Theo thông tin được Sức khỏe & Đời sống đăng tải, thời tiết nắng nóng, trẻ em lại hiếu động nên dễ sinh mụn nhọt, mẩn ngứa. Việc xuất hiện mụn, nhọt khiến nhiều trẻ mất ngủ, quấy khóc khó chịu vì ngứa.
Mụn thường nhỏ và nhiều, tổn thương thành mủ. Nhọt là tổn thương to, sâu hơn, thường xuất hiện ít, tổn thương thành mủ có thể gây sốt.
Để chữa trị mụn nhọt, phụ huynh có thể tham khảo những bài thuốc dân gian dưới đây.
1. Bồ công anh, kim ngân hoa, tô mộc, sài đất mỗi vị 16g; huyền sâm, hoàng bá, rau má mỗi vị 12g; sắc uống ngày 1 thang. Trẻ em tùy tuổi dùng liều bằng 1/2 hay 1/3 liều của người lớn, báo Tiền phong cho biết.
2. Theo Sức khỏe & Đời sống, dùng hoa nhài 10g, bồ công anh 20g, kim ngân hoa 20g, cam thảo đất 16g. Sắc uống ngày 1 thang chia 2-3 lần.
3. Cũng theo báo Tiền phong chia sẻ, trường hợp chỉ có một hai mụn to, có thể chữa như sau: Khi còn đang sưng tấy đỏ, chưa thành mủ dùng hạt gấc mài trong giấm bôi hằng ngày hoặc giã lá táo, đắp.
4. Dùng cây mua bà, lá chua me đất
Lấy lá non, giã hơ nóng đắp vào chỗ có nhọt. Ngày thay 1 lần, báo Sức khỏe & Đời sống cho biết.
5. Cuống bí ngô
Lấy cuống bí ngô đốt thành than, rồi đắp vào nơi có nhọt. Ngày thay 1 lần. Hoặc lấy cuống bí ngô đốt thành than, nghiền nát trộn với dầu mè hay dầu sở rồi đắp vào. Ngày thay 1 lần.
6. Lá sen
Theo Sức khỏe & Đời sống, dùng ngoài lấy cuống lá sen sắc lấy nước đặc rửa nơi mụn nhọt. Mặt khác lấy lá sen rửa sạch giã nát cùng với cơm nếp rồi đắp vào nơi có nhọt. Ngày thay 1 lần.
7. Chữa mụn nhọt, đinh độc, vết thương bằng lá ớt: Lấy lá ớt, lá na, lá bồ công anh, lá tử vi, lá táo, mỗi thứ từ 10-20g, đem rửa sạch, giã nát cùng ít muối ăn rồi đắp vào vết thương hay mụn nhọt, đầu đinh. Hoặc lấy lá ớt, cành xương rồng bà có gai, lá mồng tơi mỗi thứ 5-10g, giã nát đắp vào nơi mụn nhọt. Ngày thay thuốc 1 lần.
8. Các bài thuốc đắp bên ngoài
Rau mồng tơi, rau diếp cá, lá lô hội hoặc cây lưỡi hổ: Lấy lá lô hội tươi giã nát đắp vào chỗ mụn nhọt. Ngày thay thuốc 1 lần.