Bài học về chủ quyền biển, đảo: Khơi dậy tình yêu Tổ quốc

GD&TĐ - Ngoài những tiết học chính khóa, HS Hà Nội còn được tìm hiểu thêm về kiến thức biển đảo qua các buổi sinh hoạt ngoại khóa. Hầu hết các em HS đều hứng thú với chủ đề này.

 Học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Du hào hứng với bài học về chủ quyền biển, đảo
Học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Du hào hứng với bài học về chủ quyền biển, đảo

Lồng ghép tuyên truyền về chủ quyền biển, đảo

Nhiều năm gần đây, Trường Tiểu học Ngọc Lâm (quận Long Biên, Hà Nội) đã có nhiều hoạt động lồng ghép trong giảng dạy chính khóa, ngoại khóa để tuyên truyền về biển, đảo đến từng HS. Đơn cử như chủ đề lồng ghép “Em yêu Tổ quốc em”, được GV tích hợp thêm nội dung thực tế về chủ quyền biển, đảo.

Chương trình tuyên truyền về chủ quyền biển, đảo được lồng ghép và gắn chặt nội dung với các cuộc thi, các buổi giao lưu như: Rung chuông vàng, thi về kiến thức Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh… Ngoài ra, các GV cũng thường xuyên dạy và phát động HS hát những bài hát về quê hương đất nước, ca ngợi về biển, đảo của Việt Nam.

Cô Bùi Thị Thu Hằng - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngọc Lâm cho biết: Không chỉ tích hợp trong những giờ hoạt động chính khóa mà ngay cả những giờ sinh hoạt tập thể, giờ ngoại khóa, các cô đều lồng ghép để tuyên truyền về biển, đảo. Tài liệu do GV tự tìm, rồi bằng nhiều hình thức sinh động, GV sẽ diễn tả, truyền tải cho HS hiểu.

Công tác tuyên truyền liên hệ từ thực tế là một phương pháp giáo dục hay, giúp HS hiểu hơn về vị trí, vai trò, tầm quan trọng cũng như tiềm năng của biển, đảo; đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước ta về chiến lược biển, đảo trong tình hình mới. Qua việc này sẽ giúp HS có ý thức và trách nhiệm hơn trong việc bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Còn trong buổi sinh hoạt dưới cờ hàng tuần, Liên đội Trường Tiểu học Nguyễn Du (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã lồng ghép tuyên truyền công tác biên giới trên đất liền và tuyên truyền về biển, đảo tới các bạn HS trong toàn trường.

Nguyễn Mai Linh - HS của trường cho biết: Em rất thích thú khi được tìm hiểu những kiến thức về biển, đảo, về chủ quyền biên giới. Qua đây em đã biết thêm được rất nhiều kiến thức. Các thầy cô đã cung cấp cho chúng em những kiến thức về biển, đảo qua những hình ảnh đẹp và trực quan giới thiệu về phong cảnh, tài nguyên biển, đảo, kèm theo những câu chuyện về các bậc cha ông, chiến sĩ đã tham gia bảo vệ biển, đảo, biên giới.

Tuyên truyền bằng nhiều hình thức

Các bài học giúp HS thêm yêu quê hương, biển, đảo Việt Nam
Các bài học giúp HS thêm yêu quê hương, biển, đảo Việt Nam 

Theo đại diện Sở GD&ĐT Hà Nội, hiện nay, đa số HS phổ thông đều còn thiếu kiến thức về biển, đảo. Số lượng bài học về biển, đảo còn hạn chế trong chương trình Địa lí, Lịch sử, Giáo dục công dân chưa thể giúp HS có cái nhìn toàn diện và hiểu biết cụ thể.

Để tuyên truyền cho HS, Sở GD&ĐT Hà Nội đã có nhiều hình thức phong phú, phù hợp với điều kiện của từng trường để HS dễ hiểu, dễ nắm bắt. Sở đã xây dựng kế hoạch, nội dung cụ thể, tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ, GV, nhân viên, HS toàn thành phố hiểu rõ chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; những quan điểm, nội dung về Luật Biển và Chiến lược biển của Việt Nam.

Sở cũng đã triển khai tới 100% các phòng GD&ĐT và các trường học về kế hoạch tuyên truyền. Kế hoạch cụ thể mà Sở GD&ĐT đưa ra là hướng dẫn tổ chức tuyên truyền kết quả công tác quản lí biên giới, phân giới, cắm và tăng dày cột mốc, tôn tạo hệ thống mốc quốc giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc, Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia.

Các nhà trường đã thực hiện lồng ghép các nội dung giáo dục về Luật Biển và Chiến lược biển Việt Nam trong tổ chức hoạt động giáo dục nội, ngoại khóa thông qua các trò chơi, chuyên đề, hoạt động tập thể từ đó nâng cao nhận thức của cán bộ, GV, HS trong toàn ngành.

Về phương pháp dạy học, Sở GD&ĐT Hà Nội chỉ rõ những nội dung nào có thể tích hợp, lồng ghép để tuyên truyền về chủ quyền biển, đảo và được triển khai rất kĩ. Ngay từ đầu mỗi năm học, các mục tiêu, nhiệm vụ triển khai đều có nội dung tuyên truyền về biển, đảo. Đồng thời, Sở cũng tổ chức tập huấn cho các trường, mời các chuyên gia lịch sử đến thuyết giảng, trình bày và phát tài liệu chuyên sâu cho GV nghiên cứu, tham khảo.

Các trường đều cử GV tham gia các lớp tập huấn, sau đó chính những GV này về truyền đạt lại cho tổ nhóm chuyên môn của các trường. Tại các buổi tập huấn, những nội dung nào trong sách giáo khoa có thể tích hợp, lồng ghép dạy học đều được chuyên gia chỉ ra và đưa ra những ví dụ cụ thể, sinh động. GV giảng dạy phải tự tìm tài liệu để dạy tích hợp, tài liệu được phát hoặc GV tự tra cứu... 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Gió mạnh trong cơn bão gây đổ cây, tốc mái.

Khi nào bão thành 'thảm họa'?

GD&TĐ - Có nhiều nguyên nhân khiến một cơn bão trở nên nguy hiểm và gia tăng mức độ gây thiệt hại lên đời sống của con người.

Minh họa/INT

Không thể vì không quản lý được thì cấm!

GD&TĐ - Tình trạng quản không được hoặc khó quản là cấm và cấm được coi là giải pháp nhanh và hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề là thực tế đang tồn tại...