“Bà mẹ sắt” của những nữ sinh nghèo

GD&TĐ - Cả cuộc đời cống hiến cho giáo dục, đôi khi hiệu trưởng Zhang Guimei bị chỉ trích quá cứng nhắc, khắt khe. Nhưng sự cứng rắn của bà đã giúp thay đổi số phận của nhiều thế hệ nữ sinh tại vùng quê nghèo Trung Quốc.

Hiệu trưởng Guimei theo dõi việc học của trò.
Hiệu trưởng Guimei theo dõi việc học của trò.

Biến ước mơ thành hiện thực

Tại Trường Trung học nữ sinh Huaping, tỉnh Vân Nam, Hiệu trưởng Zhang Guimei chỉ có một mong muốn là đưa học sinh vào những trường đại học hàng đầu đất nước. Người phụ nữ 63 tuổi này cùng ăn, cùng ngủ với nữ sinh tại trường để giám sát việc học tập của các em.

Năm 1975, bà Guimei rời nhà ở huyện Mẫu Đơn Giang, tỉnh Hắc Long, đến làm việc cho Cục Lâm nghiệp tại thị trấn Shangri-la, tỉnh Vân Nam. Sau đó, bà tiếp tục theo học tại một trường cao đẳng sư phạm tại thành phố Lệ Giang.

Năm 1990, Guimei trở thành giáo viên tại thị trấn Tây Châu, tỉnh Vân Nam. Sau bốn năm kết hôn, chồng của Guimei qua đời vì bệnh ung thư dạ dày vào năm 1994. Để tránh đối diện với quá khứ đau buồn, năm 1996, Guimei xin chuyển công tác về huyện nghèo Huaping, thành phố Lệ Giang.

Guimei nhớ lại, khi chuyển đến Trường THCS Huaping, bà nhận thấy tỷ lệ nữ sinh theo học ít hơn so với tại trường ở Tây Châu. Thậm chí, nhiều em bỏ học. Nữ giáo viên thường đến thăm nhà các nữ sinh để tìm hiểu nguyên do.

Nhiều người trong số họ sống trong những ngôi làng nằm sâu trong núi, địa hình hiểm trở khiến việc di chuyển gặp nhiều khó khăn. Bà Guimei nhận thấy hầu hết nữ sinh bỏ học đều đã có hôn ước hoặc chuẩn bị lấy chồng theo sắp đặt của gia đình.

Trong một gia đình bà Guimei đến thăm, cậu bé cấp 2 được cha mẹ đăng ký nhiều lớp học thêm có chi phí đắt đỏ. Trong khi chị gái em, một nữ sinh cuối cấp, phải từ bỏ ước mơ đỗ đại học để ở nhà phụ cha mẹ.

Thời điểm đó, Guimei nhận ra rằng các bé gái gặp rất nhiều khó khăn để được học hành đến nơi đến chốn. Bà nảy ra ý tưởng mở trường trung học dành riêng cho nữ sinh nơi đây.

Năm 2003, bà Guimei bắt đầu gây quỹ xây dựng trường học, điều mà nhiều người gọi là “giấc mơ viển vông”. Bà một mình di chuyển đến thành phố Côn Minh, thủ phủ của tỉnh Vân Nam, để gặp gỡ, trao đổi với các nhà hảo tâm.

Với chứng chỉ sư phạm khiêm tốn, Guimei luôn bắt đầu câu chuyện bằng câu hỏi: “Các vị có thể vui lòng hỗ trợ tôi 5 hay 10 nhân dân tệ được không? Thậm chí là 2 nhân dân tệ?”.

Từ năm 2003 đến năm 2007, Guimei liên tục kêu gọi mọi người quyên góp. Tuy nhiên, bà chỉ thu về khoảng 10.000 nhân dân tệ (gần 36 triệu đồng), còn rất xa giấc mơ xây trường học.

Năm 2007, bà Guimei được bầu làm Đại biểu Quốc hội nhờ những cống hiến cho sự nghiệp giáo dục vùng nông thôn. Qua truyền thông, bà bày tỏ ý nguyện có thể xây dựng một trường trung học dành cho nữ sinh. Chính quyền tỉnh Vân Nam đã đầu tư 60 triệu nhân dân tệ cho dự án.

Bà Guimei chụp ảnh cùng học sinh cũ.
 Bà Guimei chụp ảnh cùng học sinh cũ.

Kỷ luật sắt mang đến thành công

Một năm sau đó, Trường Trung học nữ sinh Huaping chính thức đi vào hoạt động. Ban đầu, trường chỉ có một toà nhà chính. Khoảng 90 nữ sinh tại huyện Huaping và các vùng lân cận đã đăng ký vào học. Nhiều em xin được ở lại nội trú vì nhà xa. Thầy trò phải linh hoạt ứng biến để vừa giảng dạy vừa sinh hoạt trong trường học.

Trường miễn phí, không thi tuyển sinh đầu vào nên chất lượng học sinh tương đối thấp. Nhiều nữ sinh không thể hiểu một bài toán mặc giáo viên đã giảng đi giảng lại đến 8 lần. Năm 2009, từ 18 giáo viên, chỉ còn 8 người ở lại.

Guimei đã phải chuẩn bị cho tình huống xấu nhất. Nếu trường phải dừng hoạt động, học sinh sẽ được chia về các trường phổ thông khác trong khu vực. Tuy nhiên, mọi việc dần được cải thiện sau khi Guimei và các đồng nghiệp tạo dựng “thiết quân luật” trong trường học.

Trong mắt nữ sinh, hiệu trưởng Guimei là “bà mẹ sắt”. Bà lên kế hoạch cho mọi hoạt động và nhắc nhở học sinh không được chểnh mảng khỏi việc học. Đều đặn 5 giờ 20 phút hàng sáng, bà Guimei đánh thức học sinh bằng một chiếc loa. Các em chỉ có 10 phút ăn trưa và phải ngủ trước khi lên lớp buổi chiều. Mỗi tuần, nữ sinh được phép rời trường học 3 giờ và không được nuôi tóc quá dài.

Sự nỗ lực không ngừng nghỉ của thầy và trò nhà trường đã thu về trái ngọt. Năm 2011, khoá học sinh đầu tiên của trường tốt nghiệp. Tất cả đều trúng tuyển vào các trường ĐH, CĐ. Đến năm 2015, toàn bộ cơ sở vật chất của nhà trường được hoàn thiện. Trường có khu hiệu bộ, khu giảng dạy và kí túc xá.

Do sức khỏe yếu, Guimei đã dừng giảng dạy. Bà lui về phía sau đôn đốc, thúc đẩy học sinh dưới vai trò quản lý. Đến nay, hơn 1.800 học sinh nhà trường đã trúng tuyển các trường ĐH, CĐ.

Tháng 12/2020, hiệu trưởng Guimei được Uỷ ban Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc phong tặng danh hiệu “Hình mẫu của Thời đại” vì những cống hiến trong sự nghiệp giáo dục trẻ em gái.

“Mặc dù nhiều gia đình tôi đến thăm trước đây trọng nam khinh nữ nhưng dần dần, họ hiểu ra giá trị bình đẳng của việc học tập. Tôi không mong cầu gì ngoài việc nhìn thấy học sinh tốt nghiệp, có cuộc sống hạnh phúc hơn”, bà Guimei bày tỏ.

“Tâm nguyện cả đời tôi là đưa nữ sinh tại vùng quê nghèo khó này đến những trường đại học hàng đầu như Thanh Hoa, Bắc Kinh. Bởi vì một cô gái học thức có thể truyền đạt những giá trị quý báu, tốt đẹp cho thế hệ tương lai. Để đạt được điều này, tôi và các đồng nghiệp không ngại khó, ngại khổ, chỉ mong học sinh có ngày thành công”. Hiệu trưởng ZHANG GUIMEI
Theo China Daily

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ