Tháo gỡ những điểm then chốt cho giáo dục đại học

GD&TĐ - Cho ý kiến về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học (GD ĐH), bên cạnh việc nhất trí về sự cần thiết phải sửa Luật, các đại biểu Quốc hội đã tập trung thảo luận, cho ý kiến nhiều về các vấn đề như: Tự chủ ĐH, quy hoạch mạng lưới và xếp hạng các trường ĐH...

Tự chủ đại học là nền móng để các trường hội nhập và nâng cao chất lượng đào tạo
Tự chủ đại học là nền móng để các trường hội nhập và nâng cao chất lượng đào tạo

Bước tiến quan trọng về nâng cao chất lượng ĐH

Là người đầu tiên đăng ký phát biểu, đại biểu Triệu Thế Hùng (đoàn Lâm Đồng) ghi nhận và đánh giá cao tinh thần nghiêm túc và cầu thị của Ban soạn thảo Dự án Luật. Đại biểu nêu rõ, Luật GD ĐH năm 2012 là một đạo luật chuyên ngành đầu tiên điều chỉnh lĩnh vực về đào tạo nhân lực chất lượng cao; đã tạo được hành lang pháp lý cho việc vận hành và phát triển hệ thống GD ĐH. Tuy nhiên, sau 6 năm, môi trường pháp lý của nước ta đã có nhiều bước tiến quan trọng, cùng với sự vận động của thực tiễn GD ĐH, đã khiến cho một số quy định trong Luật GD ĐH đã không còn phù hợp. Vì vậy, đại biểu Triệu Thế Hùng tán thành với sự cần thiết và phạm vi sửa đổi như trong tờ trình của Chính phủ.

Tán thành với quan điểm này, đại biểu Nguyễn Thị Lan (đoàn TP Hà Nội) cho rằng, GD ĐH là một vấn đề lớn, trong khi Luật GD ĐH năm 2012 cũng đã bộc lộ một số bất cập, hạn chế cần được sửa chữa, bổ sung kịp thời trên tinh thần tiếp tục nâng cao chất lượng GD ĐH, đồng thời đẩy mạnh hơn nữa tiến trình hội nhập ngày càng sâu rộng hơn vào hệ thống GD ĐH thế giới, nhưng vẫn đảm bảo nền GD ĐH nhân bản, khai sáng và mang đậm cốt cách văn hóa Việt.

Đại biểu Nguyễn Thị Lan đánh giá, Dự thảo Luật lần này cũng đã quy định rõ hơn về quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm và cơ chế giải trình của các cơ sở GD ĐH. Đồng thời quy định rõ hơn về quản trị ĐH, các thiết chế quản trị ĐH, trách nhiệm của hội đồng trường. Đặc biệt, Dự thảo Luật đã quy định rõ việc các cơ sở GD ĐH được tự chủ, sử dụng một phần tài sản vào liên doanh, liên kết nhằm mục đích phát triển GD ĐH.

Gỡ khó về 3 trụ cột của tự chủ ĐH

“Tôi tán thành chủ trương thí điểm cơ chế sẽ không có bộ chủ quản cho một số trường ĐH sắp tới. Đây có thể xem là hình thức cao nhất của tự chủ ĐH. Trong trường hợp này cần có HĐT đủ quyền lực, đủ mạnh để đại diện sở hữu của Nhà nước và các bên có lợi ích liên quan tại cơ sở GD ĐH đó. Có như vậy, vai trò của HĐT mới thể hiện mạnh mẽ và giảm bởi sự ảnh hưởng của bộ chủ quan và tiến tới không còn vai trò của cơ quan này”.

 
Đại biểu Huỳnh Thành Đạt

Khẳng định Dự thảo Luật lần này đã thể hiện đầy đủ các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước đặt ra đối với GD ĐH trong giai đoạn mới, đại biểu Huỳnh Thành Đạt (đoàn TPHCM) cho rằng Luật ban hành sẽ góp phần tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn cho các cơ sở GD ĐH và cho các cơ quan quản lý về GD ĐH.

Góp ý về 3 trụ cột của tự chủ ĐH thể hiện ở Điều 32 Dự thảo Luật, đại biểu Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh:

Thứ nhất, tự chủ về hoạt động đào tạo và hoạt động khoa học, công nghệ, còn gọi là tự chủ học thuật. Theo đại biểu, cần quy định các cơ sở GD ĐH được chủ động trong việc mở và mở mới chương trình đào tạo được linh hoạt trong sử dụng phương thức đào tạo qua mạng kết hợp với phương thức truyền thống và các phương thức hiện đại khác. Để thích ứng với mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và đa dạng phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và Internet kết nối vạn vật phát triển mạnh mẽ như hiện nay.

Hai là nên quy định việc đưa kiến thức khởi nghiệp và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vào chương trình đào tạo. Đồng thời, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp trong môi trường ĐH để cho SV tốt nghiệp ra trường không chỉ có thể sớm tìm được việc làm tốt mà còn có thể tạo ra nhiều việc làm cho xã hội, góp phần khắc phục tình trạng SV ra trường hiện nay khó tìm việc làm, thất nghiệp.

“Nhân đây tôi nghĩ rằng, cũng nên công bằng đối với ngành GD trong nhận định và đánh giá về việc thất nghiệp. Theo tôi, Nhà nước và xã hội có trách nhiệm trong việc này là cần tạo ra nhiều việc làm cho SV, đồng thời Bộ GD&ĐT cần đẩy mạnh việc phân luồng để giảm bớt áp lực cho GD ĐH” – đại biểu Huỳnh Thành Đạt nêu quan điểm.

Trụ cột thứ ba mà đại biểu Huỳnh Thành Đạt góp ý, đó là tự chủ về hoạt động tài chính, tài sản. Theo đại biểu, tự chủ tài chính không có nghĩa là không còn sự đầu tư từ Nhà nước, mà Nhà nước vẫn tiếp tục đầu tư cho các cơ sở GD ĐH trên cơ sở kết quả xếp loại cơ sở GDĐH định hướng nghiên cứu, định hướng ứng dụng. Điều này được thể hiện ở Điều 7 bằng hình thức đặt hàng đào tạo, nghiên cứu khoa học, giao thực hiện các nhiệm vụ chiến lược, các dự án đầu tư phát triển...

Liên quan đến quy định Hội đồng trường (HĐT) được nêu trong Dự thảo Luật, đại biểu Trần Văn Mão (đoàn Nghệ An) nhận xét: So với Luật hiện hành thì Dự thảo lần này đã có nhiều điểm đổi mới, đặc biệt vấn đề tự chủ ĐH với việc thành lập HĐT và giao quyền nhiều hơn cho hiệu trưởng các trường ĐH. Tuy nhiên, theo đại biểu, trong Dự thảo chưa thấy thể hiện rõ việc giao quyền tự chủ, tự quyết cho HĐT khi đề cập cụ thể về HĐT như chức năng, cơ cấu vẫn có nhiều nội dung chưa được làm rõ trong luật.

Do vậy, đại biểu đề xuất, để thật sự xóa bỏ cơ chế cơ quan chủ quản đối với các cơ sở GD-ĐT và giao quyền cho HĐT, cần có cơ chế để HĐT hoạt động đúng với vai trò, chức năng. Đồng thời có cơ chế kiểm soát quyền lực của HĐT, tránh hình thành các nhóm lợi ích.

Cần quy hoạch và xếp hạng trường ĐH

Quy hoạch mạng lưới và xếp hạng các trường ĐH là một trong những vấn đề được các đại biểu thảo luận sôi nổi khi góp ý cho Dự thảo Luật. Theo đại biểu Hồ Thanh Bình (đoàn An Giang), xếp hạng đối với cơ sở GD ĐH nhằm góp phần phát triển lành mạnh các cơ sở GD ĐH, nhất là trong định chế kinh thế thị trường và trong xu thế tự chủ ĐH như hiện nay. Ở Việt Nam, hiện chưa có thông tin chính thống về xếp loại, phân hạng giữa các cơ sở GD ĐH, mặc dù việc này có quy định trong Luật GD ĐH hiện hành. Do đó, Nhà nước cần chủ động khuyến khích việc hình thành các hoạt động về xếp hạng, phân loại các cơ sở GD ĐH như Luật đã quy định. Ngoài ra, cần xếp hạng các cơ sở GD ĐH Việt Nam theo chuyên ngành. Đây là xếp hạng rất thiết thực để người học có thông tin chọn ngành, nhất là trong bối cảnh có nhiều trường với nhiều chủng loại ngành nghề khác nhau như hiện nay.

Cũng nhấn mạnh về sự cần thiết quy hoạch mạng lưới sắp xếp hệ thống GD ĐH, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng cần có một cuộc cách mạng thực sự trong quy hoạch và thực hiện cải tổ mạng lưới cơ sở GD ĐH, chỉ giữ và củng cố các trường ĐH công lập thực sự cần thiết; hạn chế phân tán, tập trung nguồn lực điều tiết chặt chẽ hơn để có được một số ĐH công lập có quy mô lớn hơn, chất lượng tốt hơn, mở rộng hệ thống các cơ sở GD tư thục theo tinh thần của Nghị quyết 29.

Ở một góc nhìn khác, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (đoàn An Giang) bày tỏ quan điểm: Chính phủ không nên tham gia trực tiếp hoạt động xếp hạng; bởi nếu vậy sẽ bị hạn chế, mất tính khách quan và hiệu quả xếp hạng này không cao. Theo đại biểu, cần thiết phải nên xây dựng một hệ thống chuẩn đối chiếu so sánh, giúp đánh giá các trường ĐH. Trong Luật sửa đổi cũng cần quy định rõ việc kiểm định chất lượng đối với GD ĐH. Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu nhấn mạnh đây là vấn đề cần thiết phải bổ sung trong Luật GD ĐH sửa đổi.

“Dự thảo Luật lần này đã có những bước tiến quan trọng về cách tiếp cận, tư tưởng chỉ đạo, phản ánh tư duy mới về nâng cao chất lượng ĐH; thể chế hóa rõ nét hơn quan điểm đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, trong đó có GD ĐH của Đảng và Nhà nước”. Đại biểu Nguyễn Thị Lan

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ