Trụ cột gia đình lâm trọng bệnh, chờ chết
Chuyện về gia cảnh của bà Hà Thị Tứ (63 tuổi), ở làng Viên, xã Giao An, huyện miền núi Lang Chánh (Thanh Hóa) khiến nhiều người nghẹn lòng. Người ta thương cảm cho bà Tứ đã đành, nhưng nhìn vào ba đứa cháu nội của bà, lại càng xót xa hơn.
Mới trước Tết Canh Tý thôi, bà Tứ còn là trụ cột, nuôi 6 miệng ăn trong nhà. Thời điểm đó, chồng bà không may qua đời do một cơn cảm lạnh sau buổi đi đánh cá đêm. Người con trai của bà cũng qua đời cách đây chừng dăm năm do bị tai nạn. Sau khi con trai bà nằm xuống, người con dâu của bà lặng lẽ bỏ lại 3 đứa con (1 gái 2 trai), rồi đi biệt tích. Kể từ ngày ấy, trên đôi vai của bà Tứ phải gánh gồng, để chăm nuôi bố chồng năm nay đã trăm tuổi và người em chồng mù lòa bẩm sinh. Ngoài ra, còn ba đứa cháu nội bám víu lấy bà hằng ngày.
Mới đây, bà Tứ thấy người mệt mỏi, đau nhức toàn thân, không thể làm được việc nặng. Mấy cô con gái đã yên bề gia thất, nghe tin mẹ ốm, trở về đưa bà đi khám. Bà bị ung thư gan giai đoạn cuối. Gia cảnh khốn khó, lâm trọng bệnh bà Tứ không có tiền chạy chữa, thuốc men. Ba người con gái của bà cũng thuộc diện nghèo khó, nên đành đưa bà về nhà nằm... chờ đợi. Từ ngày bà phát bệnh nặng, mọi công việc trong nhà đều trông cậy vào ba cô con gái đã đi lấy chồng. Ba đứa cháu nội thì đang nhỏ quá, nên chẳng giúp được gì nhiều.
Hôm dẫn chúng tôi đến thăm bà Tứ, chị Lê Thị Ngà – cán bộ chính sách xã Giao An, bảo rằng: “Trước khi lâm bệnh nặng, cả nhà đều trông chờ vào một mình bà ấy. Cụ ông Phạm Văn Năm (sinh năm 1920), là bố chồng của bà Tứ hiện nay chỉ ngồi một chỗ. Còn bà Phạm Thị Chiến (sinh năm 1955) là em chồng của bà Tứ, thì bị mù lòa bẩm sinh, cùng nuôi ba đứa cháu nội do một tay bà Tứ chăm sóc”.
Tôi nhìn vào, thấy bà Tứ nằm gần như bất động nơi chiếc giường góc nhà. Mấy đứa cháu nội thấy khách lạ đến nhà, chúng cứ chạy lăng xăng quanh chỗ bà nội đang thắt lại vì cơn đau. Cạnh cửa sổ ngôi nhà, bà Phạm Thị Chiến, vốn dĩ bị mù bẩm sinh, nên dường như cứ muốn ngồi ở nơi có ánh sáng rọi vào. Còn cụ ông Phạm Văn Năm, ngồi trên giường, người bất động, ánh mắt vô hồn.
Ngồi trò chuyện với chúng tôi, chị Phạm Thị Tình (42 tuổi), con gái của bà Tứ thi thoảng quệt nước mắt. Chị Tình bảo rằng: “Mẹ tôi mắc bệnh, nằm một chỗ mà gia đình không biết phải xoay xở ra sao. Mỗi lần bà lên cơn đau, nhìn khổ, thương lắm nhưng không làm gì được anh ạ. Thương mẹ đã đành, nhưng mỗi khi nhìn mấy đứa cháu, tôi lại càng thắt ruột gan. Chúng nó đang nhỏ quá, chưa hiểu được chuyện gì cả. Rồi mai kia bà nằm xuống, không biết ba anh em chúng nó bấu víu vào ai. Ông nội và bà cô ruột của chúng tôi thì như vậy”.
Trong lúc chúng tôi đang trò chuyện với chị Tình, thì thấy hai cán bộ nữ của Tổ chức Tầm nhìn Thế giới huyện Lang Chánh đến thăm. Hỏi ra mới hay, hai nữ cán bộ này đến thăm bà Tứ, ghi nhận thông tin để đơn vị lập kế hoạch hỗ trợ gia đình có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt.
Lối thoát nào cho ba đứa trẻ?
Chị Phạm Thị Tình bộc bạch: “Tâm nguyện của gia đình cũng chỉ mong muốn được đưa mẹ đi bệnh viện một lần cho thoải mái tư tưởng. Thế nhưng, thực tình chúng tôi cũng không biết bắt đầu từ đâu”.
Khi nghe câu chuyện đó, chúng tôi đã hướng dẫn cho chị Tình làm các thủ tục cần thiết, rồi đấu mối với Bệnh viện Ung bướu (Thanh Hóa), để gia đình yên tâm đưa bà Tứ nhập viện. May thay, cùng lúc ấy, một số anh em cán bộ xã đã đấu mối với Bệnh viện Đa khoa huyện Lang Chánh, làm các thủ tục để giúp bà Tứ chuyển viện.
Ông Phạm Văn Thái – Chủ tịch thị trấn Lang Chánh, vốn là người Giao An, chia sẻ: “Bà Tứ được chuyển xuống Bệnh viện Ung bướu Thanh Hóa được hai ngày, thì bệnh viện trả về, vì không thể cứu chữa. Thôi thì cũng coi đó là một lần đi bệnh viện cuối cùng, để bà và gia đình khỏi áy náy. Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra nan giải hơn, đó là khi bà Tứ về với tổ tiên rồi, thì ba đưa cháu nội của bà phải như thế nào. Đây là điều mọi người rất trăn trở và thương các cháu quá!”.
Chị Lê Thị Ngà – cán bộ chính sách xã, cho biết: Ba đưa cháu nội của bà Tứ đều đang ăn học. Cháu lớn là Phạm Đức Duy (11 tuổi), cháu thứ hai là Phạm Thị Ngọc Bích (8 tuổi), đều đang học Trường Tiểu học Giao An. Còn cậu út là Phạm Đức Mạnh (5 tuổi), năm nay đang học mẫu giáo.
“Thú thực với anh, khi bà Tứ qua đời rồi, ba cháu Duy, Bích và Mạnh không biết phải bấu víu vào đâu. Trong khi đó, ông cố nội của các cháu và bà cô mù lòa như vậy thì họ sẽ sống như thế nào. Trong thời gian qua, chính quyền xã cũng kêu gọi bà con gom góp tiền, gạo... để giúp đỡ gia đình này. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại nhất là tương lai của ba đứa trẻ”, chị Ngà bộc bạch.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, khi gia đình bà Tứ lâm vào cảnh khốn cùng như vậy, chính quyền xã Giao An, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã và nhân dân làng Viên cũng đứng ra kêu gọi mọi người giúp đỡ. Tổ chức Tầm nhìn Thế giới ở huyện Lang Chánh thì hỗ trợ gạo, dầu ăn, đồ dùng cho 3 đứa trẻ. Tuy nhiên, tất cả đó chỉ là giải quyết tình thế trong khoảng thời gian ngắn trước mắt. Con về lâu dài, tương lai ba đứa trẻ đang mịt mờ, cận kề “vực thẳm”.