Kenya: Giáo dục trẻ em gái trong đại dịch Covid-19

GD&TĐ - Ở Kenya, giáo dục ngày càng trở nên dễ tiếp cận. Năm 2003, Chính phủ Kenya đã xây dựng chương trình giáo dục tiểu học miễn phí, mở rộng sang giáo dục trung học vào năm 2018.

Trẻ em gái Kenya.
Trẻ em gái Kenya.

Trong kế hoạch giáo dục giai đoạn 2018 - 2022, Kenya đã đưa ra một số chiến lược giúp cải thiện giáo dục dành cho trẻ em gái tại quốc gia này.

Trong lịch sử, giáo dục dành cho trẻ em gái không phải ưu tiền hàng đầu của nhiều nước đang phát triển. Tại các gia đình nghèo, trẻ em gái thường phải bỏ học vì trách nhiệm với gia đình, vấn đề sức khỏe hoặc mang thai sớm.

Mặc dù giáo dục dành cho nữ giới là công cụ hữu ích để phát triển quốc gia và xoá đói giảm nghèo, sự chênh lệch giới vẫn còn, đặc biệt tại các vùng nông thôn. Các yếu tố khác như nghèo đói, hôn nhân ép buộc, trường học nằm xa nhà, tư tưởng của gia đình cũng khiến trẻ em gái không thể đi học.

Dù Kenya đã xây dựng nhiều chiến lược, đại dịch Covid-19 vẫn để lại hậu quả với hệ thống giáo dục quốc gia này, đặc biệt là giáo dục dành cho trẻ em gái. Ngày 15/3/2020, Chính phủ Kenya thông báo đóng cửa toàn bộ trường phổ thông, đại học trên toàn quốc để đối phó với Covid-19. Kể từ đó, các trường tổ chức học trực tuyến, học qua truyền hình, đài phát thanh hoặc điện thoại di động.

Tuy nhiên, trẻ em ở các vùng nông thôn rất khó tiếp cận với thiết bị công nghệ. Điều này có tác động rất lớn lên trẻ em gái vì các em vốn đã thiếu những dụng cụ học tập thiết yếu như bút, sách vở.

Tại Kenya, trường nội trú được coi là nơi “trú ẩn” cho nữ sinh vì tạo ra môi trường học tập an toàn và cơ hội tự thoát nghèo. Các em đăng ký học tập tại trường nội trú sẽ được chính phủ Kenya hỗ trợ và bảo vệ. Trường học đóng cửa sẽ làm gián đoạn việc học của nhóm học sinh này.

Bên cạnh đóng cửa trường học, đại dịch Covid-19 khiến nhiều người dân Kenya thất nghiệp. Trẻ em gái có thể phải tảo hôn để giảm bớt gánh nặng cho gia đình. Trong khi số khác phải chịu bạo lực gia đình, không được bảo vệ. Nhiều em mang thai ngoài ý muốn nhưng không được tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe như phụ nữ trưởng thành.

Dù Covid-19 ảnh hưởng sâu sắc tới việc giáo dục nữ giới Kenya, các em đang nhận được sự hỗ trợ từ các tổ chức trên thế giới như Wiser, Beads for Education. Các tổ chức này đã hỗ trợ trẻ em gái Kenya suốt hành trình học tập của họ và sẽ tiếp tục đồng hành cùng các em trong và sau Covid-19.

Wiser đã khuyến khích cộng đồng cho phép trẻ em gái đến trường, giảm thiểu tình trạng mang thai sớm thông qua các chương trình giáo dục giới tính. Tổ chức cũng thành lập các trường học dành cho trẻ em gái. Năm 2016, 100% học sinh Wiser tốt nghiệp phổ thông, 90% tiếp tục học đại học. Trong đại dịch Covid-19, Wiser quyên góp thực phẩm, đồ vệ sinh, khẩu trang cho hàng trăm gia đình. Tổ chức cũng tài trợ điện thoại thông minh để các em gái duy trì việc học.

Trong khi đó, Beads for Education có sứ mệnh cải thiện địa vị của phụ nữ Kenya, thúc đẩy bình đẳng giới thông qua giáo dục và kinh doanh. Beads for Education tài trợ giáo dục cho trẻ em gái từ lớp 4 đến hết đại học. Kể từ năm 1998 đến nay, tổ chức đã hỗ trợ hơn 500 trẻ em gái Kenya được đến trường. Từ năm 2015, tổ chức đã thành lập ba thư viện trong các trường học của họ.

Dù giáo dục dành cho trẻ em gái tại Kenya còn gặp nhiều khó khăn, các tổ chức như Wiser, Beads for Education đang tạo ra các chiến lược học tập dài hạn. Sau Covid-19, tương lai của ngành Giáo dục là không chắc chắn nhưng trẻ em gái sẽ không bị bỏ lại phía sau.

Theo Borgen Magazine

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.