Bệnh nhân Lê Văn K. (35 tháng tuổi, trú huyện Tiên Phước, Quảng Nam) được người nhà chuyển ra Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng từ ngày 30/3.
Bệnh nhân nhập viên trong tình trạng mụn nước mọc quanh miệng và lòng bàn tay, sốt cao. Ngoài mắc tay – chân – miệng, bé K. còn bị viêm phổi nên các bác sĩ phải cho thở máy.
Cũng đến từ Tiên Phước, bệnh nhi Q.T nhiễm tay – chân – miệng, được chuyển đến Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng trong tình trạng suy hô hấp, phải dùng thuốc vận mạch, thở máy và áp dụng phác đồ tay chân miệng cấp độ 4, tiến hành lọc máu.
Bé Đ.K (trú Tam Kỳ, Quảng Nam) cũng được các bác sĩ chuyển điều trị hồi sức tích cực và tiến hành lọc máu nhiều ngày liền sau khi nhập viện cấp cứu tại Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng.
Bác sĩ Nguyễn Hải Thịnh – Trưởng khoa Y học Nhiệt đới, Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng cho biết: Trung bình mỗi ngày, Khoa đang điều trị nội trú cho từ 5- - 70 ca mắc bệnh tay – chân – miệng ở cấp độ 2 – 3.
Thậm chí, có những trường hợp đến từ các địa phương lân cận như Quảng Nam, Quảng Ngãi thì bệnh đã ở cấp độ 4, buộc phải hồi sức tích cực. Theo khuyến cáo của bác sĩ Thịnh, những trường hợp này, nếu người nhà cho trẻ nhập viện chậm sẽ dẫn đến viêm màng não, phù phổi cấp rất nguy hiểm, thậm chí tử vong.
Tính đến ngày 31/3, trên địa bàn Quảng Nam ghi nhận 282 trường hợp mắc bệnh tay – chân – miệng, tăng 7.5 lần so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó có những ca bệnh nặng, gây nguy hiểm rất lớn đến sức khỏe và tính mạng cho trẻ nhỏ, buộc phải chuyển viện ra Đà Nẵng điều trị.
Các bệnh nhi nhập viện điều trị tại Bệnh viện Phụ sản – Nhi Quảng Nam chủ yếu ở các địa phương như Tam Kỳ, Thăng Bình, Tiên Phước, Núi Thành, Điện Bàn. Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Quảng Nam đã đề nghị các đơn vị có ca mắc cao điều tra dịch tễ các chùm ca bệnh liên quan để phát hiện và xử lý sớm ổ dịch.
Ngoài ra, Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng cũng đã thông báo đến CDC Quảng Nam cho biết các ca bệnh tay – chân – miệng của Quảng Nam chuyển ra Đà Nẵng đều trong tình trạng nặng và yêu cầu tỉnh sớm có biện pháp tuyên truyền các trường học, đặc biệt là nhà trẻ, mẫu giáo chú trọng biện pháp vệ sinh, phòng dịch.
UBND tỉnh Quảng Nam đã yêu cầu hệ thống y tế tuyến huyện theo dõi chặt chẽ tình hình dịch, các Trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố và các cơ sở khám chữa bệnh thực hiện quản lý, điều trị bệnh nhân sớm theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Cơ sở y tế kịp thời tiếp nhận điều trị sớm, hạn chế tối đa biến chứng và tử vong do bệnh tay chân miệng gây ra. Các tuyến y tế cơ sở nắm bắt và cập nhật nhanh chóng ổ dịch để tuyến trên giám sát, xử lý kịp thời.