Nhằm cụ thể hóa quan điểm phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi gắn với xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh; tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia, xây dựng tuyến biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển theo Đề án tổng thể và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 đã được Quốc hội phê duyệt tại Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019. Để bảo vệ an toàn địa bàn trong những ngày lễ năm nay, tại tuyến biên giới TP Hà Tiên (Kiên Giang), lực lượng Biên phòng đã tập hợp người cao tuổi, người có uy tín, những hộ gia đình dân tộc thiểu số sống gần đường biên giới hăng hái, đi đầu đăng ký tham cùng bộ đội biên phòng tuần tra, bảo vệ đường biên, cột mốc, giữ vững chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.
Trên dọc tuyến biên giới TP Hà Tiên có nhiều bà con dân tộc thiểu số Hoa, Khmer sinh sống. Trong những ngày này, chiến sĩ biên phòng và những người dân trên địa bàn thường xuyên có mặt trên khắp đường mòn, lối mở, đến các mốc chủ quyền để nắm bắt tình hình khu vực biên giới nhằm kịp thời phát hiện những dấu hiệu bất thường, kiểm tra hiện trạng đường biên, mốc quốc giới. Qua đó kịp thời nhắc nhớ với bà con 2 bên biên giới, con em địa phương không tham gia, tiếp tay cho buôn lậu, các hoạt động gian lận thương mại, phát động mạnh mẽ phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền an ninh, biên giới…
Ông Hồng Quang Trung người dân tộc Hoa, trú tại ấp Xà Xía, phường Mỹ Đức, TP Hà Tiên, là 1 lão nông, người có uy tín, nhiều năm liền cùng với bộ đội biên phòng tham gia giữ gìn đường biên, cột mốc. Ông Trung chia sẻ: “Nhiều năm qua, bà con nơi đây luôn luôn ủng hộ lực lượng biên phòng trong việc thực hiện các nhiệm vụ. Khi biên phòng cần gì, kêu gọi cái gì, người dân đều sẵn sàng giúp đỡ. Ngược lại khi dân có việc gì, là mấy anh cán bộ biên phòng đến liền.
Những ngày lễ này, người già chúng tôi rất vui khi được tham gia cùng tổ công tác biên phòng đi tuần tra biên giới. Vào các hộ gia đình vận động, gửi gắm tình cảm, nhờ bà con làm cánh tay nối dài cho nhiệm vụ phòng chống buôn lậu, xuất nhập cảnh trái phép và phòng chống dịch bệnh…”.
Biên giới giữa hai tỉnh Kiên Giang (Việt Nam) và Kampot (Campuchia) có địa hình là đồng bằng, việc qua lại khá thuận tiện, 1 bước là sang biên giới. Từ đó cũng dẫn đến việc 1 số đối tượng lợi dụng vận chuyển, mang vác hàng lậu, hàng cấm qua lại, làm mất an ninh, trật tự. Trong nhiều năm qua, lực lượng Biên phòng Kiên Giang và chính quyền địa phương đã tuyên truyền, phổ biến pháp luật liên quan đến an ninh biên giới, chủ quyền quốc gia. Đặc biệt chú trọng xây dựng và phát triển phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới”.
Hiệu quả từ công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật của các đồn, trạm biên phòng đã làm cho nhận thức của nhân dân có nhiều chuyển biến tích cực. Nhiều tập thể, cá nhân tự nguyện đăng ký tham gia tự quản đường biên, cột mốc, đặc biệt là các già làng, trụ trì, sư, sãi, phật tử, người có uy tín các huyện biên giới, những hộ dân sống gần đường biên giới hăng hái, đi đầu đăng ký tham gia.
Thiếu tá Hà Huy Mong, Trạm trưởng trạm Biên phòng 314, thuộc đồn Biên phòng cửa khẩu Quốc tế Hà Tiên (Kiên Giang) cho biết: “Cán bộ, chiến sĩ trạm Biên phòng 314 luôn luôn trân trọng và biết ơn những đóng góp quý báu của bà con trong tham gia bảo vệ vùng biên.
Từ lâu, chính những người dân ở khu vực biên giới luôn là tai, mắt giúp cho bộ đội biên phòng phát hiện từ sớm, từ xa mọi hoạt động của các loại tội phạm. Mong rằng thời gian tới bà con tiếp tục phát huy vai trò của mình trong tham gia giữ gìn an ninh, chính trị khu vực biên giới; Hỗ trợ lực lượng biên phòng trong dịp lễ, tết, ngày vui của đất nước; Đồng thời tham gia phong trào toàn dân chung tay tố giác tội phạm, nói không với buôn lậu…”.
Với sự hoạt động tích cực của các trưởng phum, ấp, người có uy tín dọc các huyện biên giới tỉnh Kiên Giang, tin rằng sẽ góp phần cùng chính quyền địa phương, đồn biên phòng giữ ổn định an ninh trật tự trên địa bàn. Qua đó góp phần rất lớn vào công cuộc xây dựng bản làng ấm no, hạnh phúc và bình yên. Ngày có càng nhiều những trụ trì, người cao tuổi, người có uy tín… trở thành chỗ dựa tin cậy của cấp ủy, chính quyền địa phương, tích cực tham gia cùng bộ đội biên phòng vận động các dòng họ tham gia tự quản đường biên, cột mốc, xây dựng tổ tự quản an ninh vùng dân tộc thiểu số.
Khẩu hiệu “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”, từ lâu đã thấm nhuần trong suy nghĩ của cán bộ, chiến sĩ Biên phòng Kiên Giang. Khẩu hiệu ấy đã được đồng bào các dân tộc vùng biên đón nhận, để rồi người dân tin tưởng tuyệt đối vào chính quyền địa phương, đoàn thể và đồn biên phòng. Mỗi ngày trên dọc dài đường biên giới của tỉnh xuất hiện càng nhiều những “cột mốc sống”, sẵn sàng bảo vệ an ninh vùng biên, chủ quyền quốc gia.