Bài 1: Tăng tuổi nghỉ hưu bình quân theo lộ trình

GD&TĐ - Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương đã đưa ra mục tiêu tăng tuổi nghỉ hưu bình quân thực tế của người lao động theo lộ trình. Đây là định hướng chính trị quan trọng để các ngành chức năng nghiên cứu, tham mưu với Chính phủ trình Quốc hội sửa các quy định pháp luật liên quan. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Thực tế cho thấy, xác định đúng tuổi nghỉ hưu là lời giải quan trọng cho bài toán kinh tế chính trị, cần được dựa trên một số nguyên tắc cơ bản như xu thế phát triển về nhân khẩu học, về tâm sinh lý học, về sức khỏe và đặc điểm của điều kiện lao động trong từng nhóm ngành nghề

Một số cơ quan truyền thông khi thực hiện các phóng sự về vấn đề tuổi nghỉ hưu, thường lấy ý kiến phỏng vấn của một số người lao động đang làm việc trực tiếp, thậm chí là những người đang làm việc trực tiếp tại các ngành nghề nặng nhọc, độc hại mà không biết rằng đây là những nhóm đối tượng đặc biệt, thuộc đối tượng được nghỉ hưu trước tuổi. Chính cách truyền thông chưa đúng này đã dẫn tới việc chưa hiểu đúng bản chất của việc “tăng tuổi nghỉ hưu bình quân theo lộ trình”…

Nghị quyết 28-NQ/TW đã xác định “tăng tuổi nghỉ hưu bình quân của người lao động theo lộ trình” chính là xuất phát từ thực tế tuổi nghỉ hưu bình quân hiện nay đang còn thấp hơn nhiều với quy định về tuổi hưu thực tế của Việt Nam (vốn đã thấp hơn so với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới). Theo quy định của pháp luật hiện hành, tuổi nghỉ hưu là đủ 60 tuổi đối với nam, 55 tuổi đối với nữ nhưng trên thực tế, tuổi nghỉ hưu hiện nay ở nước ta thấp hơn nhiều so với quy định.

Thống kê của BHXH Việt Nam cho thấy, tuổi nghỉ hưu bình quân năm 2012 chỉ là 54,17 tuổi, trong đó tuổi nghỉ của nam là 55,61 tuổi (thấp hơn gần 4,4 tuổi) và nữ là 52,56 tuổi (thấp hơn 2,44 tuổi); tỷ lệ nghỉ hưu đúng tuổi đủ 60 đối với nam, đủ 55 đối với nữ chiếm khoảng 40,5%; số người nghỉ hưu sớm trước tuổi quy định chiếm tỷ lệ cao trên 50% (nhiều người nghỉ hưu sớm so với quy định 10 tuổi, thời gian đóng BHXH ít thường chỉ đủ 20 năm nhưng thời gian hưởng lại rất dài, có trường hợp đóng 20 năm nhưng hưởng lương hưu tới hơn 40 năm).

Với tuổi thọ bình quân hiện nay là 74 tuổi, như vậy, bình quân mỗi lao động sẽ có gần 20 năm hưởng lương hưu. Trong khi đó, với thiết kế chính sách như hiện nay, số tiền đóng BHXH của mỗi người lao động chỉ đủ trả lương hưu cho chính người đó trong khoảng 08 năm, số thời gian còn lại (khoảng 12 năm), ngân sách nhà nước sẽ phải chi trả.

Với đặc trưng của chế độ xã hội chủ nghĩa, Quỹ BHXH của Việt Nam là quỹ tài chính dài hạn được hình thành chủ yếu từ đóng góp của người sử dụng lao động, người lao động và sự hỗ trợ của Nhà nước trong một số trường hợp nhằm bảo đảm khả năng chi trả các chế độ BHXH cho người lao động và thân nhân của họ có sự chia sẻ giữa các thế hệ người lao động theo quy định của pháp luật về BHXH, quỹ BHXH được Nhà nước bảo hộ, không bị phá sản, Nhà nước ban hành các chính sách nhằm bảo toàn, tăng trưởng quỹ BHXH.

Khi Quỹ có nguy cơ mất cân đối, Nhà nước sẽ ban hành các chính sách nhằm bảo đảm tính bền vững của Quỹ. Và việc thiết kế lại chính sách tại Luật BHXH Sửa đổi năm 2014 với rất nhiều điều chỉnh về mức đóng – mức hưởng, thời gian đóng, tỷ lệ hưởng,.v.v… chính là một trong những giải pháp nhằm phát triển Quỹ bền vững.

Bảo đảm cân đối tài chính là một trong những nguyên tắc vận hành cơ bản của các Quỹ BHXH, do vậy, bất cứ điều chỉnh nào theo hướng tăng khả năng cân đối quỹ (tăng mức đóng, giảm mức hưởng hoặc làm chậm thời gian hưởng) đều là mục tiêu lâu dài. Như vậy, giải pháp tăng tuổi nghỉ hưu là một trong những giải pháp có thể được xem xét đến khi giải quyết bài toán cân đối Quỹ BHXH, nhưng với mục tiêu là cân bằng giữa mức đóng góp và mức hưởng thụ của chính đối tượng người lao động chứ không phải vì sợ quỹ BHXH mất cân đối và “vỡ quỹ” như dư luận vẫn thổi bùng lên.

Mặt khác, việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu cũng vẫn đang được trình với 02 xu hướng: Một xu hướng là giữ nguyên việc điều chỉnh hạ thấp tuổi nghỉ hưu đối với người lao động ở một số ngành nghề nặng nhọc, độc hại, do ảnh hưởng của môi trường làm việc sức khỏe bị giảm sút, không đảm bảo được công việc nếu kéo dài thời gian làm việc đến ngưỡng tuổi nghỉ hưu thông thường.

Xu hướng thứ hai là tăng tuổi nghỉ hưu cho các nhóm đối tượng còn lại. Để đưa ra các quy định này, những nhà làm luật đã cân nhắc rất kỹ lưỡng, phản ánh xu thế về nhân khẩu học, về tâm sinh lý học, về sức khỏe và đặc điểm của điều kiện lao động trong từng nhóm ngành nghề. Về dài hạn, quy định tăng tuổi nghỉ hưu đáp ứng được những nhu cầu khách quan là điều chỉnh tuổi hưu mới phù hợp với xu hướng về nhân khẩu và xu hướng phát triển kinh tế xã hội của đất nước sau gần 30 năm đổi mới, cần có sự chuẩn bị kỹ càng, có lộ trình cụ thể.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ