1. Tôi bị ám ảnh mãi câu chuyện của bà chị họ, chuyện mà chị cho là “ác mộng” khi đứa con đầu vào lớp 1, học tại một trường dân lập có tiếng của Hà Nội.
Một giờ học tại Trường Tiểu học Dịch Vọng A (Hà Nội) |
Ngày ấy, cháu tôi lười ăn nên mảnh khảnh, yếu ớt. Chị không dám cho con vào học trường công sợ với sĩ số quá đông con sẽ thiệt thòi. Nên, dù kinh tế không mấy dư dả, anh chị vẫn quyết tâm cắt đi nhiều khoản chi tiêu để cho con vào học tại một trường dân lập khá có tiếng tăm. Mọi thứ ở trường chị không lăn tăn gì, chỉ khiếp nỗi, bài tập cô giáo cho về nhà quá nhiều.
Tôi xin giữ nguyên lời chị, không dám thêm bớt: “Mới lớp a, bờ, cờ mà sao bài tập lắm thế. Đi học về, mẹ con ăn uống, tắm rửa xong là cuống cuồng ngồi vào bàn học. Không ít hôm ngồi đến 12 giờ đêm, mẹ thì gà gật, con thì nước mắt lưng tròng...”. Tình hình kéo dài một năm, thương con không trụ nổi, chị bàn với chồng xin chuyển trường. Nhưng chồng chị có vẻ kết cách giáo dục của trường này nên dứt khoát không đồng ý. Lý luận của anh là: “Có khổ mới thành người, có học mới thành tài”. Thế rồi thấm thoắt năm nay, cháu tôi đã học đến lớp 5. Mười tuổi nhưng cân nặng của cháu chỉ xấp xỉ 30 kg.
Tự giác học ở nhà |
2. Ngược hẳn với câu chuyện của chị họ tôi, gia đình hàng xóm sát vách nhà tôi cả hai vợ chồng đều làm doanh nghiệp nước ngoài, tư tưởng cấp tiến cho con học trường quốc tế. Đến lớp 3 mà chẳng bao giờ thấy thằng bé phải học buổi tối, mặt mày lúc nào cũng tươi phơi phới. Quan điểm của chị rất hay, là “Hãy để cho trẻ sống có tuổi thơ”.
Rồi kinh tế khủng hoảng, chồng mất việc, một mình bươn chải không thể trụ nổi khoản đóng góp khổng lồ của trường con nhà giàu, chị hàng xóm xót xa chuyển con đến trường công lập. Kể từ đó, tối nào chị cũng phải năn nỉ, ỉ ôi để con ngồi vào bàn học. Số bài tập chẳng phải quá nhiều nhưng với hai mẹ con đó đã là một cực hình vì con chị đã quen với nếp trường quốc tế.
3. Con tôi năm nay vào lớp 1, dù nhớ như in câu chuyện của người chị họ nhưng tôi chẳng mảy may lo lắng, vì tôi biết, chủ trương không cho phép các cô giao bài tập về nhà cho đối tượng học sinh non nớt này.
Buổi họp phụ huynh đầu tiên, cô giáo chủ nhiệm đã gây ấn tượng rất tốt với tôi. Cô nghiêm khắc nhưng nhẹ nhàng, dày dạn kinh nghiệm vì có gần 30 năm chỉ chuyên dạy lứa “đại học chữ to”. Tất nhiên là cô có đề cập đến chuyện học ở nhà của các con. Nhưng chủ ý “các con phải làm bài tập về nhà” của cô nghe mềm mại, thuyết phục vô cùng:
“Theo đúng quy định, giáo viên không được giao bài tập về nhà cho các con. Nhưng, ngày hôm nay, tôi xin phép các phụ huynh vẫn được giao bài tập về nhà cho các cháu. Mục đích chính là để rèn luyện nề nếp, thói quen học tập. Nếu trong năm đầu tiên các con không có thói quen học bài mỗi tối thì thật khó rèn nề nếp này những năm sau. Vì mục đích này, nên các phụ huynh yên tâm là bài tập tôi cho rất hạn chế, các cháu chỉ mất nhiều nhất là 30 phút để làm xong bài tập mỗi ngày”. Phụ huynh bên dưới tán thưởng rào rào. Cô giáo nói có lý quá mà!
Từ đó, việc làm đầu tiên khi đưa con từ trường về là tôi mở cặp, giở kẹp file (nơi cô để tờ bài tập về nhà) ra xem để ước lượng công việc hai mẹ con buổi tối. Thường cháu chỉ phải viết 3 dòng chữ, 3 dòng số. Quả đúng như lời cô, nếu có vừa học vừa ngó nghiêng thì quá lắm cũng chỉ 30 phút là con hoàn thành bài. Đôi khi quá cao hứng, ngày nghỉ bố mẹ có rủ đi chơi thì cô con gái cũng nhắc: “Để con làm xong bài tập đã”. Tôi thở phào!
HS Trường Tiểu học Nguyễn Du (Hà Nội) |
4. Câu chuyện có hay không nên giao bài tập về nhà, đến nay vẫn có ý kiến quá tả, có ý kiến lại quá hữu. Người thì cho rằng, phải có bài tập về nhà để trẻ củng cố kiến thức trên lớp, nếu không “chữ thầy lại trả thầy”. Ý kiến ngược lại: Học cả ngày trên lớp là quá đủ, hãy để buổi tối cho trẻ tái tạo năng lượng cho buổi học sau. Nếu tâm lý căng thẳng, trẻ học không vào thì học nhiều cũng bằng không.
Bản thân tôi, cho đến thời điểm hiện tại vẫn thấy cô giáo chủ nhiệm của con có lý. Việc giao bài tập về nhà cho trẻ quá nhiều tất nhiên là không nên, nhưng hoàn toàn “thả rông” việc học về nhà cũng cần xem xét kỹ. Sẽ là tốt nếu bài tập về nhà được giao ở mức vừa phải, đủ để trẻ hình thành thói quen, nề nếp học tập, cũng như có ý thức với việc học mà không tạo áp lực, tâm lý căng thẳng. Điều này, trước hết phải từ người giáo viên, nhưng quan điểm của các bậc làm cha mẹ cũng vô cùng quan trọng.
Việc giao bài tập về nhà cho trẻ quá nhiều tất nhiên là không nên, nhưng hoàn toàn “thả rông” việc học về nhà cũng cần xem xét kỹ. Điều này, trước hết phải từ người giáo viên, nhưng quan điểm của các bậc làm cha mẹ cũng vô cùng quan trọng. |
Tuệ Minh