Trong tiếng gõ nhịp song loan, sự hào hứng, say mê tập luyện của các em HS như truyền thêm niềm tin, động lực cho những nghệ nhân về việc duy trì, trao truyền những nét đẹp của một loại hình nghệ thuật truyền thống trước những thách thức gìn giữ và bảo tồn.
Phải hiểu mới yêu
Nằm trong chương trình “Mở cửa trường hè”, lớp học hô hát bài chòi được quận Ngũ Hành Sơn (TP Đà Nẵng) tổ chức miễn phí tại 4 trường THCS trên địa bàn với khoảng 125 HS có năng khiếu và yêu thích dân ca bài chòi theo học. Lớp được tổ chức 2 ngày/tuần, trong 2,5 tháng hè. Các em được truyền đạt kiến thức về lịch sử, nguồn gốc bài chòi, cách thể hiện các làn điệu lý xàng xê, xuân nữ, xuân nam, hò Quảng; cổ bản, hò, vè, lía…
Vừa theo dõi cách vào nhịp của thầy giáo để khỏi bị rớt nhịp, em Hứa Thị Diễm Châu vừa nhịp tay xuống bàn theo điệu song loan thầy đang gõ. “Em nghe bài chòi lần đầu tiên khi được ba mẹ cho đi chơi ở Hội An. Nghe và xem các cô chú hô rồi hát mà lời hát cũng là những câu ca dao, tục ngữ quen thuộc, em thấy gần gũi và rất hay. Sẵn nghe thầy cô thông báo có lớp học hô hát bài chòi trong hè nên em xin ba mẹ đi học. Em học được 7 bài rồi, cũng dễ nhớ, dễ thuộc nhưng khó nhất là luyến láy và dễ nhầm điệu nọ sang điệu kia” – Diễm Châu kể.
Chính sự dễ thương của các em HS khóa học hô hát bài chòi là động lực để thúc đẩy các nghệ sĩ duy trì lớp học.
Câu ca “Rủ nhau đi đánh bài chòi/Để con nó khóc tới lòi rốn ra” nói lên sự say mê của người dân với những lời ca, điệu hát của nghệ thuật bài chòi. Thế nhưng, ông Sơn thừa nhận, hiện nay có nhiều loại hình nghệ thuật, nhiều “món ăn tinh thần” để thưởng thức, nên chuyện phần lớn khán giả không quá mặn mà với bài chòi cũng là điều dễ hiểu. Không mang tính chất ước lệ, những điệu hát, điệu nói, điệu múa có nguyên tắc, niêm luật cụ thể như tuồng, nhưng nghệ nhân Trịnh Công Sơn cho rằng, để yêu bài chòi, cũng đòi hỏi phải có quá trình thẩm thấu.
Tiếp nối tình yêu bài chòi
Trong hoạt động Ngày hội văn hóa dân gian, các trường học ở Đà Nẵng gần như đều tổ chức diễn xướng bài chòi, nhưng chỉ mới dừng lại như một cách giới thiệu đến với HS về một loại hình nghệ thuật được tổ chức UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể.
Trong một nỗ lực dài hơi hơn, để có thể tạo dựng được thế hệ kế cận nuôi dưỡng niềm đam mê với bài chòi, để hình thức diễn xướng dân gian này sống mãi với thời gian, ông Trần Văn Hồng – Phó trưởng Phòng GD&ĐT Ngũ Hành Sơn cho biết, tham gia khóa học hô hát bài chòi còn có cả GV phụ trách âm nhạc các trường tiểu học và THCS trên địa bàn quận. “Những giáo viên này sẽ là lực lượng chủ lực đảm nhận việc tổ chức và truyền dạy bài chòi đại trà cho HS. Đây cũng là sự chuẩn bị về đội ngũ cho chương trình – sách giáo khoa mới ở bộ môn Âm nhạc, nhất là phần âm nhạc địa phương”.