(GD&TĐ) - Nỗi đau mất mẹ chưa nguôi ngoai, giờ đây, 3 chị em Vân, Tuyết, Nhân (đội 2, thôn Phú Lễ, xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền-TT Huế) lại chịu thêm nỗi đau mất cha. Con đường đến trường cũng như tương lai của các em như mờ mịt...
Nỗi đau... nhân đôi
Chúng tôi tìm đến nhà của các em vào buổi sáng đầu năm 2012. Căn nhà nhỏ của gia đình các em trống hoác, chỉ có hai chiếc giường cũ và bộ bàn ghế vừa để tiếp khách và là nơi học bài của ba chị em. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, trước đây cha của các em, ông Đặng Thông Cứ là một cựu chiến binh (CCB) hợp đồng làm bảo vệ tại Trường tiểu học số 1 Quảng Phú, một tháng cũng được 900.000 đồng. Còn mẹ của 3 em, bà Trần Thị Hồng Sen làm việc nấu ăn trong Công ty Scavi Huế tại huyện Phong Điền. Cuộc sống của gia đình các em tuy không khá giả, nhưng cũng đủ ăn, đủ mặc và các em đều được đến trường. Tai họa bất ngờ ập đến gia đình các em vào năm 2010 khi mẹ em qua đời vì tai nạn giao thông.
Người vợ ra đi đột ngột để lại cho ông Cứ ba đứa con đang tuổi ăn, tuổi học. Quá đau buồn, ông Cứ đổ bệnh liên miên và phải đi bệnh viện chữa trị với căn bệnh sỏi mật và gần đây là bệnh ung thư thực quản. Số tiền tích góp và vay mượn của bà con, chòm xóm đều đổ hết vào chữa bệnh cho cha với số tiền lên đến gần 50 triệu đồng. Sau một thời gian chống chọi bệnh tật, tháng 12/2011, ông Cứ cũng ra đi, bỏ lại 3 chị em bơ vơ, không nơi nương tựa. Bà Trần Thị Xoan (dì ruột của 3 chị em) kể, từ ngày bà Sen, ông Cứ mất, hàng ngày, các em phải đi ăn nhờ lúc ở nhà các dì, lúc ở nhà các chú để qua ngày. Ngoài việc thêm đôi đũa, cái chén mỗi bữa ăn, các dì, các chú cũng chẳng biết làm gì để giúp các em, bởi hoàn cảnh những người thân của các em đều là nông dân, hoàn cảnh không có gì khá hơn.
3 chị em mồ côi |
Rất cần những tấm lòng hảo tâm
Hiện nay, mọi tài sản có giá trị của gia đình các em cứ lần lượt ra đi. Ba sào ruộng duy nhất của gia đình các em cũng cho họ thuê để lấy tiền chữa bệnh cho cha. Giờ đây, 3 chị em chỉ biết bấu víu vào những đồng tiền vay mượn của bà con hàng xóm, nhưng vay cũng chỉ mỗi người được chút ít, bởi ở vùng quê nghèo này ai cũng còn rất khó khăn. Dù khó khăn là vậy, nhưng cả ba chị em luôn chăm ngoan và cố gắng học tốt, trong suốt thời gian học ở trường các em luôn đạt học sinh khá, giỏi.
Em Đặng Thị Bích Vân, người chị cả hiện theo học năm cuối tại Khoa Nữ hộ sinh, Trường cao đẳng Y Huế. Con đường đi học của em cũng không ít khó khăn khi hàng ngày phải đi bộ gần 3 cây số để ra đoạn đường chính của xã đón xe buýt đến trường. Riêng người con thứ hai là em Đặng Thị Ánh Tuyết, trong đợt thi đại học vừa qua đã thi đỗ vào Khoa Toán, Trường ĐH Sư phạm Huế với số điểm là 19,5. Tuy nhiên, cánh cửa vào đại học dường như đang dần khép lại với Tuyết. “Ngày em nhận giấy báo nhập học mừng vui vô vàn nhưng em chỉ dám nói cho chị gái biết, vì sợ cha biết sẽ buồn và bệnh thêm. Hai chị em chỉ biết ngồi nép trong góc bếp ôm nhau khóc mà không biết nói gì hơn”. Tuyết cho biết.
Để có tiền nhập học, ba chị em Tuyết đã phải vay mượn hết anh em gần xa đến bà con hàng xóm nhưng cũng chẳng được là bao. Thương hoàn cảnh của chị em Tuyết, anh Lợi, một người hàng xóm đã cho gia đình mượn 2 triệu đồng để em kịp nhập học trong năm học mới, đến khi nào ra trường đi làm rồi trả lại. Trong căn nhà nhỏ le lói ánh điện đỏ lòm, Tuyết cho biết: “Vào đại học rồi, không biết, thời gian đến em có thể đi tiếp được nữa không. Hiện nay, chúng em chỉ biết lo cơm nước qua ngày và nương tựa vào nhau để sống. Ngoài ra, đứa em trai út là Đặng Thông Minh Nhân đang là học sinh lớp 7, Trường THCS Quảng Phú cũng không biết có tiếp tục được đến trường được không. Tóm lại, con đường đến trường và tương lai của bọn em không biết sẽ ra sao đây...”. Em Tuyết dấu dòng lệ sắp rơi, bộc bạch.
Đó là hoàn cảnh mà 3 em Vân, Tuyết, Nhân đang phải gánh chịu. Nay, các em đều có ước nguyện được tiếp tục đến trường. Tuy nhiên, với hoàn cảnh hiện tại, các em không biết phải làm gì hơn. Mong được các nhà hảo tâm, các tổ chức từ thiện hỗ trợ, giúp đỡ để các em tiếp tục thực hiện ước mơ được đến trường.
Mọi giúp đỡ xin gửi về: Em Đặng Thị Bích Vân, đội 2-thôn Phú Lễ, xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền (TT Huế) hoặc Đặng Thị Ánh Tuyết, lớp 1A khoa Toán Trường ĐH Sư phạm Huế.
Xuân Trường