Hội nghị Giám đốc Sở GD&ĐT, tổng kết năm học với GD mầm non, phổ thông
Chuỗi các Hội nghị tổng kết năm học 2023-2024, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm học 2024-2025 diễn ra tại Hải Phòng trong 2 ngày 22-23/7 là hoạt động giáo dục quan trọng, nổi bật trong tuần qua.
Theo đó, Hội nghị toàn thể (Hội nghị Giám đốc Sở GD&ĐT) diễn ra sáng 22/7 với sự chủ trì của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn.
Trong ngày 23/7 diễn ra các Hội nghị tổng kết năm học 2023-2024 và phương hướng, nhiệm vụ năm học 2024-2025 đối với các cấp học: Giáo dục mầm non; giáo dục trung học và giáo dục thường xuyên; giáo dục tiểu học.
Năm học 2023 - 2024, với chủ đề “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo, hoàn thành tốt các nhiệm vụ và mục tiêu đổi mới và nâng cao chất lượng GD-ĐT”, ngành Giáo dục đã khắc phục khó khăn, cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đề ra trong Quyết định 2457/QĐ-BGD&ĐT về ban hành Kế hoạch nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm học 2023 - 2024.
Năm học mới 2024-2025, ngành Giáo dục xác định chủ đề là: “Kỷ cương trách nhiệm, đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo”.
Các nhiệm vụ trọng tâm trong năm học tới cũng được xác định. Trong đó, đầu tiên là tiếp tục hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về giáo dục.
Đảm bảo công bằng trong tiếp cận giáo dục cho mọi đối tượng, trong đó, quan tâm đến đối tượng là của người dân tộc thiểu số, người sống ở miền núi, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang, ven biển hải đảo, trẻ mồ côi, trẻ em không nơi nương tựa, người khuyết tật, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Cùng với đó, nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, GDPT và giáo dục thường xuyên. Phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục bảo đảm đủ số lượng và nâng cao về chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới GD-ĐT. Sử dụng hiệu quả ngân sách nhà nước và huy động các nguồn lực đầu tư cho giáo dục.
Năm học 2024-2025 cũng sẽ tăng cường hội nhập quốc tế trong giáo dục chính trị, tư tưởng, giáo dục quốc phòng an ninh và giáo dục thể chất, y tế trường học.
Đồng thời, đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính trong toàn ngành. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực GD-ĐT; tăng cường công tác truyền thông giáo dục; thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua trong toàn ngành.
Phát biểu kết luận Hội nghị Giám đốc Sở GD&ĐT năm 2024, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhận định: Năm học 2023-2024 có vị trí quan trọng trong quá trình đổi mới và toàn ngành đã nỗ lực, cố gắng hoàn thành các mục tiêu đề ra.
Để thực hiện các mục tiêu đề ra, Bộ trưởng đề nghị Lãnh đạo các sở GD&ĐT tiếp tục nghiên cứu, cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp được giao tại Kết luận của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29; các chủ trương, định hướng phát triển giáo dục và đào tạo của Đảng, Quốc hội; Chương trình hành động của Chính phủ để triển khai thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị về việc tiếp tục triển khai Nghị quyết 29; từ đó ban hành kế hoạch, nhiệm vụ cụ thể triển khai tại địa phương.
Về phương diện xây dựng thể chế, Bộ trưởng mong muốn Lãnh đạo sở GD&ĐT tiếp tục quan tâm góp ý cho các văn bản quy phạm pháp luật của Bộ GD&ĐT. Trong đó, đặc biệt quan tâm thảo luận, góp ý thật sâu, đầy đủ, toàn diện cho Luật Nhà giáo. Lưu ý làm công tác tư tưởng cho đội ngũ với các nội dung liên quan trong dự thảo Luật để các nhà giáo vừa góp ý xây dựng; vừa làm công tác tuyên truyền vận động cho xã hội; vừa chuẩn bị tinh thần và điều kiện để chủ động thực hiện các nội dung của Luật Nhà giáo nếu được thông qua, ban hành.
Một số công việc trong năm học 2024-2025 được Bộ trưởng lưu ý liên quan đến việc tham mưu lãnh đạo địa phương xây dựng kế hoạch 5 năm 2025-2030 để chủ động đầu tư cho giáo dục; cần bảo đảm chi ngân sách tối thiểu cho giáo dục 20%; lưu ý dành đất đai cho giáo dục trong triển khai quy hoạch; khai thác chính sách đặc thù, chính sách ưu đãi của mỗi tỉnh thành để phát triển giáo dục.
Bộ trưởng đồng thời nhấn mạnh việc quan tâm bảo đảm cơ sở vật chất, hướng tới hiện đại hóa cơ sở vật chất; chuẩn bị phương án để bảo đảm kiên cố hóa 100% cơ sở giáo dục đến năm 2030.
Cùng với đó, quan tâm phát triển đội ngũ giáo viên cả về số lượng và chất lượng; tiếp tục triển khai lộ trình nâng chuẩn; quan tâm phát triển các trường dân tộc nội trú, giáo dục dân tộc; lưu ý phân luồng hướng nghiệp cho học sinh trên cơ sở tự nguyện; tiếp tục hỗ trợ, nâng cao năng lực cho trên 50 nghìn hiệu trưởng trên cả nước…
10.000 vận động viên, huấn luyện viên tham gia Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc
Từ 25/7 đến 6/8, Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc lần thứ X năm 2024 được tổ chức tại thành phố Hải Phòng.
Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc là hoạt động thể thao quy mô lớn nhất dành cho học sinh phổ thông được tổ chức thường niên 4 năm một lần. Sự kiện do Chính phủ chỉ đạo, giao Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các địa phương tổ chức thực hiện.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, sau 8 năm, Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc lần thứ X trở lại vào năm 2024, được tổ chức thành 2 giai đoạn. Giai đoạn I vòng khu vực diễn ra từ 20/4 đến 20/6/2024 tại 5 tỉnh, thành phố. Giai đoạn II vòng toàn quốc diễn ra từ 25/7 đến 6/8/2024 diễn ra tại Hải Phòng.
Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc tại thành phố Hải Phòng được tổ chức với sự quy tụ của hơn 10.000 vận động viên, huấn luyện viên, săn sóc viên đến từ 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tham dự, tranh 217 bộ huy chương thuộc 15 môn thi đấu: Bơi, Bóng bàn, Bóng chuyền, Bóng đá, Bóng rổ, Cầu lông, Cờ vua, Đá cầu, Điền kinh, Karate, Kéo co, Taekwondo, Thể dục Aerobic, Vovinam, Võ cổ truyền.
Công tác chuẩn bị cho vòng toàn quốc được Bộ GD&ĐT phối hợp với UBND thành phố Hải Phòng thực hiện chu đáo, kỹ lưỡng.
Lễ Khai mạc Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc lần thứ X diễn ra vào 20h00 ngày 28/7/2024 tại Sân vận động Lạch Tray, Hải Phòng.
Thay mặt lãnh đạo Bộ GD&ĐT, phát biểu tại Lễ khai mạc, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn giao nhiệm vụ cho tất cả các vận động viên học sinh, trọng tài và ban tổ chức: vì lương tâm và trách nhiệm cao nhất, đảm bảo cho Hội khỏe Phù Đổng lần thứ X diễn ra an toàn, thật thà, dũng cảm, cao thượng và với tinh thần giáo dục cao nhất, để Hội khỏe Phù Đổng lần này thực sự ấn tượng, đáng nhớ và tự hào.
5/5 học sinh Việt Nam giành Huy chương Vàng, Bạc tại Olympic Vật lý quốc tế 2024
Ngày 27/7, Bộ GD&ĐT nhận được thông tin về kết quả chính thức của đội tuyển quốc gia Việt Nam dự thi Olympic Vật lý quốc tế (IPhO) năm 2024 được tổ chức tại Iran. Đội tuyển Việt Nam với 5 học sinh dự thi, kết quả 5/5 học sinh đều đạt huy chương, gồm: 2 Huy chương Vàng, 3 Huy chương Bạc.
2 học sinh giành Huy chương Vàng là em Thân Thế Công và em Trương Phi Hùng. Cả 2 em đều đang là học sinh lớp 12, Trường THPT Chuyên Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang.
3 Huy chương Bạc thuộc về các em: Em Nguyễn Nhật Minh, học sinh lớp 12, Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội; em Hà Duyên Phúc, học sinh lớp 12, Trường THPT Chuyên Lam Sơn, tỉnh Thanh Hoá; em Nguyễn Thành Duy, học sinh lớp 12, Trường THPT Chuyên Trần Phú, thành phố Hải Phòng.
Với thành tích 100% học sinh đạt huy chương, trong đó có 2 Huy chương Vàng và 3 Huy chương Bạc, đoàn Việt Nam nằm trong nhóm các nước có kết quả cao nhất tại kỳ thi Olympic Vật lý quốc tế 2024. Kết quả năm nay cũng tốt hơn năm 2023 (năm 2023 đội tuyển Việt Nam đạt 2 Huy chương Vàng, 2 Huy chương Bạc và 1 Huy chương Đồng).
Năm nay, điểm thi thực hành của học sinh Việt Nam có sự cải thiện đáng kể so với các kỳ thi AphO, IPhO những năm gần đây.
Thành tích xuất sắc của đội tuyển quốc gia Việt Nam tại IPhO 2024 tiếp tục khẳng định chất lượng giáo dục phổ thông. Đồng thời, khẳng định hướng đi đúng trong công tác phát hiện, tuyển chọn và bồi dưỡng học sinh giỏi của Bộ GDĐT.
Ban Tổ chức IPhO 2024 sẽ tổ chức Lễ bế mạc và trao giải vào ngày 28/7/2024, bắt đầu từ lúc 9h00 (giờ Iran).
Kỳ thi Olympic Vật lý Quốc tế lần thứ 54 được tổ chức tại Iran từ ngày 21 tháng 7 đến ngày 29 tháng 7 năm 2024.
Theo quy chế của Hội đồng IPhO 2024, kỳ thi gồm 1 bài thi lý thuyết và 1 bài thi thực nghiệm. Mỗi bài thi kéo dài 5 tiếng. Đề thi năm nay được đánh giá là hay và khó, nội dung đề thi lý thuyết và thực hành đều gắn liền với thực tiễn cuộc sống và chạm đến những ứng dụng của khoa học kỹ thuật hiện đại. Để đạt được Huy chương Vàng, các thí sinh phải lọt vào top 8% thí sinh có điểm cao nhất.