Bài thơ "tự tình II": Bi kịch duyên phận và khát vọng hạnh phúc

GD&TĐ - Trong lịch sử văn học Việt Nam, Hồ Xuân Hương là hiện tượng rất độc đáo: Nhà thơ phụ nữ viết về phụ nữ trào phúng mà trữ tình, đậm đà chất văn học dân gian từ đề tài, cảm hứng đến ngôn ngữ, hình tượng.

Tranh Hồ Xuân Hương của Nguyễn Tuấn Sơn.
Tranh Hồ Xuân Hương của Nguyễn Tuấn Sơn.

Nổi bật trong sáng tác thơ Hồ Xuân Hương là tiếng nói thương cảm đối với người phụ nữ, là sự khẳng định, đề cao vẻ đẹp và khát vọng của họ.

Nằm trong bộ ba Tự tình - ba tác phẩm ghi dấu ba chặng đường cuộc đời “mười hai bến nước” mà nữ sĩ họ Hồ trải qua, bài thơ Tự tình II vừa chất chứa bi kịch duyên phận vừa thể hiện khát vọng sống, khát vọng tình yêu và hạnh phúc của nhà thơ.

1.

Tự tình là bày tỏ tình mình, bày tỏ lòng mình. Ở trong bài thơ Tự tình II, nỗi niềm của nhân vật trữ tình được phơi trải trong một thời điểm đặc biệt:

Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn,

Thời gian “đêm khuya” gợi lên cái mênh mông, rợn ngợp, gợi cả sự u tối, nặng nề. Trong không gian vắng lặng tĩnh mịch ấy, tiếng trống cầm canh - vốn dĩ đều đặn và đơn điệu -“văng vẳng” dội vào hồn người, trở nên dồn dập, hối thúc -“trống canh dồn”. Ở đây, tiếng trống điểm canh đã được nghe bằng tâm trạng - bằng cả sự khắc khoải, mong ngóng của người đàn bà thao thức trong đêm.

Tiếng trống đánh thức tâm thức, nỗi chờ mong, khát khao, và dường như có cả sự thảng thốt, lo âu và tuyệt vọng của con người. Từ láy tượng thanh “văng vẳng” được đảo lên trước cụm từ “trống canh dồn” làm cho không gian đêm khuya như rộng lớn hơn, rợn ngợp hơn. Trong không gian quạnh quẽ ấy, nhân vật trữ tình càng trở nên cô đơn, trơ trọi.

Đối diện với không gian trống vắng trong “đêm khuya”, người đàn bà đang chờ đợi trong vô vọng  ý thức rõ hơn hết trạng thái bẽ bàng:

Trơ cái hồng nhan với nước non.

Không phải kiếp hồng nhan, phận hồng nhan, Xuân Hương gọi là “cái hồng nhan”. Dung nhan của người thiếu nữ mà lại đi với từ “cái” nghe thật rẻ rúng, mỉa mai.

Trong câu thơ này, nhà thơ cố ý đem “cái hồng nhan” để “trơ” cùng “nước non” - đặt cái một mình, cái bé nhỏ vào cái rộng thoáng của ngoại giới là một sự đối chọi đầy bi kịch. Cái hồng nhan vô cùng mỏng manh, yếu đuối “trơ” ra giữa chốn nước non, thật tủi hờn, thật xót xa!

Hồ Xuân Hương sống vào cuối thế kỉ XVIII, đầu thế kỉ XIX, khi xã hội phong kiến Việt Nam đã đến thời kì mục ruỗng. Là nạn nhân của chế độ xã hội đã đến độ thối nát, suy tàn với nhiều định kiến bất công, cũng như biết bao số phận của người phụ nữ khác, cuộc đời Hồ Xuân Hương gặp phải nhiều trắc trở. Theo một số tài liệu ghi chép lại, Hồ Xuân Hương muộn chồng, đến khi lấy chồng cũng nhiều éo le. Một lần bà lấy lẽ Tổng Cóc, một lần lấy lẽ ông Phủ Vĩnh Tường.

Tình nghĩa vợ chồng với ông Tổng Cóc chỉ đủ để Xuân Hương khóc chồng:

Chàng Cóc ơi! Chàng Cóc ơi!

Thiếp bén duyên chàng chỉ thế thôi

Nòng nòng đứt đuôi từ đây nhé

Nghìn vàng khôn chuộc dấu bôi vôi.

(Khóc  Tổng Cóc)

Đến khi làm lẽ ông Phủ Vĩnh Tường (người làm tri phủ Vĩnh Tường - một huyện của Vĩnh Yên, nay thuộc Vĩnh Phúc), ông ta chết, Xuân Hương cũng chỉ khóc được rằng:

Trăm năm ông Phủ Vĩnh Tường ôi!

Cái nợ ba sinh đã trả rồi.

Chôn chặt văn chương ba thước đất,

Ném tung hồ thỉ bốn phương trời.

Cán cân tạo hóa rơi đâu mất,

Miệng túi càn khôn thắt lại rồi.

Hăm bảy tháng trời là mấy chốc,

Trăm năm ông phủ Vĩnh Tường ôi!

(Khóc ông Phủ Vĩnh Tường)

Có lẽ từ hoàn cảnh này mà nỗi khổ chồng chung từng trở thành nỗi phẫn uất, cất lên thành tiếng chửi lớn trong thơ nữ sĩ họ Hồ:

Chém cha cái kiếp lấy chồng chung

Năm thì mười họa chăng hay chớ

Một tháng đôi lần có cũng không

Cố đấm ăn xôi xôi lại hẩm

Cầm bằng làm mướn mướn không công

Thân này ví biết dường này nhỉ

Thà trước thôi đành ở vậy xong.

(Làm lẽ)

Lời nguyền rủa chế độ đa thê của Xuân Hương chính là tiếng nói kết tinh của bao nhiêu nỗi đau khổ và căm hận của bao nhiêu lớp người phụ nữ qua hàng nghìn năm phong kiến. “Trong phạm vi văn học, những người văng tục mà sảng khoái như vậy kể cũng không phải là nhiều”  (Lê Hoài Nam).

Trở lại với bài thơ Tự tình II, sau khi trải qua cảm giác đợi chờ đến vô vọng, nhân vật trữ tình dường như đang cố tìm cách chạy trốn hiện thực phũ phàng của kiếp đời làm lẽ:

Chén rượu hương đưa say lại tỉnh

Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn.

Người đàn bà cố thoát khỏi cảm giác cô đơn, mòn mỏi bằng cách làm bạn với “chén rượu”. Nhưng rồi “say” cũng chỉ là trạng thái tạm thời, vì cuộc đời vẫn nằm trong vòng luẩn quẩn “say lại tỉnh”. Tỉnh lại phải đối diện với thực tại bẽ bàng. Ngẫm phận duyên tình lại càng cay đắng hơn: “Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn”. Nghịch cảnh trăng “chưa tròn” đã “xế”,“vầng trăng bóng xế” (khi chưa tròn) lại còn “khuyết”. Tuổi xuân qua đi, nhân duyên không trọn vẹn lại còn “xế” bởi phận ẩm duyên ôi, đó thực sự là bi kịch - hai lần bi bi kịch.

Tâm trạng của nhân vật trữ tình trong bài thơ Tự tình II đã bắt gặp với  biết bao số phận, đặc biệt là những người phụ nữ trong xã hội phong kiến suy tàn, để  trở thành tiếng than lớn trong văn học văn học trung đại Việt Nam.

Có thể nói, ngoài văn học dân gian, Hồ Xuân Hương là nhà thơ đầu tiên trong lịch sử văn học dân tộc đã đem đến cho thơ văn tiếng nói của những người phụ nữ vốn phải chịu nhiều bất công: những tiếng than và những tiếng thét, những tiếng căm hờn và những tiếng châm biếm sâu cay.

Viết về đề tài người phụ nữ Xuân Hương thường xoáy sâu vào các ngóc ngách éo le của cuộc đời họ để nêu lên những bi kịch không kém phần chua chát, song bình thường nó bị xóa nhòa trong cuộc sống vốn dĩ đã rập khuôn theo những chế ước nặng nề của lễ giáo. Đó là nỗi khổ của phận “Lấy chống chung”, là sự phẫn uất của cô gái “Dở dang”:

Cả nể cho nên hóa dở dang,

Nỗi niềm chàng có biết chăng chàng!

Duyên thiên chưa thấy nhô đầu dọc,

Phận liễu sao mà nảy nét ngang.

Cái nghĩa trăm năm chàng nhớ chửa?

Mảnh  tình một khối thiếp xin mang.

Quản bao miệng thế đời chênh lệch,

Không có nhưng mà có, mới ngoan.

Những vần thơ thơ thấm thía sâu sắc bởi sự bất bình cho người phụ nữ, bởi sự thông cảm với người phụ nữ và còn bởi sự đồng cảm giữa hoàn cảnh riêng tư của cuộc đời Hồ Xuân Hương và cuộc đời  chung của biết bao người phụ nữ cùng thời, cùng cảnh ngộ.

Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn…
Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn…

2.

Hồ Xuân Hương là “con người có bản lĩnh cứng cát, sôi trào sức sống và yêu đến say mê cuộc sống, coi cuộc sống như một niềm vui lớn, trong đó con người khẳng định mình ngay ở lĩnh vực tình yêu, ở cả sự sống tại dạng gốc nguồn của nó (Đôi điều về thơ Hồ Xuân Hương - Lê Trí Viễn).

Nhưng rồi những bất hạnh riêng tư đã làm cho “cái bản lĩnh ấy hẳn cứ cứng cát đấy nhưng không còn ở mặt tha thiết nữa mà chuyển hóa thành một cứng cát chẳng vừa ở mặt cười cợt, chế diễu, đả kích”. Trong bài thơ “Tự tình II”, ở vào những thời khắc sâu hút của nỗi buồn, nỗi cô đơn, bản lĩnh Xuân Hương lại trỗi dậy.

Trong cái vắng lặng của “đêm khuya”, giữa cái mênh mông của “nước non”, Xuân Hương đành đem “cái hồng nhan” để thách thức với đời: “Trơ cái hồng nhan với nước non”. Chữ “trơ” kết hợp với từ “nước non” như một sự thách đố, một sự bền gan. Nó có cùng hàm nghĩa với chữ “trơ” trong thơ Bà huyện Thanh Quan: “Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt” (Thăng Long thành hoài cổ).

Vẫy vùng trong vòng xoáy “say lại tỉnh”, bản lĩnh cứng cát Hồ Xuân Hương lại trỗi dậy:

Xiên ngang mặt đất rêu từng đám

Đâm toạc chân mây đá mấy hòn.

Nhà thơ  Xuân Diệu từng cho rằng: “Xuân Hương là một nghệ sĩ lớn biết phun tâm hồn mình vào cảnh vật, làm cho chúng sống lên ngồn ngộn”. Trong hai câu thơ trên, dưới góc nhìn của nữ sĩ họ Hồ, những vật vô tri vô giác là đám rêu, hòn đá cũng “sống lên ngồn ngộn”. Đám rêu được bóng trăng soi chiếu, rõ mồn một trạng thái “xiên ngang mặt đất”; đá  cũng được ánh trăng “đâm toạc chân mây” rọi rõ đến “mấy hòn”.

Cảnh vật cứ như đang chuyển động, cựa quậy, muốn nhổm dậy, muốn bước đi. Với hai câu thơ này, “Xuân Hương đón nhận thiên nhiên bằng tất cả các con đường mở rộng của giác quan. Xuân Hương truyền sức sống của mình vào trong cảnh vật. Xuân Hương còn truyền cả cái đa tình của mình vào trong đó nữa” (Lê Hoài Nam).

Có thể đây không phải là hình ảnh của ngoại cảnh mà là hiện thân của tâm trạng. Sự dồn nén, bức bối của hoàn cảnh đợi chờ trong vô vọng khiến cho người phụ nữ muốn “làm loạn”, muốn được giải thoát. Ở hai cụm từ “xiên ngang”, “đâm toạc”, động từ mạnh “xiên”và “đâm” kết hợp với bổ ngữ “ngang”, “toạc” độc đáo lại được đảo lên đầu câu thơ thể hiện sự bướng bỉnh, ngang ngạnh, thể hiện một sự phản kháng quyết liệt.

Thiên nhiên như cũng mang nỗi niềm phẫn uất của con người. Những sự vật nhỏ bé, hèn mọn như đám rêu kia mà cũng không chịu mềm yếu, nó phải “xiên ngang mặt đất”. Đá đã rắn chắc vẫn phải nhọn hoắt lên để “đâm toạc chân mây”.

Đây không phải là lần đầu Hồ Xuân Hương thể hiện thái độ phản kháng mạnh mẽ trong thơ. Xuân Hương từng ngạo nghễ xưng danh khi “Mời trầu”:

“Này của Xuân Hương mới quệt rồi”.

Nữ sĩ ấy từng đứng ở vị thế kẻ cả để “Mắng kẻ chơi trèo:

“Khéo khéo đi đâu lũ ngẩn ngơ,

Lại đây cho chị dạy làm thơ”.

Người phụ nữ này từng thực hiện một cuộc đánh đổi vị thế thật lớn lao, trong tưởng tượng, thật táo bạo:

Ví đây đổi phận làm trai được

Thì sự anh hùng há bấy nhiêu”.

(Đề đền Sầm Nghi Đống)

Ở bài thơ Tự tình I, khi trong cảnh đợi chờ người phụ nữ ấy cũng từng“oán hận”, cũng “thảm”, “sầu”, cũng “rầu rĩ”, và rồi cũng “giận”, vì “duyên để mõm mòm”, nhưng trong lời kết vẫn vút lên lời nhắn nhủ đầy thách thức:

“Tài tử văn nhân ai đó tá

Thân này đâu đã chịu già tom”.

Trong từng vần thơ sắc nhọn ấy, ta bắt gặp nỗi niềm Xuân Hương, bản lĩnh Xuân Hương.“Bi kịch của Hồ Xuân Hương là ở chỗ, bà không mảy may có cảm giác thua cuộc” (Nguyễn Lộc).

3.

Những dồn nén, bức bối của tâm trạng Hồ Xuân Hương chỉ nổi lên như những cơn tố lốc, bất ngờ, bột phát nhưng cũng bất ngờ lắng dịu, nhường chỗ cho sự trở lại của nỗi buồn chán và bất lực, chấp nhận và cam chịu. Khép lại lời tự tình là nỗi niềm giờ đã được gọi tên:

Ngán nỗi xuân đi, xuân lại lại

Mảnh tình san se tí con con”.

Nỗi niềm của người phụ nữ trong hoàn cảnh này không phải là nỗi đau bị ruồng rẫy “Năm canh vắng lần nương vách quế” của nàng cung nữ, không phải là nỗi cô đơn thấm thía của người chinh phụ khi nhớ chồng -“đằng đẵng đường lên bằng trời”, mà là nỗi ngán ngẩm, chán ngán của cảnh lẽ mọn. Giọng thơ day dở, đay đả bởi điệp từ, điệp âm “xuân đi xuân lại lại”. Mùa xuân đất trời tuần hoàn, nhưng tuổi xuân qua đi thì không bao giờ trở lại.

Sự trở lại của mùa xuân đồng nghĩa với sự ra đi của tuổi xuân. Thêm một mùa xuân là một lần nỗi buồn nhân lên. Câu thơ chứa đựng dòng chảy dằng dặc của thời gian và sự chán ngán, nặng nề của tâm trạng. Điệp âm “lại” nghe như lời đay nghiến, khó chịu của con người ở thế phải chấp nhận một điều nặng nề.

Trong vòng xoáy của số phận, nhân vật trữ tình cay đắng đối diện với sự thật: “Mảnh tình san sẻ tí con con”.“Mảnh tình” đã bé lại còn “san sẻ” thành ra ít ỏi, chỉ còn “tí con con”, nghe thật xót xa, tội nghiệp.

Nỗi niềm này mải miết chảy sang bài thơ Tự tình III, để tiếng thơ trở nên ai oán:

Chiếc bách buồn về phận nổi nênh,

Giữa dòng ngao ngán nỗi lênh đênh.

Lưng khoang tình nghĩa dường lai láng,

Nửa mạn phong ba luống bập bềnh

Cầm lái mặc ai lăm đỗ bến,

Dong lèo thây kẻ rắp xuôi ghềnh.

Ấy ai thăm ván cam lòng vậy

Ngán nỗi ôm đàn những tấp tênh.

Chùm thơ Tự tình là nỗi lòng của người mang thân đi làm lẽ, nhưng đó cũng là nỗi niềm ai oán của nhiều cuộc đời trong xã hội cũ, khi chế độ đa thê là một tất yếu của lịch sử xã hội phong kiến và hạnh phúc đối với người phụ nữ là chiếc chăn quá hẹp. Trước gánh nặng này, Hồ Xuân Hương có những lúc ngang tàng, thách thức nhưng khi lịch sử chưa có lối thoát con người ấy đành chấp nhận cảnh sống trong nỗi ngán ngẩm, chán chường. Chỉ có điều, bắt nguồn từ ý thức về sự bất công nên trong nỗi phẫn uất hay cam chịu vẫn cháy bỏng khát vọng hạnh phúc của người phụ nữ.

Trong bài thơ Tự tình II chất chứa một mối mâu thuẫn giữa khát vọng hạnh phúc lứa đôi của người phụ nữ và hiện thực phũ phàng là cuộc sống cô đơn, mòn mỏi mà họ phải chịu đựng.  Ước mơ hạnh phúc đó là hoàn toàn xứng đáng nhưng không thể thực hiện được trong điều kiện lúc bấy giờ. Đó là bi kịch không thể giải tỏa. Vì vậy giọng thơ vừa ngậm ngùi, vừa ai oán.

Nhưng “Thơ Xuân Hương là thơ không nước mắt, dù những chuyện riêng, chung trong thơ người đều đầy nước mắt. Một mặt, sống rất thực với đời, mặt khác do cá tính quá mạnh, ở chỗ đời khóc thì Xuân Hương lại cười, đời tuyệt vọng thì Xuân Hương hăm hở đi tiếp, dù “một cõi đi về” trong thơ Xuân Hương không khỏi có lúc lốm đốm mỏi mệt” (Trương Văn Quang). Bởi thế tiếng thơ Hồ Xuân Hương vừa chân thực vừa mang giá trị nhân văn sâu sắc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhu cầu tuyển dụng lao động vào dịp cuối năm luôn “nóng” tại các doanh nghiệp. Ảnh minh họa: INT

Doanh nghiệp 'khát' lao động

GD&TĐ - Những tháng cuối năm luôn là thời điểm sôi động nhất của thị trường lao động, bởi hầu hết các doanh nghiệp phải chạy đua với thời gian

Minh họa/INT

Thưởng Tết - động lực để cống hiến

GD&TĐ - Ý nghĩa của thưởng Tết dù ít hay nhiều nhằm ghi nhận công lao, đóng góp của người lao động, đồng thời chính là thành quả mà người lao động tạo ra...

Minh họa/INT

Cảnh báo người mới

GD&TĐ - Trung Quốc vừa quyết định cấm xuất khẩu kim loại và vật liệu có chứa những nguyên tố hoá học nhất định, trong đó có Gallium và Germanium sang Mỹ.