Đấu thầu mua sắm thiết bị trường học ở Lai Châu: Nhà thầu cố ý hiểu sai

GD&TĐ - Sở GD&ĐT tỉnh Lai Châu vừa tiến hành đấu thầu 2 gói mua sắm thiết bị trường học để chuẩn bị cho năm học mới. Một đơn vị tham gia cho rằng, bên mời thầu có “yêu cầu lạ” nhằm hạn chế sự cạnh tranh. Sở GD&ĐT Lai Châu khẳng định chính nhà thầu đã cố ý hiểu sai, làm ảnh hưởng đến uy tín của bên mời thầu.

Do là tỉnh miền núi, biên giới khó khăn nên việc mua sắm trang thiết bị phục vụ học tập là hết sức bức thiết.
Do là tỉnh miền núi, biên giới khó khăn nên việc mua sắm trang thiết bị phục vụ học tập là hết sức bức thiết.

Vô tình hay hữu ý làm ngơ?

Ngày 23/7, Sở GD&ĐT Lai Châu đã phát thông báo mời 2 gói thầu số 5 và 6 thông qua mạng đấu thầu quốc gia. Gói số 5 là mua sắm bổ sung trang thiết bị dạy học, phòng ngoại ngữ đa chức năng, đồ dùng bán trú cho các trường tiểu học, THCS, THPT. Gói số 6 là mua sắm bổ sung thiết bị dạy học tối thiểu lớp 1, đồ dùng bán trú cho các trường TH và THCS.

Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Sỹ Cường (Cty Sỹ Cường) có địa chỉ tại phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội cho rằng, một số yêu cầu trong hồ sơ mời thầu (HSMT) đã vi phạm quy định của Luật Đấu thầu. Cty Sỹ Cường dẫn chứng tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu (HSDT) của cả 2 gói thầu có yêu cầu: “Nhà thầu phải có giấy phép bán hàng của nhà sản xuất hoặc giấy chứng nhận quan hệ đối tác hoặc các tài liệu khác có giá trị tương đương, đối với các sản phẩm (máy chiếu, máy tính, đàn organ, bộ khuếch đại âm thanh không dây, hệ thống lọc nước RO, hệ thống nồi hơi), Giấy phép bán hàng hoặc Quyết định xuất bản đối với các bộ tranh”. 

Cty Sỹ Cường cho rằng, yêu cầu trên là vô lý, làm giảm tính cạnh tranh và hạn chế sự tham gia của nhà thầu. 

Sở GD&ĐT Lai Châu cho rằng, Cty Sỹ Cường kiến nghị là không đúng với yêu cầu của E-HSMT. Theo quy định, E-HSMT là HSMT, hồ sơ yêu cầu, bảng yêu cầu báo giá đối với gói thầu áp dụng lựa chọn nhà thầu qua mạng. E-HSDT - là HSDT, hồ sơ đề xuất, báo giá đối với gói thầu áp dụng lựa chọn nhà thầu qua mạng.   

Hàng hóa thuộc 2 gói thầu trên được cấp cho các trường trên địa bàn tỉnh Lai Châu, là những đơn vị có điều kiện rất khó khăn. Vì vậy, phải gắn trách nhiệm của đơn vị sản xuất, cung cấp với các sản phẩm chào thầu có yêu cầu kỹ thuật đặc thù trong việc bảo hành, bảo trì sản phẩm. 

Theo tiêu chuẩn đánh giá E-HSDT của E-HSMT của 2 gói thầu yêu cầu đối với gói số 5: “Nhà thầu có các cam kết của nhà sản xuất hoặc cam kết của đại lý phân phối trong việc hỗ trợ kỹ thuật đối với các sản phẩm máy chiếu, tivi, máy tính, hệ thống nồi hơi, hệ thống âm thanh trong phòng học, phòng học thông minh và phòng ngoại ngữ đa chức năng mà nhà thầu chào thầu trong E-HSDT”. 

Còn đối với gói thầu số 6: “Nhà thầu có các cam kết của nhà sản xuất hoặc cam kết của đại lý phân phối trong việc hỗ trợ kỹ thuật đối với các sản phẩm máy chiếu, máy tính, đàn organ, bộ khuếch đại âm thanh không dây, hệ thống lọc nước RO, hệ thống nồi hơi mà nhà thầu chào thầu trong E-HSDT”. 

Sở GD&ĐT Lai Châu khẳng định, Cty Sỹ Cường đã cố ý hiểu sai việc yêu cầu hỗ trợ kỹ thuật thành: “Nhà thầu phải có giấy phép bán hàng của nhà sản xuất hoặc giấy chứng nhận quan hệ đối tác hoặc các tài liệu khác có giá trị tương đương”. 

Gây khó hay nhà thầu không đủ năng lực?

Cty Sỹ Cường còn cho rằng, tiêu chuẩn đánh giá HSDT của cả 2 gói thầu yêu cầu việc cung cấp hàng mẫu trong thời gian rất ngắn và trị giá lớn, lên tới gần 1 tỷ đồng/1 gói thầu, gây rất nhiều khó khăn cho nhà thầu. 

Sở GD&ĐT Lai Châu cho biết, kiến nghị trên là không có cơ sở. Bởi đối với các nhà thầu có E-HSDT hợp lệ và được đánh giá là “Đạt” về năng lực và kinh nghiệm. Khi các tiêu chí đánh giá về mặt kỹ thuật được đánh giá là “Đạt” sẽ phải cung cấp hàng mẫu cho bên mời thầu trong quá trình đánh giá E-HSDT. Như vậy, chỉ các nhà thầu có E-HSDT hợp lệ, đạt yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm và đạt các yêu cầu về kỹ thuật mới phải cung cấp hàng mẫu để bên mời thầu đối chiếu với thông số kỹ thuật đã kê khai trong E-HSDT. 

Căn cứ các Quyết định phê duyệt E-HSMT và Quyết định sửa đổi E-HSMT của 2 gói thầu nói trên thì thời gian chuẩn bị E-HSMT của mỗi gói thầu là 27 ngày (chưa tính thời gian đánh giá E-HSDT theo quy định). Ngoài ra, chính Cty Sỹ Cường cũng khẳng định “các thiết bị của hai gói thầu đều là thiết bị dùng cho cấp học mầm non, tiểu học, THCS, THPT là loại thiết bị hàng hóa thông thường, không có gì phức tạp và được bán rộng rãi trên thị trường Việt Nam”. Vì thế, các đơn vị có năng lực hoàn toàn có đủ thời gian, điều kiện để chuẩn bị hàng mẫu theo yêu cầu. 

Yêu cầu này đảm bảo tính cạnh tranh, công bằng cho mọi nhà thầu muốn tham dự thầu. 

Cơ sở vật chất nhiều nơi còn tạm bợ.
Cơ sở vật chất nhiều nơi còn tạm bợ.

Không có chuyện ngầm “chỉ định”

Cty Sỹ Cường băn khoăn về bảng mô tả thông số kỹ thuật một số hàng hóa của 2 gói thầu. Đơn vị này cho rằng bên mời thầu đã gián tiếp “chỉ định thầu”. Tuy nhiên, tại Phụ lục I của E-HSMT cũng đã nêu rất rõ: “Đối với các hàng hóa có mô tả về kích thước (dài, rộng/sâu, cao, đường kính, độ dày), trọng lượng/khối lượng nhưng chưa nêu rõ về giới hạn tăng giảm kích thước, trọng lượng/khối lượng cho phép thì số đo kích thước, trọng lượng/khối lượng cho phép sai số ±2%”. Các thông số kỹ thuật của hàng hóa được mô tả chi tiết căn cứ danh mục hàng hóa cần mua sắm được phê duyệt của cấp có thẩm quyền. 

“Trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại hàng hóa có nguồn gốc/xuất xứ, nhãn hiệu, chất lượng sản phẩm và giá cả khác nhau. Vì vậy, nhà thầu có thể chào các hàng hóa có nhãn hiệu, nguồn gốc/xuất xứ bất kỳ nhưng phải đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật theo yêu cầu của E-HSMT”, Sở GD&ĐT Lai Châu khẳng định.

Sở GD&ĐT Lai Châu cũng đề nghị cơ quan chức năng xem xét, xử lý những nội dung bên phía Cty Sỹ Cường phản ánh để đảm bảo tính cạnh tranh, công bằng, minh bạch theo đúng quy định của Nhà nước. Tránh tình trạng cố ý hiểu sai bản chất sự việc gây mất uy tín, giảm sút niềm tin của đơn vị.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ