nghị quyết để triển khai Nghị định 105 của Chính phủ đối với trẻ mầm non, giáo viên mầm non về chính sách phát triển giáo dục mầm non. Trong đó, hỗ trợ cho mỗi giáo viên với mức 800.000 đồng/tháng; 200.000/tháng đối với học sinh. Mỗi cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập được hỗ trợ 20 triệu đồng. Ngoài ra, thành phố đã trình HĐND hỗ trợ học phí cho trẻ mầm non trong năm học 2022 – 2023 với mức tương đương học phí của các trường công lập.

Tăng biên chế để hoàn thành mục tiêu

Đến nay, tỉ lệ huy động trẻ trong độ tuổi 3-4 tuổi của Đà Nẵng là 92%, tính cả trẻ đang học các cơ sở giáo dục ngoài công lập.

Cuối năm 2022, Sở GD&ĐT Đà Nẵng đã thành lập đoàn kiểm tra các nhóm lớp độc lập tư thục tại các quận, huyện. “Kết thúc mỗi đợt kiểm tra, đoàn sẽ họp với UBND các quận, huyện, có sự tham gia của chính quyền các xã, phường để thông báo các kết luận để từ đó rút kinh nghiệm trong công tác quản lý, giám sát” – bà Thuận cho biết.

Ông Lê Trung Chinh – Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho rằng, khi triển khai phổ cập mầm non cho trẻ 3-4 tuổi, không thể lấy kết quả thí điểm ở một vài địa phương để nhân ra đại trà được. “Khi triển khai thí điểm phổ cập thì chủ yếu tập trung vào mặt chuyên môn, công tác quản lý là chính, các trường chăm sóc, nuôi dạy như thế nào. Nhưng khi triển khai phổ cập đại trà thì còn liên quan đến đội ngũ giáo viên, đất đai, các nguồn lực khác”.

Ông Lê Trung Chinh cũng đặt vấn đề khi các địa phương đang thực hiện chủ trương giảm biên chế ở khối phổ thông nhưng sắp tới đây, khi triển khai phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ từ 3-4 tuổi thì chắc chắn sẽ có tăng biên chế cho cấp học này. Điều này phải làm rõ trong gói chỉ tiêu biên chế của ngành giáo dục khi triển khai phổ cập để không gặp khó khăn về nhân lực.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ