Đây là dự án xây dựng trường THCS trong khu chức năng đô thị Tây Tựu (THCS-01) với giá trị lên đến gần 100 tỉ đồng.
Gợi ý đáp án?
Phóng viên Báo GD&TĐ tiếp nhận hồ sơ đã thẩm định số 55 của Ban quản lý Đầu tư Xây dựng quận Bắc Từ Liêm ký ngày 4/6/2020. Đây là hồ sơ gói thầu số 7 với tên gọi: “Toàn bộ phần xây lắp và mua sắm, lắp đặt thiết bị công trình”. Gói thầu này nằm trong “Dự án Xây dựng trường trung học cơ sở trong khu chức năng đô thị Tây Tựu (THCS-01)”.
Sau đó, ngày 10/7, Ban quản lý Đầu tư Xây dựng – UBND quận Bắc Từ Liêm đã có Quyết định số 229 về việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu cho gói thầu số 7. Điều 1 quyết định này ghi rõ: “Tên nhà thầu trúng thầu: Liên danh Công ty Cổ phần Phát triển đầu tư xây dựng Việt Nam và Công ty Cổ phần Bá Dương Nội và Công ty TNHH thiết bị trường học Nam Anh và Công ty Cổ phần tư vấn năng lượng điện 2 - 9 và Công ty TNHH cơ điện Thái An và Công ty Cổ phần Môi trường cây xanh đô thị - VPT”.
Cũng theo quyết định này: “Giá trúng thầu: 99.520.980.000 đồng. Loại hợp đồng: Theo đơn giá điều chỉnh. Thời gian thực hiện hợp đồng: 586 ngày”.
Tại hồ sơ mời thầu đã thẩm định, Ban quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng quận Bắc Từ Liêm đã đưa ra yêu cầu phải mua sắm các sản phẩm có nhãn hiệu cụ thể như “Loa cột TZ205, Amly Toa A2060 công suất 60W, Loa hội trường JBL JRX215, công suất Soudking AE2200”...
Bên mời thầu cũng yêu cầu các sản phẩm phải có xuất xứ rõ ràng như: “Màn hình LED 4K tương tác 75 tương đương INNO, xuất xứ tương đương Trung Quốc” được lắp ráp tại nhà máy INNO Trung Quốc theo tiêu chuẩn ISO 9001, CE, FCC and ROHF”.
Phần mềm thư viện học liệu mô phỏng tương tác 2D Sensavis Visual Learning tool (Thuỵ Điển). Phần mềm phải do Tập đoàn Sensavis - Thụy Điển sản xuất. Phần mềm nội dung học liệu tương tác Smartclass+ yêu cầu sản xuất tương đương Canada.
Ngoài ra, có thể liệt kê nhiều chi tiết trong hồ sơ mời thầu có nêu cụ thể nhãn hiệu, xuất xứ sản phẩm như ổn áp Lioa SH 2000 có hãng sản xuất tương đương Lioa. Loa Mixer tương đương Yamaha MG12XU...
Trái quy định pháp luật
Việc bất thường trong hồ sơ mời thầu có thể khiến ai đó nghĩ rằng, Ban quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng quận Bắc Từ Liêm đã cố tình “vượt rào” pháp luật trong lĩnh vực đấu thầu. Bởi có nhiều văn bản pháp luật nghiêm cấm việc đưa ra yêu cầu về nguồn gốc, xuất xứ sản phầm mà người làm đấu thầu không thể không biết.
Cụ thể, tại Điểm i, Khoản 6, Điều 89 quy định về “Các hành vi bị cấm trong đấu thầu” của Luật Đấu thầu quy định: “Không bảo đảm công bằng, minh bạch bao gồm các hành vi sau đây: i) Nêu yêu cầu cụ thể về nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa trong hồ sơ mời thầu đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp hoặc gói thầu hỗn hợp khi áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi”.
Tại Mục 7, Khoản 5, Điều 12, nghị định 63/2014//NĐ-CP Hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu cũng quy định: “Hồ sơ mời thầu không được nêu yêu cầu về nhãn hiệu, xuất xứ cụ thể của hàng hóa”.
Thông tư số 05//2015/TT-BKHĐT cũng quy định bên mời thầu “không được đưa ra các điều kiện nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng như nêu nhãn hiệu, xuất xứ cụ thể của hàng hóa, kể cả việc nêu tên nước, nhóm nước, vùng lãnh thổ gây ra sự phân biệt, đối xử”.
Ngoài ra, Chỉ thị số 47/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh công tác đấu thầu cũng nhấn mạnh một lần nữa là các bên mời thầu không được yêu cầu về nhãn hiệu, xuất xứ cụ thể của hàng hóa...
Như vậy, hệ thống pháp luật từ Luật, Nghị định, Thông tư và Chỉ thị đã thống nhất nội dung nghiêm cấm bên mời thầu đưa ra yêu cầu cụ thể về sản phẩm hàng hóa khi áp dụng đấu thầu rộng rãi. Vì vậy, việc Ban quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng quận Bắc Từ Liêm vẫn đưa ra yêu cầu về nguồn gốc, xuất xứ cụ thể của hàng hóa là điều bất thường và khó hiểu.
Để tìm lời giải thích cho vấn đề này, Báo Giáo dục & Thời đại đã liên hệ đến UBND quận Bắc Từ Liêm và Ban quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng quận Bắc Từ Liêm. Nhưng đến nay, các bên liên quan vẫn chưa có giải thích nào để rộng đường dư luận.