Sẵn sàng đáp ứng yêu cầu
Được sự quan tâm của các cấp, các ngành và sự ủng hộ của người dân, năm học 2021 - 2022, Sở GD&ĐT tỉnh Bắc Kạn đã đề nghị phòng GD&ĐT các huyện, thành phố, các đơn vị trực thuộc căn cứ vào thực trạng đội ngũ giáo viên để sắp xếp, bố trí triển khai Chương trình GDPT 2018.
Đến nay, các trường tiểu học và THCS toàn tỉnh đã lựa chọn được trên 2.000 giáo viên, trong đó, dạy lớp 2 là 852 người; dự kiến dạy lớp 6 là 1.187 người.
Đẩy nhanh tiến độ sửa chữa cơ sở vật chất trường lớp học, thực hiện điều chỉnh, bố trí, sắp xếp một cách hiệu quả. Trong đó, sửa chữa, cải tạo phòng học (đảm bảo 1 phòng học/ lớp), phòng chức năng, phòng học bộ môn, thư viện… đảm bảo đủ điều kiện thực hiện chương trình GDPT, đặc biệt chú trọng tới các vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, khu đông dân cư và các trường PT DTNT, PT DTBT.
Kiên quyết không đưa vào sử dụng các công trình đã hết niên hạn sử dụng, không đảm bảo an toàn khi chưa được cải tạo, sửa chữa, nâng cấp. Tham mưu cho các đơn vị chức năng xây mới, bổ sung phòng học, phòng bộ môn, phòng chức năng…
Tại huyện Chợ Mới, các trường đều nỗ lực khắc phục những khó khăn để đảm bảo đủ điều kiện cho năm học mới. Hệ thống cơ sở vật chất trường, lớp học đã sẵn sàng đáp ứng nhu cầu dạy và học.
Tuy nhiên, tại một số điểm trường vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn thuộc các xã Yên Cư, Tân Sơn, Nông Hạ… vẫn còn tình trạng lớp ghép, bà Nguyễn Thị Lan – Phó trưởng phòng GD&ĐT huyện Chợ Mới thông tin.
Trang bị sách và thiết bị dạy học hiệu quả
Sở GD&ĐT Bắc Kạn cũng yêu cầu các đơn vị tiến hành kiểm tra, rà soát thực trạng thiếu thiết bị dạy học, lập kế hoạch chi tiết để sửa chữa, thay thế, nâng cấp, mua sắm bổ sung những thiết bị dạy học cần thiết theo chương trình hiện hành. Trong năm học 2021 – 2022, các đơn vị cần chuẩn bị đầy đủ thiết bị dạy học lớp 2 và lớp 6 để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Theo đó, căn căn cứ vào tình hình thực tế, quy mô trường, lớp, số lượng học sinh để xây dựng kế hoạch mua sắm bổ sung thiết bị tối thiểu đảm bảo đủ số lượng, chất lượng, hiệu quả.
Chú trọng thực hiện phong trào tự làm thiết bị dạy học để bổ sung, cải tiến, sửa chữa nhằm phát huy hiệu quả sử dụng thiết bị dạy học trong các cơ sở giáo dục.
Đối với sách giáo khoa và tài liệu tham khảo, cần thống kê và xác định nhu cầu của học sinh để có phương án cung ứng đầy đủ, kịp thời, trong đó ưu tiên học sinh diện chính sách. Yêu cầu các cơ sở giáo dục cần có kế hoạch mua sắm bổ sung, duy trì hoạt động thường xuyên của thư viện nhằm đảm bảo phục vụ tốt công tác dạy và học.
Ngoài ra, các đơn vị cần chú trọng vận động quyên góp sách vở cho học sinh vùng khó khăn, thực hiện được yêu cầu “3 đủ” đối với học sinh: “Đủ ăn, đủ quần áo, đủ sách vở”; quan tâm những học sinh thuộc gia đình chính sách, học sinh là người dân tộc thiểu số, học sinh nghèo, học sinh khuyết tật để tất cả các em được đến trường.
Tại huyện miền núi Pác Nặm, năm học 2021-2022 toàn huyện có 451 học sinh lớp 2; 667 học sinh lớp 6 đã đăng ký đặt mua SGK thông qua nhà trường, 311 học sinh lớp 2 của 3 đơn vị trường học tiểu học Bộc Bố, Cao Tân, Cổ Linh được hỗ trợ SGK trong năm học 2021-2022; 13 học sinh lớp 6 có hoàn cảnh khó khăn đã được nhận SGK của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.
Ông Hoàng Văn Duy – Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Pác Nặm cho biết: Pác Nặm là huyện còn nhiều khó khăn do đó cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học chưa thật sự đáp ứng yêu cầu. Đồng thời, dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng không nhỏ đến việc chuẩn bị các điều kiện triển khai thực hiện Chương trình, SGK lớp 2, lớp 6.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại đa số các trường học trên địa bàn đã được Công ty Cổ phần Sách -Thiết bị trường học Bắc Kạn cung ứng SGK. Việc triển khai SGK lớp 2, lớp 6 trên địa bàn huyện cơ bản đảm bảo kế hoạch và lộ trình, các cơ sở giáo dục đã chủ động, tích cực khắc phục khó khăn sẵn sàng cho việc triển khai chương trình GDPT mới.