Nhắc đến Ai Cập là nói tới nền văn hóa mai táng độc đáo: Ướp xác và lăng mộ kim tự tháp. Đến nay, giới khảo cổ phát hiện tổng cộng 138 kim tự tháp lớn nhỏ khác nhau. Chúng là nơi an nghỉ của các Pharaoh.
Nếu một số đức vua của văn minh Đông Á (ví dụ như Tần Thủy Hoàng, Hán Vũ Đế) điên cuồng tìm kiếm thuốc trường sinh bất lão, thì các Pharaoh Ai Cập cổ đại lại lo làm sao sau khi chết được lên Aaru.
Tín ngưỡng Ai Cập cổ đại miêu tả, Aaru là “mảnh đất sung sướng”. Tại đó, có dòng sông đầy nước, núi non, cánh đồng tươi tốt. Cây lúa mạch cao 60m bén đất màu mỡ. Song muốn tới được đây phải vượt qua muôn vàn thử thách. Chúng được tập hợp trong “Tử thư Ai Cập”, bách khoa âm giới của người sông Nile.
“Tử thư Ai Cập” có mặt từ khoảng Thế kỷ III trước Công nguyên. Ban đầu, nó là những bức tranh chữ tượng hình kèm hình vẽ minh họa khắc trên tường lăng mộ của các Pharaoh.
Nội dung phác họa thế giới bên kia, bao gồm các cửa ải âm ti rùng rợn. Linh hồn người chết phải thông qua hết các cửa ải này thì mới lên được Aaru.
Phát hiện sớm nhất về “Tử thư Ai Cập” là bản khắc trên tường các kim tự tháp lăng mộ thuộc Vương triều Đệ Tam (2670 - 2613 TCN). Kể từ Vương triều Đệ Thập Nhị (1991 - 1802 TCN), nội dung này được chép sang cuộn cói.
“Tử thư Ai Cập” là ghi chép dành riêng cho người chết. Ban đầu, nó chỉ được dùng cho giới vương tộc. Nội dung bao gồm các cửa ải âm ti, câu thần chú tương ứng với từng cửa ải, phương pháp vượt qua và hình vẽ minh họa.
Quan tư tế của mỗi triều đại đều có trách nhiệm khắc tất cả lên tường lăng mộ kim tự tháp. Họ cũng kiêm luôn nhiệm vụ đọc “tử thư” trong suốt quá trình ướp xác. Mục đích là giúp người chết ghi nhớ thứ tự hành trình vượt qua cõi âm.
Bách khoa âm giới
Thần Osiris, Diêm Vương phiên bản Ai Cập. |
Văn hóa Ai Cập có mê cung phán xét linh hồn. Họ chắc mẩm, đường qua thế giới bên kia đầy rẫy hiểm họa. Mọi tội trạng mà con người phạm phải lúc còn sống đều là trở ngại lúc qua đời. Chúng bao gồm từ các “tiểu tội” như nóng nảy, gian dối, làm người khác khóc đến “đại tội” như giết người, tàn sát động vật thiêng, reo rắc nỗi ai oán, khủng bố…
Một Pharaoh tất không thể thiếu các tội lỗi lớn. Vị vua nào cũng muốn xây cất hầm mộ khổng lồ. Ngoại trừ là nơi yên nghỉ, kim tự tháp còn đóng vai trò dẫn lối linh hồn Pharaoh lên Aaru.
Theo tín ngưỡng Ai Cập cổ đại, linh hồn người chết chưa lập tức rời cơ thể. Họ vẫn nán lại cho đến khi được tiến hành nghi thức “Mở miệng”.
Quan tư tế dùng lưỡi dao chẻ đôi (như hình lưỡi rắn) hoặc lưỡi dao cong (như hình con rắn) cạy miệng và mở mắt cho xác ướp. Họ tin rằng sau khi được mở miệng và mắt, linh hồn có khả năng nói, nhìn, nghe, thở như người sống.
Thế giới âm ti nằm trong màn đêm. Lúc Mặt trời lặn cũng là khi linh hồn lên đường. Họ bước lên chiếc thuyền Re, khởi hành từ phía tây sang phía đông (ngược hướng Mặt trời mọc).
Trên chuyến thuyền này, linh hồn phải đối mặt với vô vàn nguy hiểm. Đáng sợ nhất là sự quấy phá của xà quái Apep. Nó âm mưu đảo lộn âm dương, liên tục xuất hiện chặn đường thuyền Re.
Linh hồn người chết phải ghi nhớ và nhẩm đọc câu thần chú, “Ta sẽ không chậm chạp vì ngươi. Ta sẽ chẳng yếu đuối vì ngươi. Chất độc của ngươi sẽ không thể xâm nhập vào ta, bởi ta là người của Thần Atum”. Có như vậy mới xin được sự trợ giúp từ thần linh, an toàn đến “mê cung suối vàng”.
Kim chỉ nam dẫn lối linh hồn
Lúc đầu, nội dung của “Tử thư Ai Cập” khá sơ sài. Càng về sau, chúng càng phức tạp, lên đến 190 chương. Mỗi chương tương ứng với một bước trong nghi thức mai táng hoặc cửa ải cõi âm. Chúng miêu tả rõ ràng các gian nan, kèm theo hình vẽ minh họa và câu thần chú.
Từ khoảng năm 1500 TCN, đối tượng được chôn cất chung với “tử thư” mở rộng, bao gồm cả thương nhân, quý tộc lẫn giới bình dân.
Đổi lại, cư dân Ai Cập cổ phải bỏ tiền ra thuê các quan tư tế chép “tử thư” vào cuộn cói. Tuy chữ tượng hình ở Ai Cập xuất hiện rất sớm (khoảng năm 3200 TCN), đa phần người Ai Cập cổ đại đều không biết chữ. Họ bắt buộc phải nhờ cậy các tư tế viết giúp, song không nhất thiết phải đủ cả 190 chương.
Trở lại với đường qua âm giới. “Mê cung suối vàng” là lớp lớp các cánh cửa đóng kín. Chúng chỉ mở ra, cho phép người chết đi qua nếu họ đọc đúng câu thần chú tương ứng với mỗi cửa. Sau khi lần lượt bước qua toàn bộ các cánh cổng, linh hồn tiến vào “Hội trường hai sự thật”. Trước mắt họ là vị thần địa phủ tối cao Osiris. Ngài chủ trì hội đồng phán quyết tội trạng của người chết cùng với 41 vị thần khác.
“Hội đồng hai sự thật” có bản cáo trạng liệt kê tất tần tật các tội của linh hồn. Người chết được phép phản biện. Các vị thần lắng nghe, nhưng không dựa vào lời biện minh mà đưa ra phán xét cuối cùng. Họ bắt linh hồn phải bước vào cửa ải “Thử thách trái tim”, lấy chính trái tim của mình ra đặt lên bàn cân. Độ nặng của quả tim bằng với mức tội lỗi.
Người chịu trách nhiệm “cân tim” là Thần Anubis. Ông giữ cán cân hai đầu, một đầu đặt sẵn chiếc lông đà điểu của Maat (nữ thần công lý), nó đại diện cho sự vô tội. Đầu còn lại để dùng đặt trái tim của người chết.
Nếu đầu cân đặt trái tim hạ xuống thấp hơn, linh hồn có tội. Họ phải đối mặt với sự trừng phạt. Hình thức xử phạt đáng sợ nhất là ăn phân của chính mình vĩnh viễn. Kế tiếp là bị luộc trong nước sôi, thú hoang xé thịt, đói khát triền miên…
Người Ai Cập lo nhất “ải cân tim”. Họ không bao giờ quên làm bùa hộ mệnh, đặt trên ngực thi thể, đúng vị trí trái tim trước khi tiến hành quấn băng xác ướp.
Mặt bùa hộ mệnh chép câu thần chú, “Ôi trái tim được mẹ hiền trao tặng của ta! Ôi trái tim của những tuổi đời khác biệt! Đừng làm nhân chứng chống lại ta! Đừng thù địch ta trước tòa án! Đừng phản bội ta trước sự chứng kiến của vị thần cầm cân”.
Còn nếu hai bên cân thăng bằng, linh hồn là người thành thật. Họ lập tức được đưa lên Aaru, hưởng phúc vĩnh hằng.