Cử tri quan tâm tới quy hoạch mạng lưới trường Đại học

GD&TĐ - Một số cử tri nêu kiến nghị về việc quy hoạch lại mạng lưới các trường ĐH trên phạm vi cả nước và có chiến lược ngành nghề đào tạo ở các trường ĐH cho phù hợp với nhu cầu xã hội trong thời kỳ hội nhập, tránh tình trạng sinh viên ra trường không có việc làm, gây lãng phí cho gia đình và xã hội, đặc biệt là ngành sư phạm.

Cử tri quan tâm tới quy hoạch mạng lưới trường Đại học

Về vấn đề này, Bộ GD&ĐT cho biết:

Hiện Bộ đang khẩn trương hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án quy hoạch mạng lưới cơ sở GD ĐH và đào tạo giáo viên giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2035 theo Luật quy hoạch và định hướng của Nghị quyết 19-NQ/TW theo các hướng:

Xây dựng, ban hành quy chuẩn các cơ sở GD ĐH và kiểm tra, đánh giá các điều kiện đảm bảo chất lượng của các cơ sở GD ĐH so với quy chuẩn;

Triển khai các hoạt động kiểm định chất lượng GD làm cơ sở để đánh giá, phân loại chất lượng các cơ sở GD ĐH. Đây sẽ là một trong các kênh thông tin để thực hiện quy hoạch lại và đảm bảo chất lượng đào tạo trong toàn hệ thống GD ĐH;

Tiến hành thống kê và công khai thông tin về các điều kiện đảm bảo chất lượng của tất cả các cơ sở GD ĐH và kết quả kiểm định chất lượng để các cơ quan quản lý Nhà nước tiến hành tổ chức, sắp xếp lại mạng lưới các cơ sở GD ĐH theo một trong các hình thức sau: Điều chỉnh quy mô đào tạo phù hợp với điều kiện đảm bảo chất lượng của cơ sở đào tạo. Sáp nhập và tổ chức lại các cơ sở không đáp ứng các điều kiện đảm bảo chất lượng để tăng cường năng lực đào tạo. Giải thể trường: Các trường không đạt quy chuẩn đảm bảo chất lượng tối thiểu, nhưng không có giải pháp khắc phục sẽ bị dừng tuyển sinh và tiến hành các thủ tục giải thể trường phù hợp với quy định.

Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT cũng chỉ đạo tăng cường tự chủ và trách nhiệm giải trình của cơ sở đào tạo, nhằm giúp các trường chủ động xác định nhu cầu lao động của thị trường và dự báo nhu cầu nhân lực theo các phân khúc khác nhau; từ đó xác định rõ mục tiêu đào tạo của từng ngành đào tạo cụ thể, đáp ứng với từng phân khúc lao động của thị trường, tránh tình trạng đào tạo không rõ địa chỉ sử dụng.

Bộ GD&ĐT cũng chỉ đạo các trường đổi mới công tác xây dựng chương trình đào tạo, trong đó có sự tham gia của các nhà quản lý, các nhà sử dụng lao động; tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp để gắn đào tạo với nhu cầu của thị trường lao động trong và ngoài nước. Yêu cầu các cơ sở GD ĐH báo cáo tỷ lệ việc làm của SV hằng năm, làm cơ sở định hướng cho một số hoạt động quản lý giáo dục như: Xác nhận chỉ tiêu tuyển sinh, mở ngành đào tạo, điều chỉnh chương trình đào tạo đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động, kiểm định chất lượng GD.

Bộ GD&ĐT cũng cho biết, hiện đang xây dựng Chiến lược tổng thể phát triển GD ĐH giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2035, làm cơ sở cho việc phát triển hệ thống GD ĐH của nước ta trong dài hạn.

Ý kiến của một số cử tri lại tập trung vào đề xuất Bộ GD&ĐT cần xem xét lại Đề án đào tạo 9.000 tiến sĩ với kinh phí 12.000 tỉ đồng có khả thi hay không, để tránh trường hợp đào tạo tốn nhiều kinh phí và hiệu quả không cao.

Về vấn đề này, Bộ GD&ĐT trả lời như sau:

Hiện nay tỉ lệ, giảng viên trong các cơ sở GD ĐH có trình độ tiến sĩ còn thấp, mới đạt khoảng 22,68%. Trong khi đó, tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ ở các trường ĐH nhiều nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới trên 50%, có nước đạt trên 70% (Malaysia năm 2010 đạt 73%).

Để nâng cao trình độ giảng viên ĐH, Bộ GD&ĐT đã trình Thủ trướng Chính phủ Đề án nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên các cơ sở GD ĐH và các cơ sở đào tạo giáo viên. Đề án không nêu cụ thể về kinh phí mà thực hiện theo cơ chế: Nhà nước cấp một khoản kinh phí (như Quốc hội đã phê chuẩn) dưới dạng các học bổng/trợ cấp theo quy định; các cơ sở GD ĐH hỗ trợ một phần kinh phí (trợ cấp sinh hoạt, phụ cấp…); người học đóng góp một phần kinh phí đào tạo; các nguồn kinh phí hợp pháp khác.

(Còn tiếp)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ