Tuy nhiên, sau một thời gian chung sống, sinh con đẻ cái, rồi những tác động từ nhiều mặt trong cuộc sống, vợ chồng bắt đầu xuất hiện những mâu thuẫn theo bậc thang. Mặt khác, do chưa hiểu hết tâm lý của người phối ngẫu nên vợ chồng dễ xảy ra những “cuộc chiến” không mong muốn. Cha mẹ đối với con cái cũng thế, chỉ vì không hiểu tâm tính của con đã đẩy con cái rơi vào bế tắc, thu mình trong vỏ ốc trầm cảm, kinh khủng hơn là bỏ nhà đi bụi, học đòi theo những thói hư tật xấu.
Vợ chồng không hiểu nhau
Chị Điệp nhà ở quận 6, TPHCM, làm công nhân cho công ty may mặc Kyung Rhim Vina ở quận Bình Tân. Chị là phụ nữ thuộc tuýp “cao cơ” hơn chồng. Do được chồng thương yêu hết mực nên đôi lúc chị đi quá đà trong vai trò của người vợ. Có lần, anh Quốc- chồng chị đến đón trễ, bắt chị chờ đợi lâu, nên chị nổi máu “Sư tử Hà Đông” mắng chồng té tát ngay trước mặt những đồng nghiệp. Vậy mà anh Quốc vẫn nhe răng cười rất vô tư. Có lẽ do chuyện này luôn xảy ra thường trực nên anh Quốc xem nó quá ư là bình thường.
Tuy nhiên, trong một lần chị Điệp rủ bạn về nhà bày tiệc, “cuộc hỗn chiến” đã xảy ra. Để bữa tiệc ngon miệng hơn, chị nhờ anh trổ tài nấu nướng (nói là nhờ nhưng với vẻ như ra lệnh), do anh là bếp trưởng của nhà hàng. Một mình anh xoay như chong chóng, từ nhặt rau, sơ chế, đến nấu nướng…nhễ nhại cả mồi hôi, trong khi chị Điệp và các bạn vô tư ngồi buôn chuyện. Đã vậy chị Điệp còn hối thúc chồng, lên giọng như một bà hoàng. Đang mệt, lại bị chì chiết, sẵn tiện đĩa cá chép chiên xù bê trên tay, anh ném mạnh xuống sàn nhà trước sự sửng sốt của mọi người. Xung đột xảy ra.
Phải chi chị Điệp biết giữ sĩ diện cho chồng, biết thốt ra những lời nói ngọt ngào xoa dịu chồng thì chuyện không ra nông nỗi như vậy. Về phía anh Quốc cũng thế, anh đã không hiểu ra rằng, chính vì sự cưng chiều vợ thái quá đã nâng vợ mình lên đỉnh của sự tự phụ, biến thành một người phụ nữ hoàn toàn khác.
Cha mẹ không hiểu con cái
Anh Hoàng, giám đốc một công ty tư nhân ở huyện Bình Chánh, TP.HCM, được xem là người thành công về sự nghiệp lẫn chuyện nhà. Vợ chồng anh chăm con “đúng chuẩn” theo sự tiến bộ của xã hội thời nay, không quá khắt khe, cũng không buông lỏng, mà quản lý con ở mức vừa phải.
Chính vì chăm con đúng mực nên cô bé con anh rất ngoan ngoãn, đạt được nhiều thành tích cao trong học tập. Anh Hoàng xem đó là niềm tự hào, thường mang thành tích của con ra khoe với bạn bè. Mỗi ngày, anh đều bảo con phải biết phấn đấu hơn thế nữa, rồi anh còn đem nhiều gương thần đồng ra so sánh với con để cô bé noi gương theo.
Chính vì áp lực từ ba mẹ quá nhiều nên cô bé học đến mức đổ bệnh. Kì thi thử vừa qua, cô bé đã làm cho anh vô cùng thất vọng (mặc dù chỉ là thi thử) khi điểm chỉ đạt ở mức trung bình khá. Vừa gặp vài chuyện trục trặc ở cơ quan, lại nghe vợ thông báo chuyện học hành sa sút của con, anh nổi giận, thẳng tay tát vào mặt con một cái như trời giáng, rồi buông ra một câu khó nghe: “Không lo học hành, sau này tao cho đi ăn mày. Liệu hồn!” Mặc dù cô bé giải thích rằng kỳ thi này quá khó, có nhiều câu chưa học đến, lại vừa khỏi bệnh, tâm lý không tốt nên dẫn đến điểm kém. Vậy mà vợ chồng anh chẳng cảm thông cho con, ngược lại còn cho rằng con mình đang cố ngụy biện để né tránh cái sai của mình trong việc học.
Cô bé cảm thấy tủi thân, trong thâm tâm luôn nghĩ rằng ba mẹ chỉ yêu thành tích học tập của mình, nên cô trốn vào phòng riêng và khóc sướt mướt. Từ đó cô bé học hành sa sút, học với tâm trạng miễn cưỡng, chán nản nhưng anh Hoàng không hề hay con mình đang có sự thay đổi. Những ngày tiếp theo đó, bài kiểm tra của cô bé tuột xuống điểm trung bình, rồi bị điểm kém. Anh Hoàng giận dữ đến độ xé sách vở của con, quẳng cặp con vào sọt rác. Trong khi vợ anh “phụ họa” bằng những ngôn từ vô cùng khó nghe dành cho con mình. Kết quả cô bé bỏ học, trốn nhà đi bụi, sau đó thì được công an xã đưa trở về nhà.
Phải chi vợ chồng anh Hoàng hiểu và cảm thông con, sẻ chia sự căng thẳng trong học tập của con, động viên con vượt qua những trở ngại lớn… thì chắc có lẽ con bé không hư hỏng như thế.
Cần phải hiểu về nhau
Những trường hợp trên cho thấy, mọi chuyện bắt nguồn từ việc chúng ta không hiểu về nhau, từ đó nảy sinh ra nhiều mâu thuẫn, rồi dẫn đến những hậu quả không thể ngờ được. Thạc sĩ Lê Tuyết Ánh, giảng viên bộ môn Tâm lý học- Trường Đại học KHXH&NV TP.HCM cho rằng, khi gia đình xảy ra biến cố, chúng ta không nên đổ lỗi cho hoàn cảnh, cho xã hội mà trước tiên phải nhìn nhận trách nhiệm về mình. Đúng là thời đại ngày nay, xã hội tác động không nhỏ đến đời sống của mỗi gia đình. Tuy nhiên, gia đình là một tế bào của xã hội, gia đình không tốt thì đừng nên trách cứ vì sao xã hội tiêu cực.
Thạc sĩ Lê Tuyết Ánh còn nhấn mạnh thêm rằng, tâm lý luôn bị qui định bởi hoàn cảnh. Nếu tâm lý hữu lợi, phản ánh xã hội sáng sủa. Còn tâm lý bất lợi, phản ánh xã hội tối tăm. Chính vì vậy, để cuộc sống tốt đẹp thì vợ và chồng, cha mẹ và con cái phải hiểu rõ tâm lý của nhau. Khi một thành viên trong gia đình có tâm lý căng thẳng, cần phải biết cách xoa dịu để tháo gỡ những khúc mắc hơn là “châm dầu vào lửa” làm cho “nội bộ” rối ren thêm. Có như thế gia đình mới luôn đầm ấm, vui vẻ và không xảy ra bất cứ xung đột nào. Nói như thế không có nghĩa là chúng ta cầu toàn về nhau, nhưng nếu thấy sai và chữa ngay thì thật đáng trân trọng biết nhường nào.