Năm 2007, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 121/2007/QĐ-TTg phê duyệt “Quy hoạch mạng lưới các trường ĐH, CĐ Việt Nam giai đoạn 2006 - 2020”. Sau đó 6 năm, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 37/2013/QĐ-TTg về “Điều chỉnh Quy hoạch mạng lưới các trường ĐH và CĐ Việt Nam giai đoạn 2006 - 2020”. Sau hơn 10 năm, mạng lưới cơ sở GD ĐH Việt Nam đã đạt những kết quả nhất định, nhưng bên cạnh đó vẫn còn không ít tồn tại, bất cập.
Tổng số sinh viên chính quy tăng gần gấp đôi sau 10 năm
Chia sẻ của PGS Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội - đại diện nhóm nghiên cứu - từ năm 2006 đến nay, cả nước đã có 79 cơ sở GD ĐH được thành lập mới và nâng cấp, nâng tổng số cơ sở đào tạo trong hệ thống hiện tại lên 235 trường ĐH, bao gồm 170 trường công lập; 60 trường tư thục, dân lập và 5 trường 100% vốn nước ngoài. Trong đó, có 61 trường ĐHSP và trường đa ngành có đào tạo giáo viên. Đáng chú ý, trong giai đoạn triển khai Quy hoạch 121, trung bình hằng năm có 10 trường ĐH ra đời; trong khi từ năm 2013 đến 2017, khi mục tiêu quy hoạch các cơ sở GD ĐH được điều chỉnh theo Quy hoạch 37, số trường ĐH thành lập mới trung bình giảm xuống và chỉ còn hơn 2 trường/năm.
Điều này cho thấy, quy trình thành lập các cơ sở GD ĐH đã bám sát hơn chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ, phù hợp với yêu cầu quy hoạch chung của cả nước và các địa phương, đáp ứng nhu cầu nhân lực của các bộ, ngành và các địa phương trong việc đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở từng giai đoạn. Về phân bổ không gian, so với mục tiêu đến năm 2020 của Quy hoạch 37 về cơ bản đã xấp xỉ đạt. Việc thành lập mới các cơ sở GD ĐH cơ bản đáp ứng nhu cầu về cơ cấu vùng, miền; đồng thời mở rộng cơ hội được tiếp cận GD ĐH của nhân dân ở các vùng sâu, vùng xa và vùng khó khăn, góp phần thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước.
Về quy mô đào tạo, trong giai đoạn từ 2006 - 2016, tổng số sinh viên chính quy trong các cơ sở GD ĐH đã tăng gần gấp đôi và đạt 1.767.879 sinh viên trong năm học 2016 - 2017. Về cơ cấu ngành nghề đào tạo, trong tổng số sinh viên hệ chính quy đang học tập tại các cơ sở GD ĐH trong năm học 2016 - 2017, tỷ lệ sinh viên ngành nghề được phân bổ theo 7 khối ngành nghề đào tạo cơ bản đã đạt và gần đạt mục tiêu theo Quy hoạch 37. Một số cơ sở GD ĐH mới được thành lập và nâng cấp bước đầu tập trung vào đào tạo các khối ngành CNTT, công nghệ kỹ thuật, kỹ thuật, sức khỏe, luật, khoa học giáo dục, du lịch, đáp ứng sát thực hơn nhu cầu nguồn lực cho sự nghiệp CNH - HĐH đất nước và đời sống nhân dân theo mục tiêu của Quy hoạch 37.
GD ĐH Việt Nam đã có tên trong bảng xếp hạng khu vực, quốc tế
Về các điều kiện đảm bảo chất lượng, một số cơ sở GD ĐH đã cố gắng, nỗ lực mở rộng khuôn viên, tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị, phát triển đội ngũ CBQL, giảng viên cơ hữu. Một số cơ sở GD ĐH đã có tên trong các bảng xếp hạng ĐH trong khu vực, bước đầu khẳng định uy tín, thương hiệu của nhà trường, tạo ra động lực cạnh tranh về chất lượng giữa các cơ sở GD ĐH để thu hút người học. Cụ thể, trong 10 năm, số lượng giảng viên đã tăng lên 72.792 trong năm học 2016 - 2017, với số giảng viên có trình độ tiến sĩ tăng gần gấp 3 lần so với năm học 2005 - 2006. Đến năm học 2017 - 2018, tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ trong các cơ sở GD ĐH tăng dần theo từng năm và đã đạt mục tiêu cho đến 2020 của Quy hoạch 37 là 22,8%.
Về kiểm định chất lượng, tính đến nay, đã có 118 cơ sở GD ĐH đạt tiêu chuẩn kiểm định theo bộ tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục của Việt Nam và 5 cơ sở đạt kiểm định bởi tổ chức kiểm định của nước ngoài, chiếm 52% tổng số cơ sở GD ĐH. Cả nước đã có 116 chương trình đào tạo đạt kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn trong nước, tiêu chuẩn khu vực và quốc tế.
Năm 2013, Việt Nam mới có duy nhất ĐHQG Hà Nội có mặt trong Bảng xếp hạng QS châu Á với kết quả xếp hạng thứ 201 - 250; nhưng đến 2016 đã có thêm 5 trường ĐH của Việt Nam được xếp hạng trong bảng xếp hạng, đó là ĐHQG TPHCM, Trường ĐH Cần Thơ, ĐH Huế và Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Đà Nẵng. Năm 2018, có 2 trường trong top 1.000 ĐH thế giới theo Bảng xếp hạng QS đó là ĐHQG TPHCM nằm trong nhóm 701 - 750 và ĐHQG Hà Nội được xếp vào nhóm 801 - 1.000.
Sắp xếp, tổ chức lại mạng lưới chưa hiệu quả như mong muốn
Mặc dù đã đạt một số kết quả, nhưng PGS Hoàng Minh Sơn cho rằng, quá trình triển khai Quy hoạch 121 và Quy hoạch 37 đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Bởi vậy, dù đã có rà soát, điều chỉnh mục tiêu và giải pháp để nâng cao chất lượng nhưng đến nay, do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, việc sắp xếp, tổ chức lại mạng lưới các cơ sở GD ĐH và đào tạo giáo viên còn rất hạn chế, cơ bản không hiệu quả như mong muốn.
Đó là số lượng các cơ sở GD ĐH tăng nhanh nhưng chất lượng đào tạo GD ĐH chưa có nhiều thay đổi. Các điều kiện đảm bảo chất lượng chưa được đáp ứng ở nhiều cơ sở GD ĐH. Hệ thống GD ĐH chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động. Sự phân bố các cơ sở GD ĐH dàn trải về mặt địa lý nhưng chưa phù hợp. Chưa có sự phân loại các cơ sở GD ĐH giúp định hướng cho đầu tư trọng điểm. Sự tham gia của khối các cơ sở giáo dục ngoài công lập trong phát triển hệ thống GD ĐH còn hạn chế. Hội nhập quốc tế trong GD ĐH cũng còn hạn chế...
Những nguyên nhân của hạn chế, bất cập nói trên đã được nhóm nghiên cứu chỉ ra. Theo đó, khả năng dự báo cung cầu nhân lực ở cấp quốc gia, cấp cơ sở đào tạo còn hạn chế và chưa được cơ sở GD ĐH coi trọng đúng mức; thiếu hệ thống thông tin quản lý để thúc đẩy công khai, minh bạch thông tin từ phía thị trường lao động, dẫn đến tính trạng mất cân đối trong cung cầu nguồn nhân lực. Số học sinh THPT tăng hàng năm, cùng tâm lý chuộng bằng cấp đã gây ra áp lực tăng quy mô đào tạo ĐH, dẫn đến tình trạng quy hoạch dàn trải.
Cách tiếp cận trong xây dựng Quy hoạch 121, Quy hoạch 37 đều dựa trên các chỉ tiêu về số lượng, không gian mà chưa tập trung vào sử dụng các công cụ đảm bảo chất lượng để quy hoạch; chưa lấy thông tin về thị trường lao động và cơ chế cạnh tranh về chất lượng, thương hiệu làm cơ sở chính để điều chỉnh số lượng cơ sở đào tạo, cơ cấu ngành nghề phù hợp với nhu cầu nguồn nhân lực; chưa đưa ra được chính sách để quản lý quy hoạch bao gồm việc giám sát các điều kiện đảm bảo chất lượng, đánh giá tình hình phát triển của mạng lưới so với nhu cầu của thị trường lao động.
Do đó, dẫn đến tình trạng một số cơ sở GD ĐH được thành lập mới hay nâng cấp một cách nhanh chóng, trong khi không được giám sát về các điều kiện đảm bảo chất lượng; chưa thường xuyên kiểm tra, đôn đốc và đánh giá kết quả thực hiện quy hoạch để có những điều chỉnh kịp thời. Việc triển khai sau quy hoạch thiếu sự sẵn sàng về đất đai, vốn đầu tư, nguồn nhân lực, cơ chế chính sách... nên một số trường sau khi được nâng cấp hoạt động chủ yếu dựa trên các điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý có sẵn hoặc có đầu tư bổ sung nhưng không đáng kể.
Bài 2: Cơ sở GD ĐH phải được sắp xếp trật tự và phân loại rõ ràng