Bài tham luận 'chạm vào trái tim' tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học mới

GD&TĐ - Cô Nguyễn Lan Phương - Hiệu trưởng trường THCS Minh Khai với tham luận chân thực, lắng đọng, ý nghĩa đã từng bước chinh phục người nghe.

Cô giáo Nguyễn Lan Phương- Hiệu trưởng trường THCS Minh Khai (quận Hai Bà Trưng).
Cô giáo Nguyễn Lan Phương- Hiệu trưởng trường THCS Minh Khai (quận Hai Bà Trưng).

Vừa qua, Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2023 - 2024 và triển khai nhiệm vụ năm học 2024 - 2025 cấp THCS, tại Hội trường Sở GD-ĐT Hà Nội cùng các điểm cầu tại các quận, huyện thích thú trước bài tham luận STEM giàu cảm xúc, trí tuệ, ngắn gọn và ý nghĩa của cô giáo Nguyễn Lan Phương - Hiệu trưởng trường THCS Minh Khai (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội).

Ngay phần mở đầu, cô giáo đã lựa chọn một cách độc đáo theo phong cách STEM để triển khai tham luận. Đó là tổng kết các hoạt động STEM trong năm học của nhà trường bằng các giác quan.

“ Đầu tiên là THỊ GIÁC:

Hình ảnh ấn tượng nhất với tôi trong năm học vừa qua là hình ảnh một em học sinh nam cao lớn, tay ôm khư khư, nâng niu một vật suốt cả ngày học. Nhìn xa, đó là vỏ chai nhựa nước ngọt cỡ lớn. Nhìn gần, chai nhựa còn kèm theo đủ phụ kiện. Đó là một tên lửa nước- một sản phẩm STEM mà em học sinh ấy mất nhiều công sức để chế tạo và cải tiến tham gia Đấu trường STEM- cuộc thi sản phẩm STEM do nhà trường tổ chức. Vậy nên, sẽ thật dễ hiểu khi học trò muốn ôm cả sự sáng tạo, niềm đam mê và quyết tâm của mình vào lòng. Hình ảnh đáng yêu của em học sinh mãi lưu lại trong tôi!

Thứ hai là THÍNH GIÁC:

Có một âm thanh mà cả tôi và nhóm giáo viên STEM của mình đều yêu thích được nghe. Đó là tiếng reo hò của học trò. Trò sẽ reo lên khi các em lắp ráp thành công một sản phẩm, khi các em khám phá ra một điều mới mẻ, khi có một ý tưởng cải tiến sản phẩm hay khi các em chiến thắng trong cuộc thi với các bạn hoặc chiến thắng chính mình,… Những âm thanh thật trân quý!

Thứ ba là XÚC GIÁC:

Nhóm giáo viên STEM của trường chúng tôi gồm 9 cô giáo. Tất cả đều trẻ trung, nhiệt huyết. Kể từ buổi tập huấn đầu năm học 2023-2024, khi được Chuyên gia STEM của Sở Giáo dục và Đào tạo thắp lửa, trang bị kiến thức và hướng dẫn từng bước, chúng tôi đã đưa STEM vào các tiết dạy hàng ngày và hàng loạt các hoạt động STEM: bài học STEM, đấu trường STEM, dự án mô hình “Ngôi nhà của côn trùng”, dự án Trái đất và bầu trời,… Mới đây nhất là dự án “Hãy giúp bác nông dân” - một chuyên đề STEM tại quận Hai Bà Trưng. Nhưng chúng tôi cũng có những lúc bối rối, những lúc khó khăn,…Khi đó, những cái vỗ vai, nắm tay nhau là vô cùng ấm áp. Để rồi, sau khi dự án thành công, chúng tôi ngồi với nhau và lại tự nhủ rằng: “STEM thật thú vị! Càng làm càng thấy hay, càng học càng thấy vỡ ra nhiều điều và thêm yêu nghề biết mấy!”

Cuối cùng là VỊ GIÁC và KHỨU GIÁC:

Tôi sẽ nhớ mãi mùi vị của cốc nước màu xanh đỏ này. Đó là sản phẩm STEM của các em học sinh khi học xong bài 13- Khối lượng riêng (KHTN lớp 8). Các trò mời tôi với ánh mắt lấp lánh: “Cô ơi, cô uống thử xem, chúng con pha chế đấy, đảm bảo không sao đâu ạ.” Tôi uống thử và thấy rất khó quên. Bởi đó là mùi vị của sự khám phá khoa học, mùi vị ước mơ của trẻ, mùi vị niềm vui của cô giáo giảng dạy,…Những mùi vị rất đáng nếm trải trong nghề nghiệp của chúng ta!”

z5758736942026_818eaac3305250eb482739790cf8f0f5.jpg
STEM trong các tiết dạy hàng ngày tại Trường THCS Minh Khai.

Những dòng tham luận rất chân thực, lắng đọng, ý nghĩa đã từng bước chinh phục người nghe. Phần cuối của tham luận, cô giáo trình bày mơ ước của mình về hoạt động STEM trong năm học mới:

“Kính thưa các thầy cô giáo!

Các giác quan là một phần của hệ thần kinh. Sau khi thu nhận thông tin từ bên ngoài sẽ tạo thành tín hiệu điện và truyền đến não bộ. Những thông tin trên từ các giác quan chúng tôi thu nhận trong năm học vừa rồi đã được não bộ tiếp nhận và chuyển hóa thành những ước mơ cho năm học mới, Đó là:

Ước mơ về việc thực hiện ngày càng nhiều những bài học STEM trong chính những tiết học hàng ngày. Xuất phát từ ước mơ đó, ngày 12 tháng 08 vừa qua, ngay trước thềm năm học mới, với sự hỗ trợ của thầy Hà Lam Sơn- chuyên viên Sở GD-ĐT đồng thời là chuyên gia thuộc Dự án tăng cường khoa học giáo dục tại Việt Nam, Trường THCS Minh Khai đã tổ chức Chuyên đề dạy học STEM – Dự án “Hãy giúp bác nông dân”.

Môn học chủ đạo: Công nghệ 8; Bài 16- Mạch điện điều khiển sử dụng mô- đun cảm biến. Tiết dạy được các thầy cô giáo đánh giá rất cao, học sinh hào hứng trong suốt quá trình học tập. Và đặc biệt, đây là tiết dạy bắt đầu từ BA KHÔNG 3: Không dạy thử; Không dùng thiết bị ngoài danh mục; Không áp lực cho thầy và trò. Từ đó, nhà trường thu được BA CÓ: Có sự trung thực trong nghiên cứu khoa học; Có khát khao sáng tạo ở học trò; Có tình yêu dành cho học sinh, cho đồng nghiệp!”

Với chất giọng truyền cảm và cảm xúc chân thực, cô giáo Nguyễn Lan Phương kết thúc tham luận bằng niềm hy vọng cho năm học mới:

“Như Albert Einstein đã từng nói: “Trí tưởng tượng quan trọng hơn kiến thức. Kiến thức có hạn, trong khi trí tưởng tượng bao trùm thế giới và kích thích sự tiến bộ.” Một năm học mới sắp bắt đầu, chúng ta hãy đánh thức các giác quan của mình, mở rộng tâm hồn mình, cùng trải nghiệm sự thú vị của STEM là sản phẩm của quan điểm dạy học hiện đại! Tất cả vì một trường học dành cho học sinh và vì học sinh!”

Bài tham luận nhận được nhiều phản hồi tốt đẹp từ Sở GD-ĐT cùng các Phòng GD-ĐT các quận, huyện. Đặc biệt, truyền cảm hứng cho phong trào đổi mới, sáng tạo, nâng cao chất lượng dạy và học nói chung, giáo dục STEM nói riêng.

Cô giáo Nguyễn Lan Phương- Hiệu trưởng trường THCS Minh Khai là nhà giáo tiêu biểu 10 năm ngành GD-ĐT Thủ đô Hà Nội (giai đoạn 2005 - 2015); Điển hình tiêu biểu Sáng kiến sáng tạo Thủ đô các năm 2010, 2012; giải Nhất Giáo viên dạy giỏi cấp thành phố năm học 2010 - 2011, 2014 - 2015; Giải Nhất chung cuộc và Nhất lĩnh vực toàn quốc cuộc thi Dạy học theo chủ đề tích hợp các năm học 2013-2014, 2015-2016; giải Xuất sắc hội thi Đồ dùng dạy học tự làm cấp thành phố các năm học 2008-2009, 2011-2012; giải Nhất hội thi Công nghệ thông tin cấp thành phố năm học 2011-2012.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ