Bài 2: Câu chuyện con gà, quả trứng?

GD&TĐ - Nếu các địa phương không quyết liệt chỉ đạo việc xây dựng, phê duyệt đề án vị trí việc làm đúng quy định, thì vấn đề chỉ tiêu thăng hạng và cơ cấu hạng chức danh nghề nghiệp sẽ trở thành câu chuyện con gà và quả trứng.

Thăng hạng đối với giáo viên phải gắn với yêu cầu vị trí công việc. Ảnh: Quý Trung
Thăng hạng đối với giáo viên phải gắn với yêu cầu vị trí công việc. Ảnh: Quý Trung

Để tổ chức thăng hạng phải có đề án vị trí việc làm

Ngày 14/5/2019, Bộ Nội vụ ban hành Thông tư 03/2019/TT-BNVsửa đổi quy định về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng mộtsốloại công việc trong cơ quan hành chính Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập.

Trong đó, Điều 2 - Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 12/2012/TT-BNV ngày 18/12/2012 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ quy định về chức danh nghề nghiệp và thay đổi chức danh nghề nghiệp đối với viên chức có nội dung sửa đổi quan trọng liên quan đến tổ chức thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức.

Theo đó, Bộ Nội vụ quy định việc thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức được căn cứ vào: Danh mục, số lượng vị trí việc làm và cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt; Số lượng viên chức ứng với chức danh nghề nghiệp còn thiếu theo yêu cầu của vị trí việc làm; Đơn vị sự nghiệp có nhu cầu thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức; Tiêu chuẩn, điều kiện của chức danh nghề nghiệp đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng.

Ảnh minh họa
 Ảnh minh họa

Như vậy, một trong những căn cứ cần thiết để cơ quan có thẩm quyền tổ chức được kỳ thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức (trong đó có giáo viên các cấp) là phải có đề án vị trí việc làm đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trong đề án vị trí việc làm của các địa phương, đơn vị phải nêu rõ danh mục, số lượng vị trí việc làm và cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp. Đó chính là cơ sở để xác định số lượng viên chức ứng với chức danh nghề nghiệp còn thiếu theo yêu cầu của vị trí việc làm, từ đó xác định hoặc phê duyệt số lượng viên chức đủ điều kiện dự thăng hạng.

Mặc dù theo quy định của Bộ Nội vụ, đề án vị trí việc làm trong đơn vị sự nghiệp công lập được phê duyệt ổn định từ 1 - 3 năm. Đồng thời, Bộ Nội vụ cũng yêu cầu các đơn vị sự nghiệp công lập có trách nhiệm thường xuyên rà soát về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và vị trí việc làm, số lượng người làm việc, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp của đề án vị trí việc làm đã được phê duyệt.

Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện nay, có thể đánh giá về cơ bản việc xây dựng, phê duyệt đề án vị trí việc làm của các đơn vị sự nghiệp công lập chưa thực hiện được theo yêu cầu. Đề án vị trí việc làm hầu như mới được các đơn vị, cơ sở giáo dục xây dựng một cách hình thức, hoặc làm cho có, hoặc xây dựng nhưng không được cấp có thẩm quyền phê duyệt kịp thời nên không được sử dụng đúng như mục tiêu pháp lý của nó lúc ra đời.

Liên quan đến đề án vị trí việc làm, từ năm 2012, Chính phủ ban hành Nghị định 41/2012/NĐ-CP ngày 8/5/2012 quy định vị trí việc làm trong đơn vị sự nghiệp công lập. Tại Nghị định, Chính phủ đã giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các bộ quản lý chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành hướng dẫn việc xác định cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp.

Trên cơ sở nhiệm vụ Chính phủ giao, năm 2012, Bộ Nội vụ ban hành Thông tư số 14/2012/TT-BNV ngày 18/12/2012 hướng dẫn thực hiện Nghị định số 41/2012/NĐ-CP ngày 8/5/2012 của Chính phủ quy định về vị trí việc làm trong đơn vị sự nghiệp công lập. Tuy nhiên, tại Thông tư số 14/2012/TT-BNV, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp trong đơn vị sự nghiệp công lập chỉ được hướng dẫn chung tại Điều 9 “là tỷ lệ của số lượng viên chức theo từng chức danh nghề nghiệp ứng với vị trí việc làm trong đơn vị sự nghiệp công lập”.

Cần khẩn trương rà soát, hoàn thiện đề án vị trí việc làm

Quay trở lại với câu chuyện thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức nói chung (trong đó có giáo viên), nếu các địa phương không quyết liệt chỉ đạo việc xây dựng, phê duyệt đề án vị trí việc làm đúng quy định, thì vấn đề chỉ tiêu thăng hạng và cơ cấu hạng chức danh nghề nghiệp sẽ trở thành câu chuyện con gà và quả trứng.

Luật Viên chức quy định việc thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức không cạnh tranh (điều này khác so với thi nâng ngạch công chức hiện nay có cạnh tranh). Điều đó có nghĩa là nếu giáo viên đủ điều kiện và cơ sở giáo dục có nhu cầu về chức danh nghề nghiệp ở hạng thì giáo viên sẽ được cử dự thăng hạng. Khi dự thăng hạng, giáo viên đạt yêu cầu theo quy định thì sẽ được bổ nhiệm vào hạng (không phải lấy điểm từ cao xuống thấp theo chỉ tiêu). Tuy nhiên, theo quy định hiện nay như đã nêu ở trên, để cử giáo viên dự thăng hạng, đơn vị sự nghiệp công lập phải có đề án vị trí việc làm được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Nhưng bao giờ thì đề án vị trí việc làm được phê duyệt lại là một câu chuyện khác???

Chính vì vậy, tại thời điểm hiện nay, để đảm bảo thực hiện được việc thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên, các địa phương, cơ sở giáo dục cần khẩn trương rà soát, hoàn thiện đề án vị trí việc làm và đề nghị cấp có thẩm quyền phê duyệt đúng quy định. Việc xây dựng đề án vị trí việc làm, trong đó có xác định cơ cấu hạng chức danh nghề nghiệp phải xuất phát từ chính nhu cầu tự thân của các cơ sở giáo dục.

Trong đó, căn cứ để xác định cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp bao gồm: Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và phạm vi hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập được cơ quan có thẩm quyền quyết định; Tính chất, đặc điểm, phạm vi, quy mô, mức độ phức tạp của công việc; Số lượng vị trí việc làm và chức danh nghề nghiệp tương ứng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ