Giọng nói sang sảng, khuôn mặt luôn nở nụ cười, thêm mái tóc bồng bềnh pha chút nghệ sĩ, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai là ân nhân của rất nhiều em nhỏ.
Ông gắn bó với các bệnh nhi từ những năm đất nước còn khó khăn, thuốc thang, máy móc rất hiếm chứ không như bây giờ. Mỗi cháu bé là mỗi câu chuyện và có những điều khiến ông nhớ mãi về một thời khó khăn của đất nước.
“Bác sĩ cho tôi xin cháu về”
TS Dũng kể: Vào những năm 1983-1984, kinh tế nước ta khó khăn, trong viện, máy móc, thậm chí thuốc thang rất hiếm. Lúc này ông mới nhận công tác tại phòng cấp cứu điều trị tích cực khoa Nhi ở Bệnh viện Bạch Mai.
Nhập viện là một cháu bé mới chỉ hơn 1 tháng tuổi trong tình trạng viêm phổi nặng, rất khó qua khỏi. Bà ngoại cháu lúc này tuyệt vọng, tay xách chiếc giỏ đứng ở hành lang trong chuẩn bị đối mặt với tình huống đưa cháu về nhà chờ chết.
“Cháu tôi tím đen như thế này làm sao các bác sĩ chữa được. Thôi thì các bác cho bà cháu tôi về”, bà cháu bé bất lực nói.
Ông kể thêm, ngày đó vào viện chữa bệnh hoàn toàn không mất tiền vì được nhà nước chi trả. Vậy mà, bà ngoại cháu bé tuyệt vọng đến mức không muốn cố đến phút cuối cùng.
“Hình ảnh người bà cầm chiếc giỏ rất ám ảnh tôi. Lúc này dường như người nhà bệnh nhân đã từ bỏ hết hi vọng, họ chấp nhận số phận vì điều kiện vật chất chữa bệnh thời đó quá nghèo nàn, nhưng một người bác sĩ như tôi lại không cho phép điều đó”, bác sĩ Dũng tâm sự.
"Do đó, mặc dù tình trạng của cháu bé rất nguy kịch, tôi vẫn cố gắng động viên bà cho cháu ở lại vì chỉ cần còn một chút ít cơ hội cũng tuyệt đối không thể bỏ qua để đưa cháu bé trở về từ cõi chết. Thật may mắn, cháu bé sau đó đã khỏe mạnh trở lại trong sự ngỡ ngàng và hạnh phúc của bà ngoại" - Bác sĩ Dũng hồi tưởng.
Cháu suýt chết chỉ vì sợ… bà nội
Một câu chuyện khác thời khó khăn cũng khiếnông nhớ mãi. Đó là câu chuyện của một anh bộ đội người Hà Nội nhưng đóng quân ở Vĩnh Phúc, sau đó yêu một cô gái hơn anh 2 tuổi.
“Hồi đó, muốn từ Hà Nội lên Vĩnh Phúc phải đi bằng tàu hỏa, không tiện như bây giờ. Do đó, bố mẹ anh chàng này phản đối dữ dội, không cho tổ chức đám cưới.
Rồi họ sinh được một cậu bé kháu khỉnh và đem con về Hà Nội khi cháu được 8 tháng với hi vọng ông bà nội sẽ vui và đồng ý, nhưng chuyện lại không dễ dàng như vậy” - Bác sĩ Dũng nhớ lại.
Một buổi sáng đúng ca trực của bác sĩ Dũng, gia đình anh bộ đội tức tốc đưa cháu bé đến cấp cứu trong tình trạng ngưng thở. Nguyên nhân là do cả đêm đứa bé bị ho, song bố mẹ cháu sợ làm bà nội tỉnh giấc và nổi giận nên đã chạy đi mua thuốc ho có chất gây buồn ngủ cho cháu uống. Mỗi lần cháu ho, bố mẹ lại cho cháu uống để cháu ngủ, bởi vậy, cả đêm cháu uống hết cả lọ thuốc ho, dẫn đến tình trạng ngộ độc thuốc.
Đây là một ca bệnh nguy kịch buộc phải cho trẻ thở máy mới hi vọng cứu sống. Tuy nhiên, thời bấy giờ, bệnh viện chỉ có duy nhất một chiếc máy thở và chỉ được dùng cho trẻ 6-7 tuổi.
Nhìn đứa trẻ thở thoi thóp, sự sống mong manh, bác sĩ Dũng không bỏ cuộc. Quyết tâm cứu sống em bé, ông đã mạnh dạn nối thêm dây thở cho máy thở của trẻ lớn, tạo thành áp lực thấp dùng cho bệnh nhi, đưa cháu bé qua khỏi thời khắc nguy nan. Sau này quyết định của ông đã được giới y khoa đánh giá rất cao về sáng kiến cũng như bản lĩnh người bác sĩ.
Hôn mê vì đói ăn
Ông Dũng kể, vào thập niên 90, rạng ngày 30 Tết, người dân hay có tục chung lợn 4-5 nhà với nhau. Họ chọc tiết, làm thịt lợn cả đêm. Khi đó, có một cháu bé 6 tuổi ở Thường Tín cũng háo hức thức cả đêm để trông cùng bố mẹ, mong được miếng đuôi, miếng thịt để ăn.
Nhưng sau khi làm thịt lợn, người lớn còn phải thắp hương ông bà, tàn hương mới được ăn. Thành thử cháu bé nhịn ăn cả đêm tới tận trưa hôm sau (đúng mùng 1 Tết). Chưa kịp ăn miếng thịt háo hức chờ cả đêm, đứa bé lăn ra bất tỉnh, hôn mê khiến cả nhà phát hoảng.
“Đứa bé hôn mê chỉ vì quá đói, dẫn đến hạ đường huyết. Để cứu cháu, tôi chỉ tiêm 2 xi lanh nước đường. Sau đó bé đã có thể trở về ăn Tết cùng gia đình. Thế nhưng tôi được người nhà bệnh nhân tôn là “ông thánh”. Nghĩ vừa vui vừa buồn cho một thời khó khăn” - Ông Dũng trải lòng.
Bác sĩ Dũng cho biết hiện điều kiện kinh tế đã khác trước rất nhiều, các bệnh viện cũng đủ cơ sở vật chất để cứu được nhiều cháu hơn. Thế nhưng ông vẫn rất buồn vì vẫn có những đứa trẻ không may mắn được cứu chữa kịp thời.
Sau chừng ấy thời gian tâm huyết với nghề, ông luôn đề cao cái tâm của người thầy thuốc. Ông nói, niềm tin luôn rất quan trọng và người nhà bệnh nhân tuyệt đối không nên từ bỏ bất cứ lúc nào, kể cả lúc hi vọng mong manh nhất, bởi vẫn luôn có những phép màu xảy ra.
“Bác sĩ ơi, cháu chỉ còn đứa con này thôi…”
Đó là câu nói ám ảnh trong cuộc đời bác sĩ Dũng. Câu chuyện xảy ra trong dịch sởi năm 2014. Ông chia sẻ: "Gần 35 năm gắn bó với chuyên ngành nhi khoa, chưa khi nào tôi thấy dịch sởi lạ như thế, khi hầu hết bệnh nhi nhập viện đều bị virus sởi tấn công vào phổi, gây biến chứng nặng, nguy hiểm tính mạng.
Trong tâm sởi, có một gia đình hiếm muộn, mãi mới thụ tinh thành công và sinh được 2 bé sinh đôi. Cả hai đều bị sởi và gia đình đã mất một cháu ở Bệnh viện Nhi Trung ương. Tại khoa mình, tôi cùng các đồng nghiệp nỗ lực hết mình để cứu em bé còn lại.
Tôi nhớ như in ánh mắt của người mẹ trẻ. Cô ấy trông rất trẻ với nỗi đau vô cùng khi vừa mất một đứa con. Cô nắm chặt tay tôi rồi nghẹn ngào: ""Bác ơi, cháu có hai đứa con, một đứa đã bỏ cháu đi rồi. Cháu chỉ còn lại đứa con này thôi…"".
Đó là một hình ảnh tôi không bao giờ quên. Gạt nước mắt, tôi cố gắng hết sức để cứu đứa trẻ. Sau một tháng, cháu được xuất viện. Thật may mắn, vì nếu đứa bé ra đi mãi mãi, có lẽ gia đình cháu sẽ không bao giờ gượng được”.