Không phủ nhận những bài thơ, dòng thơ mới sau này về độ dài và sự sáng tạo, nhưng để “sánh” với thơ Tố Hữu thì chưa ai có thể vượt qua, kể cả những nhà thơ được coi là “có số” trong trào lưu văn học hiện đại sau ngày giải phóng.
1.
Nhắc đến nhà thơ Tố Hữu, những người yêu thơ hoặc thi hữu đã từng yêu mến dòng thơ cách mạng không thể không nhắc tới bài thơ Từ ấy. Đây là một trong 143 bài thơ nổi tiếng của ông cho “ra lò” giữa lúc đất nước như “ngàn cân treo sợi tóc”. Từ ấy được coi như “ánh lửa sáng” soi chiếu, thức tỉnh hàng triệu trái tim người Việt hãy hành động từ trái tim mình, hãy ra tiền tuyến đánh giặc để giải phóng non sông.
Ngay sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời ngày 3/2/1930, để tiếp tục thức tỉnh và truyền lý tưởng ánh sáng cách mạng bằng Học thuyết Chủ nghĩa Mác - Lê nin cho những người cộng sản và thanh niên Việt Nam yêu nước lúc đó, Tố Hữu đã sáng tác bài thơ Từ ấy. Khi Từ ấy được tuyên truyền trong quần chúng, ngay lập tức nó trở thành “chiến sĩ xung kích” trên mặt trận chính trị tư tưởng và có tác động thúc giục lôi cuốn mạnh mẽ những người yêu nước.
Cho đến bây giờ đúng 82 năm kể từ khi bài thơ Từ ấy ra đời (tháng 7/1938), những vần thơ vẫn tạo ra “lửa” trong tim người cách mạng. Để rồi mỗi lần đọc lên, xen lẫn niềm vui sướng trong tim mỗi người là sự xúc động và tự hào. Bởi còn gì vui hơn, đẹp hơn được cống hiến, được xả thân cho Tổ quốc, cho quê hương nơi mình một đời gắn bó. Những câu từ như thấm vào gan ruột, cho dù đã trải gần một thế kỷ qua:
Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lý chói qua tim
Hồn tôi là một vườn hoa lá
Rất đậm hương và rộn tiếng chim.
Cái tài tình của Tố Hữu là ông đã “truyền ánh sáng cách mạng” vào tâm khảm và trái tim của thanh niên yêu nước Việt Nam lúc đó bằng thơ mà nó được “cô đặc” “biến” thành “sức mạnh vật chất”. “Mặt trời chân lý” trong Từ ấy mà Tố Hữu truyền vào tâm hồn người cộng sản lúc đó chính là ánh sáng Học thuyết Mác - Lê nin mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đem về từ Cách mạng Tháng Mười. Nếu cái “bừng nắng hạ” là sự giác ngộ thức tỉnh người Việt hãy hành động và bước theo ánh sáng cách mạng, thì “Chân lý chói qua tim” chính là “đường dẫn” để thanh niên Việt, người Việt bước đi. Đó cũng chính là yếu tố bản chất để khẳng định rằng, chỉ có “Chân lý Mác - Lê nin” mới có thể đưa Cách mạng Việt Nam thắng lợi thoát khỏi gông cùm xiềng xích. Chỉ có ánh sáng Chủ nghĩa Mác - Lê nin mới giải phóng dân tộc Việt Nam và người Việt thoát khỏi chiến tranh bằng phương pháp “bạo lực cách mạng”.
Có thể nói, để có được những vần thơ “vắt” ra từ gan ruột ấy, Tố Hữu đã trải qua “đời cách mạng”. Chính ông là chiến sĩ cầm súng chiến đấu trên chiến trường khói lửa, chỉ khác ông vừa cầm súng vừa cầm bút. Nói cách khác, Tố Hữu là người truyền lửa nhiệt huyết cách mạng, “vạch” hướng đi và cách đi cho thế hệ thanh niên Việt ở thế kỷ XX trên lĩnh vực tư tưởng chính trị mà Từ ấy là “Ngọn lửa dẫn đường”. Vì vậy, dù thời gian có dài bao nhiêu chăng nữa, thế vận có đổi thay thế nào, lý tưởng chân chính của người cách mạng vẫn không bao giờ bị thay đổi. Bởi nó được “Truyền lửa” bằng những vần thơ đặc biệt. Đó là những vần thơ phục vụ cách mạng, cống hiến và hy sinh vì Tổ quốc.
2.
Sự nghiệp của cố nhà thơ Tố Hữu có nhiều bài thơ, tập thơ nổi tiếng như: “Máu và Hoa”, “Gió lộng”, “Nước non ngàn dặm”, “Với Đảng mùa xuân”, “Ta đi tới”… Thơ của ông bình dị, lắng đọng và chạm đến trái tim người Việt đến mức dễ đọc, dễ nhớ và nhiều người thuộc lòng. Chẳng thế mà những chiến sĩ trên chiến trường đánh Mỹ mượn thơ ông để tỏ tình với người yêu: “Rất chân thật chia ba phần tươi đỏ, anh dành riêng cho Đảng phần nhiều, phần cho thơ và phần để em yêu”.
Trong cuộc trường chinh của dân tộc, để tiếp tục “khích lệ” tinh thần đánh giặc, và xây dựng đất nước, Tố Hữu đã sáng tác bài thơ Ta đi tới. Ta đi tới là bài thơ đặc biệt của Tố Hữu nói về niềm tự hào của dân tộc Việt Nam mới bước ra từ khói lửa chiến tranh trên con đường đi tìm cuộc sống mới, mà những anh chị dân công, những người thuần nông miền Bắc, miền Nam đã “dốc sức” trong cuộc hành trình khai phá dưới ánh sáng của Đảng. Để rồi hôm nay sau 45 năm chấm dứt chiến tranh, đọc lại những vần thơ trong bài Ta đi tới vẫn thấy nhói lòng.
Ta đã lớn lên rồi trong khói lửa
Chúng nó chẳng còn mong được nữa
Chặn bàn chân một dân tộc anh hùng
Những bàn chân từ than bụi, lầy bùn
Đã bước dưới mặt trời cách mạng.
Những bàn chân của Hóc Môn, Ba Tơ, Cao Lạng
Lừng lẫy Điện Biên, chấn động địa cầu
Những bàn chân đã vùng dậy đạp đầu
Lũ chúa đất xuống bùn đen vạn kiếp
Nhưng với tinh thần và nội lực của một dân tộc anh hùng, hàng ngàn, hàng vạn thanh niên vẫn lên đường đi xây cuộc sống trên những con đường khắp dặm dài đất nước - những con đường có hoa tươi, cờ đỏ, nhưng cũng chất chứa bao nỗi đau của máu người Việt đổ xuống dưới những tầng đất mẹ.
Ta đi tới, không thể nào chia cắt
Mục Nam quan đến mũi Cà Mau
Trời ta chỉ một trên đầu
Bắc Nam liền một biển
Lòng ta không giới tuyến
Lòng ta chung một cụ Hồ
Lòng ta chung một Thủ đô
Lòng ta chung một cơ đồ Việt Nam.