Thầy giáo của học sinh nghèo ở "xứ cờ hoa"

GD&TĐ - Là giáo viên dạy Toán tại Trường Trung học Garfield, ông Jaime Escalante đã đưa những học sinh “bất trị” nơi đây vào những trường đại học nổi tiếng tại Mỹ.

Thầy Escalante (giữa) chụp ảnh cùng học sinh khoá đầu tiên tại Trường Garfield.
Thầy Escalante (giữa) chụp ảnh cùng học sinh khoá đầu tiên tại Trường Garfield.

Ông được vinh danh là một trong những giáo viên thành công nhất “xứ cờ hoa”.

Vươn lên từ con số không

Jaime Escalante sinh ngày 31/12/1930 tại La Paz, Bolivia trong gia đình có bố mẹ là giáo viên. Sau khi tốt nghiệp trường cao đẳng sư phạm địa phương, ông từng dạy tại ba trường phổ thông hàng đầu Bolivia.

Năm 34 tuổi, Escalante từ bỏ công việc đến Los Angeles, Mỹ, lập nghiệp. Vì không biết tiếng Anh, Escalante xin làm nhân viên lau sàn trong một quán cà phê đối diện Trường Cao đẳng thành phố Pasadena, nơi ông đăng ký theo học các lớp ngoại ngữ. Trong nhiều tháng tiếp theo, ông vừa phụ bếp vào ban ngày, vừa học lấy bằng cử nhân Toán, Vật lý vào ban đêm.

Nhờ chăm chỉ, nỗ lực, Escalante được tuyển dụng vào Công ty điện tử Pasadena với mức lương hấp dẫn. Nhưng tình yêu đối với nghề giáo đã thôi thúc ông từ bỏ công việc ổn định để học lấy chứng chỉ sư phạm tại Trường Đại học bang California.

9 năm sau, ở tuổi 43, Escalante trở thành giáo viên dạy Toán tại Trường Trung học Garfield High, một trong những trường có chất lượng thấp tại Los Angeles. Thời gian đầu, ông vô cùng thất vọng khi được phân công dạy lớp kém nhất. Học sinh trong lớp đều thuộc hàng ngỗ nghịch, chán ghét học hành.

Qua tìm hiểu, Escalante biết hầu hết học sinh đến từ gia đình nghèo khó, ít được bố mẹ quan tâm nên không lo học hành, chỉ ham quậy phá. Dù rất thất vọng, Escalante vẫn lên lớp mỗi ngày để hoàn thành nhiệm vụ. Nhưng dần dần ông nhận thấy những đứa trẻ không hề đáng ghét. Ngược lại, các em cố tình nghịch ngợm để thu hút sự quan tâm, chú ý của giáo viên và bố mẹ.

Escalante tìm cách tiếp cận và giành lấy sự tin tưởng của học trò. Ông tìm hiểu tính cách, tâm lý của từng học sinh để lôi kéo các em vào bài giảng. Escalante đã khéo léo lồng vào bài giảng chuyện cười, sử dụng đồ chơi để minh hoạ cho các đơn vị kiến thức.

Sáng tạo phương pháp giảng dạy

Thầy giáo của học sinh nghèo ở "xứ cờ hoa" ảnh 1
Giáo viên phải biết yêu môn học và những đứa trẻ mình giảng dạy. Hãy cho học sinh thấy các em có cơ hội trở thành bất cứ ai nếu muốn và thúc đẩy các em quyết tâm thực hiện. Thầy giáo JAIME ESCALANTE

Cách tiếp cận của Escalante là biến học tập thành trò chơi. Trong đó, thầy giáo đóng vai trò như huấn luyện viên còn học sinh là vận động viên trong một đội. Hai bên phải phối hợp cùng nhau để đạt thành tích tốt nhất.

Ngưỡng mộ các vận động viên thể thao, Escalante thường chọn cầu thủ bóng rổ như Magic Johnson, Kareem Abdul-Jabbar và Jerry West làm ví dụ thành công đến từ tính bền bỉ, kỷ luật và ý chí sắt đá. Ông dán ảnh các vận động viên thể thao trên tường để học sinh lấy đó làm động lực.

Trước giờ học, Escalante khuyến khích học sinh khởi động, nhảy múa trên nền nhạc “We will rock you”. Chương trình học được mô phỏng theo lịch trình huấn luyện của đội thể thao.

Ông ví các bài kiểm tra như đội đối thủ nên học sinh cần trau dồi, rèn luyện để giành chiến thắng trong “trận đấu”. Trước ngày thi, học sinh lớp Escalante thường hô vang khẩu hiệu “Chiến thắng, chiến thắng kỳ thi” để tinh thần phấn chấn.

Escalante luôn chuẩn bị kĩ lưỡng cho từng bài giảng và cũng yêu cầu học sinh phải nghiêm túc trong giờ học. Học sinh vi phạm quy định phải tuân theo các yêu cầu kỷ luật. Dần dần, Escalante đã chiếm được lòng tin của học sinh và đồng nghiệp.

Ông cũng phải nghe nhiều lời gièm pha rằng học sinh sẽ không thể đỗ đại học vì nhà nghèo, học trường kém. Những nỗ lực của ông bị chế nhạo là lãng phí, mất thời gian. Nhưng Escalante luôn khẳng định ông đặt niềm tin vào học sinh và sẽ trao cho các em hy vọng thay đổi cuộc đời.

Escalante khuyến khích học sinh ghi danh vào AP, chương trình THPT nâng cao dành cho học sinh lớp 11, 12. Những học sinh đạt điểm cao trong lớp AP sẽ có cơ hội cao trúng tuyển trường đại học, cao đẳng chất lượng tại Mỹ.

Tuy nhiên, thời điểm đó, chỉ 2 trường tại Mỹ đào tạo chương trình AP nên Escalante tự mở lớp bồi dưỡng. Bất chấp phản đối của giáo viên, ông miệt mài dạy học sinh vào tối muộn và những ngày cuối tuần. Ông kiên nhẫn giảng bài cho học sinh yếu kém đến khi hiểu mới thôi.

Một năm sau, 18 học sinh trong lớp của Escalante đã vượt kỳ qua kỳ thi AP, được nhận vào 10 trường đại học chất lượng tại Mỹ. Nhưng Viện Khảo thí Giáo dục Mỹ (ETS) nghi ngờ học sinh gian lận do các em đến từ trường kém.

Escalante đã đề nghị ETS cho học sinh thi lại và các em một lần nữa chứng minh năng lực của mình. Tiếng lành đồn xa, số học sinh đăng ký vào lớp AP của Escalante tăng lên 140-200 em. Nhiều học sinh Garfield đã trúng tuyển vào Trường Đại học Nam California, trường chất lượng hàng đầu tại bang, hay các trường khối Ive League, ĐH Harvard.

Với thành tích ấn tượng, Escalante từng nhận “Giải thưởng Jefferson”, “Giải thưởng tinh thần tự do” và “Giải thưởng giáo dục xuất sắc” do Tổng thống Reagan trao tặng. Các tờ báo tại Mỹ đánh giá ông là một trong những giáo viên thành công nhất nước Mỹ. Năm 1991, Escalante nghỉ hưu và trở về Bolivia sinh sống.

Năm 2010, khi ông qua đời, Tổng thống Obama đã gửi lời chia buồn sâu sắc. “Escalante là minh chứng cho thấy hoàn cảnh không quyết định con đường tương lai của cá nhân. Ông đã khơi gợi niềm đam mê và quyết tâm của học sinh, giúp các em tìm ra tiềm năng của chính mình”, Tổng thống Obama bày tỏ.

Theo Math Dunk

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.