GS.TS Trần Văn Nam: “Cần có thêm một chương dành riêng về doanh nghiệp trong đào tạo nhân lực”

GD&TĐ - Đó là đề xuất của GS.TS Trần Văn Nam - Giám đốc ĐH Đà Nẵng - khi trao đổi với báo GD&TĐ về định hướng sửa đổi Luật Giáo dục đại học (GDĐH) mà Bộ GD&ĐT đang triển khai. 

GS.TS Trần Văn Nam: “Cần có thêm một chương dành riêng về doanh nghiệp trong đào tạo nhân lực”

Ông cho rằng, Luật GD ĐH 2012 và các văn bản thi hành nhìn chung đã tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho hoạt động của ngành GD ĐH. Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng cho thấy, một vài quy định đến nay đã không còn phù hợp, cần thiết phải được sửa đổi, bổ sung.

Xếp hạng ĐH nên là công cụ cạnh tranh

Theo GS, những điểm nào cần được bổ sung, thay thế hoặc điều chỉnh trong Luật GD ĐH 2012?

Luật GD ĐH quy định Chính phủ thực hiện công nhận kết quả xếp hạng ĐH là chưa phù hợp với xu thế của thế giới và có thể sẽ tạo ra sự nghi vấn của dư luận xã hội về sự trung thực của kết quả xếp hạng. Trên thực tế, xếp hạng là một công cụ để tạo thêm động lực cạnh tranh giữa các trường, cung cấp cho xã hội một kênh thông tin tham khảo, không nhất thiết phải là một công cụ quản lý về GD của Nhà nước. Vì vậy, Nhà nước nên đóng vai trò quản lý chung ở tầm vĩ mô, kết quả xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học (CSGDĐH) nên độc lập với cơ quan Nhà nước sẽ phù hợp để được sử dụng như một công cụ tăng cường trách nhiệm từ phía nhà trường và hướng các trường đi theo những trọng tâm mà Nhà nước mong muốn.

Ngoài ra, cũng cần có thêm một chương dành riêng về doanh nghiệp (DN) trong công tác đào tạo nguồn nhân lực. Nhân lực là nguồn lực có vai trò cực kỳ quan trọng, quyết định sự thành công hay thất bại của mọi tổ chức và mọi quốc gia. Thực tế đã chứng minh những thành công ở nhiều quốc gia mà sự thịnh vượng này bắt nguồn từ việc đầu tư và làm giàu nguồn nhân lực như Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản…

Sự đi lên, phát triển của các quốc gia này nhờ vào việc đầu tư vào phát triển con người. Đào tạo nhân lực thành công có vai trò rất lớn của cộng đồng DN và xã hội. Vì vậy, luật cần có những quy định để DN có trách nhiệm với các CSGDĐH và tham gia đóng góp đối với sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực chứ không chỉ sử dụng nguồn nhân lực do nhà trường đào tạo như một lẽ đương nhiên. Luật nên tạo cơ hội “win-win” cho cả hai phía trường ĐH lẫn DN. Chẳng hạn DN giúp nhà trường trong việc thực tập của SV, hướng dẫn SV sớm tiếp cận thực tế, giúp cán bộ giảng viên và SV cập nhật những tiến bộ khoa học công nghệ mới, giúp nhà trường cập nhật điều chỉnh chương trình đào tạo, hỗ trợ học bổng cho SV, hỗ trợ nâng cấp cơ sở hạ tầng, phòng thí nghiệm… phục vụ đào tạo cho nhà trường, hỗ trợ kinh phí nghiên cứu.

Ngược lại, nhà trường có thể hỗ trợ cho DN các ý tưởng khoa học công nghệ của SV hoặc giảng viên, hợp tác trong nghiên cứu khoa học, giải quyết các vấn đề thực tiễn mà DN cần, cung cấp cho DN nguồn nhân lực phù hợp, tiết giảm chi phí đào tạo thêm hoặc đào tạo lại cho nhân lực tuyển mới tại DN…

Để sự nghiệp đào tạo nhân lực, đào tạo ĐH ở nước ta đáp ứng được các yêu cầu hội nhập quốc tế cao như hiện nay, đặc biệt là của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, luật nên có riêng một chương về DN trong công tác đào tạo nguồn nhân lực. Ở điều 12, về chính sách của Nhà nước về phát triển GD, chúng tôi cũng đề nghị bổ sung nội dung “Nhà nước sẽ giảm thuế cho những khoản chi của các tổ chức dành cho hỗ trợ đào tạo nhân lực”. Đây là chính sách giúp cho các DN và các tổ chức thực sự có trách nhiệm với hoạt động đào tạo.

Cơ quan ĐH vùng cần được tự chủ cao hơn

Thưa GS, phải đến Luật GD ĐH 2012 thì mới có định nghĩa mô hình ĐH vùng. Tuy nhiên, vai trò thực chất cũng như tính tự chủ của ĐH vùng vẫn chưa được chỉ rõ?

Mô hình ĐH hai cấp có những ưu điểm nổi bật là ĐH đa ngành, đa lĩnh vực, sử dụng chung CSVC, sử dụng cán bộ chung, liên thông giữa các ngành đào tạo, đẩy mạnh được hợp tác quốc tế, ưu thế về xếp hạng… Một trường ĐH trong đó tập hợp nhiều ĐH cũng là hướng đi của nhiều ĐH trên thế giới. Hiện cả nước có ĐH Thái Nguyên và ĐH Huế, ĐH Đà Nẵng hoạt động theo mô hình ĐH vùng với cơ chế có nhiều lợi thế như tối ưu hóa trong sử dụng và huy động nguồn lực giúp tập trung chuyên môn hóa, có điều kiện nghiên cứu chuyên sâu, đầu tư được các công trình lớn mà sự đầu tư nhỏ giọt của các trường riêng lẻ khó có thể thực hiện được.

Tuy nhiên, với Luật GD ĐH, quyền tự chủ của ĐH vùng đã giảm sút rất nhiều và gần như tương đương với các trường độc lập khác trực thuộc Bộ GD&ĐT, vì vậy các trường ĐH thuộc ĐH vùng sẽ có vị thế yếu hơn mặc dù theo Luật GD ĐH là tương đương. Cùng với Luật GD ĐH năm 2012 và Thông tư 08/2014 của Bộ GD&ĐT về quy chế tổ chức hoạt động của ĐH vùng và CSGDĐH, ĐH Đà Nẵng đã thực hiện phân cấp mạnh cho các CSGDĐH thành viên trong tổ chức cán bộ, quản lý đào tạo, quản lý ngân sách, đầu tư xây dựng cơ bản.

Với việc trao nhiều quyền tự chủ hơn cho các CSGDĐH thành viên, cơ quan ĐH vùng trở thành cấp trung gian chuyển giao thông tin lên Bộ chủ quản; vai trò điều hành chiến lược và điều phối hoạt động của ĐH vùng bị giảm sút, tạo nguy cơ làm giảm hiệu quả theo quy mô. Các quy định liên quan đến mối quan hệ giữa ĐH vùng với các đơn vị thành viên, quan hệ giữa ĐH vùng và Bộ GD&ĐT gây khó khăn trong việc khó huy động và tập trung các nguồn dài hạn vào những mục tiêu phát triển chung mang tính chiến lược của cả ĐH vùng.

Chính vì vậy, ĐH vùng cần được tự chủ cao hơn để thực hiện vai trò điều phối, quản lý sử dụng hiệu quả các nguồn lực sử dụng chung. Nếu như với cách làm hiện nay theo Thông tư 08/2014 của Bộ GD&ĐT thì vai trò của ĐH vùng đang bị suy giảm. Do vậy, cần thiết tăng cường quyền tự chủ thực sự cho các ĐH trong đó có ĐH vùng. Nếu có thể trao cho ĐH vùng cơ chế hoạt động như ĐH Quốc gia, tự chủ như ĐH Quốc gia thì tốt hơn.

Thưa GS, có ý kiến cho rằng, Hội đồng trường ở các trường ĐH công lập khó đảm bảo hiệu quả cũng như sự độc lập trong hoạt động. Quan điểm của GS về vấn đề này?

Trong Luật GD ĐH và Điều lệ trường ĐH đã chỉ ra vai trò của Hội đồng trường và xem đây là một mắt xích quan trọng trong quản trị ĐH. Tuy nhiên, từ thực tiễn hoạt động của các CSGDĐH cho thấy, Chủ tịch Hội đồng trường rất khó làm rõ vai trò của mình, vì thực tế phần lớn Hiệu trưởng là Bí thư Đảng ủy trường, điều này đã làm cho vai trò của Chủ tịch Hội đồng trường bị mờ nhạt, và vì thế nên cơ cấu Chủ tịch Hội đồng trường là Bí thư Đảng ủy và Hiệu trưởng không phải là Bí thư Đảng ủy.

Nhằm quản trị hiệu quả và nâng cao tính tự chủ, các CSGDĐH nên được tổ chức, quản lý như mô hình một công ty, với các cơ chế hoạt động và giám sát hiệu quả. Do đó, cần tăng vai trò của Hội đồng trường để có cơ chế giám sát tốt hơn, bên cạnh vai trò của Hiệu trưởng. Đồng thời, Hội đồng trường cũng cần có một hành lang pháp lý để vận hành thống nhất, do đó việc bổ sung quy định về tổ chức cuộc họp tại Điều lệ nhà trường như triệu tập; điều kiện, thể thức tiến hành cuộc họp, thông qua nghị quyết… là cần thiết.

Xin cảm ơn GS.TS!

GS.TS Trần Văn Nam: “Cần có thêm một chương dành riêng về doanh nghiệp trong đào tạo nhân lực” ảnh 1GS.TS Trần Văn Nam
 
Trong quy hoạch mạng lưới cơ sở GD ĐH (Điều 11 - PV), cần bổ sung nội dung: “…Vị trí địa lý, sự phát triển kinh tế - xã hội của từng vùng lãnh thổ trên toàn quốc…” vì mạng lưới trường ĐH không chỉ theo dân số, vị trí địa lý mà gắn rất chặt với sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng, nếu theo tiêu chí dân số và địa lý sẽ dẫn đến khuynh hướng ĐH hóa hầu hết các tỉnh như hiện nay, ngay cả những địa phương chưa phát triển. Điều này dẫn đến ngày càng tăng số người tốt nghiệp không tìm được việc làm và không phát triển nghề nghiệp. - GS.TS Trần Văn Nam

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ