Vùng khó trước thách thức phổ cập mầm non 3 - 4 tuổi

GD&TĐ - Phổ cập giáo dục mầm non (GDMN) trẻ 3 - 4 tuổi cần thiết trong bối cảnh cả nước đã hoàn thành phổ cập GDMN trẻ 5 tuổi.

Giờ chơi của trẻ mầm non điểm trường Nà Hắc, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái. Ảnh: TG
Giờ chơi của trẻ mầm non điểm trường Nà Hắc, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái. Ảnh: TG

Thực tế triển khai thí điểm ở một số địa phương cho thấy, đây là chặng đường nhiều thách thức, cần sự chung tay của cộng đồng.

Khó khăn phía trước

Theo bà Cù Thị Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ GDMN (Bộ GD&ĐT): Phổ cập GDMN trẻ 3 - 4 tuổi là mong muốn lớn của ngành Giáo dục, nhưng việc triển khai đối diện nhiều khó khăn. Cụ thể, mạng lưới trường lớp hiện tại chưa đáp ứng đủ nhu cầu thu nhận trẻ, đặc biệt ở khu vực miền núi, biên giới, hải đảo, nơi có đồng bào dân tộc, các khu công nghiệp, chế xuất, đông dân cư. Tính chung trên cả nước, tỷ lệ trẻ nhà trẻ đi học còn thấp (28,2%), mẫu giáo đạt 92,4%; còn gần 8% trẻ mẫu giáo và 71,8% trẻ nhà trẻ chưa được tiếp cận giáo dục. Vùng khó và đặc biệt khó còn 81% trẻ nhà trẻ, 13,4% trẻ mẫu giáo chưa được tiếp cận GDMN.

“Những khó khăn đặt ra cho các cấp quản lý, ngành Giáo dục cần sớm xây dựng đề án Phổ cập GDMN trẻ 3 - 4 tuổi với những chính sách hỗ trợ phát triển cụ thể và toàn diện. Trước hết cần khắc phục rào cản về ngôn ngữ, điều kiện cơ sở vật chất đáp ứng việc chăm sóc, nuôi dạy, giáo dục trẻ chất lượng…”, Phó Vụ trưởng Cù Thị Thủy nhấn mạnh.

Phó Vụ trưởng Vụ GDMN cũng chỉ ra thách thức mang tính vùng miền trong việc phổ cập GDMN nói chung, phổ cập GDMN 3 - 4 tuổi nói riêng: “Chất lượng GDMN chưa đồng đều ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Bắc, Tây Nguyên và Nam Trung Bộ. Các địa phương thiếu nhiều điều kiện chăm sóc, giáo dục. Số trẻ mầm non được tổ chức ăn bán trú thấp, tỷ lệ suy dinh dưỡng cao. Mặt khác, rào cản về ngôn ngữ lớn khi thực hiện chương trình tại trường lớp bằng tiếng Việt (tiếng phổ thông) còn trẻ lại nói tiếng mẹ đẻ (dân tộc)...”.

Thực tế cũng cho thấy, việc ban hành chính sách cho trẻ và nhà giáo vùng khó còn thiếu hụt, hạn chế. Đội ngũ giáo viên mầm non chưa đủ theo định mức quy định; tỷ lệ chuyên cần hạn chế bởi khoảng cách từ nhà đến trường xa, điều kiện khí hậu, thời tiết diễn biến bất thường…

Như vậy, để thực hiện mục tiêu phổ cập GDMN 3 - 4 tuổi, cần sớm ban hành chính sách ưu tiên chỉ tiêu biên chế vùng đồng bào dân tộc, miền núi, kinh tế khó khăn, đặc biệt khó khăn, bãi ngang ven biển, hải đảo. Cùng đó, nghiên cứu, đề xuất chính sách miễn học phí, hỗ trợ ăn trưa cho trẻ mẫu giáo theo lộ trình, trình Chính phủ phê duyệt. Cần bảo đảm chế độ làm việc của giáo viên mầm non theo Luật Lao động; có chế độ hỗ trợ dạy lớp ghép, tăng cường tiếng Việt cho trẻ em người DTTS, giáo viên dạy vùng khó khăn, huyện đảo; Hỗ trợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho giáo viên GDMN ngoài công lập…

Trường MN Hồng Ca, huyện Trấn Yên, trong ngày hội làm bánh với sự hỗ trợ của phụ huynh. Ảnh: TG

Trường MN Hồng Ca, huyện Trấn Yên, trong ngày hội làm bánh với sự hỗ trợ của phụ huynh. Ảnh: TG

Đề xuất và kiến nghị

Nêu lên khó khăn khi thực hiện, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Cà Mau, ông Lê Hoàng Dự, cho rằng: Đề án Phổ cập GDMN cho trẻ em mẫu giáo (3 - 4 tuổi) đưa ra tiêu chí phấn đấu đến năm 2025 có đủ số lượng giáo viên theo quy định là rất khó. Về cơ hội tiếp cận GDMN của trẻ em, quy định đảm bảo tỉ lệ trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo huy động đến cơ sở GDMN để được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục theo Chương trình GDMN đạt 95% vào năm 2025 và 97% vào năm 2030; phấn đấu đến năm 2025 có 100% trẻ em tại các cơ sở GDMN được học 2 buổi/ngày cũng khó đạt được.

Để bảo đảm thu hút học sinh đến tuổi ra lớp, hướng đến phổ cập GDMN trẻ 3 - 4 tuổi, lãnh đạo Sở GD&ĐT Cà Mau đề nghị, triển khai Đề án Hỗ trợ phát triển GDMN vùng khó giai đoạn 2023 – 3030 có cơ chế thu hút, đãi ngộ đặc thù với giáo viên tuyển dụng lần đầu, công tác lâu năm tại vùng điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn nhưng không nằm trong đối tượng được hưởng chế độ theo Nghị định 116/CP. Có chế độ hỗ trợ theo đặc trưng ngành học ngoài công tác giảng dạy còn thực hiện nhiệm vụ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ đối với giáo viên dạy lớp 2 buổi/ngày kể cả bán trú và không bán trú.

Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Thừa Thiên - Huế, ông Nguyễn Tân cũng bày tỏ lo lắng khó đạt mục tiêu đề án tỷ lệ giáo viên mầm non có trình độ chuẩn 90% từ năm 2025. Ông Tân phân tích đồng thời đề xuất: “Thừa Thiên - Huế và nhiều địa phương khác vẫn thiếu giáo viên. Vấn đề tuyển giáo viên hợp đồng theo Nghị quyết 102 khó so với định biên được giao, nên chăng chỉ đặt mức 70 - 80%. Đáp ứng yêu cầu đặt ra, cần có cơ chế linh hoạt cho địa phương để tạo sự chủ động trong việc tuyển dụng, khắc phục triệt để tình trạng thiếu giáo viên. Cần bổ sung hợp đồng, cơ chế cho nhân viên trường mầm non vì phổ cập GDMN càng tuổi nhỏ nguy cơ mất an toàn nuôi dạy càng cao…”.

Được coi như Việt Nam thu nhỏ với điều kiện địa hình, địa lý phức tạp có vùng kinh tế - xã hội phát triển, nhưng cũng có núi cao, đảo xa, vùng dân tộc khó khăn, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Trưởng phòng Giáo dục thường xuyên, GDMN, Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Ninh, khẳng định: Phổ cập GDMN trẻ 3 - 4 tuổi, nâng cao chất lượng phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi, là việc cần thiết, ý nghĩa. Nhưng để đáp ứng yêu cầu, cần phát triển đội ngũ giáo viên, nhân viên; xây dựng chính sách đội ngũ theo hướng đặc thù môi trường làm việc…

Phổ cập GDMN trẻ mẫu giáo 3 - 4 tuổi, phải tính toán sao cho phù hợp các nguồn lực từ Trung ương đến địa phương và công tác xã hội hóa. Thực hiện xã hội hóa cần triển khai chuyển đổi số trong kết nối nguồn lực, được đến đâu hỗ trợ đến đấy. Các vấn đề quan trọng khác cũng cần đặt ra khi triển khai như: Đội ngũ, trường lớp, nhóm lớp, mô hình đạt chuẩn, tính khả thi của tiêu chí, giải pháp phải phù hợp; Chú trọng vấn đề đào tạo bồi dưỡng giáo viên, tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ cho trẻ dân tộc... - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ