Chuẩn bị kỹ lưỡng điều kiện hướng tới phổ cập mầm non trẻ 3-4 tuổi

GD&TĐ - Từ kết quả phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi, đến nay TPHCM có nhiều điều kiện, kinh nghiệm để triển khai thí điểm phổ cập cho trẻ 3- 4 tuổi.

Tiết học của trẻ lớp lá.
Tiết học của trẻ lớp lá.

Ngành giáo dục TPHCM cũng như các cơ sở giáo dục đang từng bước chuẩn bị kỹ lưỡng các điều kiện để triển khai phổ cập giáo dục mầm non trẻ 3,4 tuổi trong thời gian tới đạt kết quả tốt nhất.

Sẵn sàng triển khai

Hiện TPHCM có hơn 1.300 trường mầm non, cùng với đó còn có hơn 1.580 nhóm, lớp độc lập tư thục và 228 nhóm trẻ. Tổng số trẻ đang học bậc mầm non là hơn 292.000, trong đó, trẻ 5 tuổi là hơn 83.700 em, trẻ 4 tuổi là hơn 243.000 em, trẻ 3 tuổi là gần 49.700 em. Thành phố có hơn 2.670 cán bộ quản lý, hơn 25.100 giáo viên mầm non, trong đó có hơn 24.800 giáo viên đạt chuẩn nghề nghiệp. Với kết quả phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi từ năm 2014, TPHCM có nhiều điều kiện, kinh nghiệm để triển khai thí điểm phổ cập mầm non cho trẻ 3, 4 tuổi.

Những năm qua, công tác huy động trẻ ra lớp được ngành giáo dục chú trọng thông qua đẩy mạnh tuyên truyền ở từng địa phương. Tuy nhiên theo nhận định của ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM, việc đảm bảo tỷ lệ huy động trẻ 3-4 tuổi ra lớp sẽ còn khó khăn, nhất là khu vực các huyện ngoại thành do tâm lý phụ huynh chưa muốn con ra lớp.

Mặc dù cơ sở vật chất của các trường luôn đảm bảo cho công tác dạy và học cho trẻ trong các độ tuổi trên địa bàn, nhưng tâm lý của người dân chưa muốn cho trẻ đến trường do phần lớn có người trông giữ và nhà lại xa trường.

Tiết học của trẻ Trường mầm non Tân Tạo.

Tiết học của trẻ Trường mầm non Tân Tạo.

Tại Trường Mầm non Tân Tạo (Bình Tân) sau Tết nguyên đán, hoạt động dạy và học đã trở lại bình thường. Những ngày trở lại trường đầu năm mới, thời tiết TPHCM se lạnh nên đầu giờ sáng các cô giáo liên tục nhắc nhở phụ huynh chú ý giữ ấm cho trẻ.

Cô Nguyễn Thu Hiền, Hiệu trưởng Trường Mầm non Tân Tạo (Bình Tân) cho hay, do thực hiện tốt công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi và quan tâm tới các độ tuổi dưới 5 tuổi, nhiều năm liền nhà trường huy động được 100% trẻ 5 tuổi ra lớp. Năm học 2022-2023, trường có 3 lớp 5 tuổi, với tổng số 98 cháu.

Cũng theo chia sẻ của cô Hiền, nhận thức được tầm quan trọng của việc phổ cập giáo dục mầm non, các giáo viên và ban giám hiệu Trường mầm non Tân Tạo A luôn cố gắng, quyết tâm thay đổi. Đặc biệt trong những năm qua được sự quan tâm của chính quyền địa phương và hỗ trợ từ các nguồn lực xã hội, Trường mầm non Tân Tạo đã được trang bị cơ sở vật chất đầy đủ đảm bảo chỗ học khi tiến hành thực hiện phổ cập cho trẻ 3-4 tuổi.

Nâng cao chất lượng dạy học

Những năm gần đây, phương pháp dạy học ở bậc mầm non đã thay đổi, thay vì truyền thụ kiến thức một chiều thì giáo viên chủ động tổ chức cho trẻ tìm tòi, phát hiện vấn đề và trải nghiệm, qua đó phát huy khả năng sáng tạo của trẻ.

Để tổ chức tiết dạy khám phá khoa học về tính liên kết của nước, thầy Lê Công Sự, giáo viên lớp Lá, Trường mầm non Hoa Đào (quận 12) đã chuẩn bị đầy đủ các học cụ như: chai nước, hạt tiêu, xà bông, tăm bông, đĩa,… mang đến lớp để cho học sinh làm thí nghiệm.

Để tạo hứng thú cho trẻ đầu tiết học, thầy Sự đã làm ảo thuật với chiếc túi càn khôn và cho xuất hiện ra những học cụ trên. Sau đó thầy đặt câu hỏi mở, gợi ý cho trẻ phát hiện ra ý tưởng và nói lên suy nghĩ của mình , rồi thầy hướng dẫn trẻ thực hiện thí nghiệm. Trẻ tự do khám phá và phát hiện ra vấn đề, còn giáo viên “chốt” lại kiến thức bằng cách dễ hiểu nhất, giúp trẻ nhớ lâu kiến thức,

Thầy Lê Công Sự chia sẻ, phương pháp dạy học truyền thống trước đây là thầy cô thao tác, trẻ nhìn và làm theo, nay các con sẽ trực tiếp làm thí nghiệm, phát hiện kiến thức. Thầy cô chỉ đóng vai trò quan sát, hướng dẫn và hỗ trợ khi cần thiết. “Sự đổi mới phương pháp giúp trẻ phát triển tốt hơn khả năng tư duy và sáng tạo; phát triển toàn diện các mặt như nhận thức, ngôn ngữ, tình cảm xã hội, thẩm mỹ,…. kích thích sự tò mò và khám phá kiến thức”, thầy Sự bày tỏ.

Còn đối với cô Nông Thuý Lành, giáo viên lớp Lá, Trường mầm non Hương Nắng Hồng (TP Thủ Đức) để áp dụng phương pháp dạy học lấy trẻ làm trung tâm, giáo viên cần chăm chút từng góc học tập trong lớp, liên tục sáng tạo đồ dùng, đồ chơi mới để mang lại hứng thú cho trẻ. Song song đó, cô Lành luôn quan sát, tìm hiểu nhu cầu và khả năng tiếp nhận kiến thức của các em.

Giáo viên Trường mầm non Hương Nắng Hồng luôn đổi mới phương pháp dạy học để tạo sự thích thú cho trẻ.

Giáo viên Trường mầm non Hương Nắng Hồng luôn đổi mới phương pháp dạy học để tạo sự thích thú cho trẻ.

“Nhiều tiết học, tôi đã chuẩn bị sẵn đồ dùng dạy học và dự tính các hoạt động, nhưng khi đến thấy trẻ hứng thú với hoạt động nên tôi phải linh động chuyển hoạt động khác để phù hợp với nhu cầu, khả năng tiếp nhận của các con”, cô Lành cho biết.

Cũng theo cô Lành, giáo viên phải biết kết hợp kiến thức, kỹ năng về chuyên môn và tình huống thực tế trên lớp, đa dạng các hoạt động phù hợp từng đối tượng học sinh.

“Dạy học theo phương pháp mới đòi hỏi không thể rập khuôn dạy “1” rồi mới đến “2”, “3” mà phải dạy theo khả năng tiếp thu của trẻ. Hoạt động nào trẻ cảm thấy hứng thú, giáo viên sẽ chủ động tăng cường, mở rộng, thiếu hụt ở đâu thì bổ sung ở đó chứ không cứng nhắc, vì trẻ có thể học ở cha mẹ, anh chị và qua mạng rất nhiều, nên không thể theo kế hoạch dạy học chung của toàn khối”, cô Lành chia sẻ.

“Kết quả phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi của nhà trường đã đạt được nhiều thành tựu và đó sẽ là tiền đề, là động lực để nhà trường hướng đến phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 3-4 tuổi và nâng cao chất lượng giáo dục mầm non trên địa bàn”, cô Nguyễn Thu Hiền cho hay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ