Australia: Phát triển mô hình trường học không rác thải

GD&TĐ - Một trường học ở Melbourne (Australia) đã thực hiện kế hoạch “không thùng rác” tại các lớp học, buộc học sinh (HS) phải mang rác về nhà, nhằm hướng tới mục tiêu “không rác thải” trong tương lai.

Trường MGC (Australia) sẽ thay thế thùng rác cũ bằng thùng tái chế, phân loại
Trường MGC (Australia) sẽ thay thế thùng rác cũ bằng thùng tái chế, phân loại

Không rác thải

Lãnh đạo Trường Trung học Cao đẳng (CĐ) nữ sinh Melbourne (MGC) bày tỏ hy vọng rằng, các bậc phụ huynh sẽ có nhiều hành động góp phần bảo vệ môi trường bằng cách chuẩn bị bữa trưa cho các con với ít bao bì, giấy gói hơn. Hiệu trưởng nhà trường, bà Karen Money cho biết, kế hoạch “không thùng rác” sẽ được thực hiện vào tuần tới; đồng thời chia sẻ, ý tưởng này là sáng kiến của một nhóm HS là thành viên trong nhóm phát triển bền vững của trường.

Theo lãnh đạo Trường MGC, nhà trường sẽ kiểm tra thực phẩm của từng HS mỗi ngày. HS nào sử dụng bao bì có thể tái sử dụng sẽ nhận được mã thông báo có quyền rút thăm trúng thưởng. Chia sẻ với truyền thông, bà Money nhận định: “Đây là một vấn đề đáng báo động trên toàn thế giới và nó thực sự bắt nguồn từ những cơ sở giáo dục (GD). Chúng tôi đang cố gắng xây dựng kế hoạch nhằm giải quyết một số vấn đề lớn hơn trên thế giới”.

Bà Money cũng khẳng định, thông qua kết quả từ một số cuộc khảo sát, biến đổi khí hậu và môi trường là những vấn đề đang khiến giới trẻ vô cùng lo ngại. “Nếu không hành động, chắc chắn chúng ta sẽ rơi vào khủng hoảng”, nữ hiệu trưởng nói thêm.

Nhà trường đã ngay lập tức biến ý tưởng thành hành động, loại bỏ mọi thùng rác cũ trong lớp học và thay thế bằng những thùng rác tái chế, phân loại. Tuy nhiên, thùng rác thải y tế sẽ vẫn được duy trì trong các phòng vệ sinh của nhà trường.

Trong một lá thư thông báo gửi tới phụ huynh, Hiệu trưởng Money cho biết: “Chương trình mới này đang được thực hiện ở những giai đoạn đầu, với tham vọng sẽ khiến trường học nói không với rác thải vào cuối năm 2020, giúp giảm mạnh tác động xấu tới môi trường của chúng ta”. Bà Money cũng bày tỏ hy vọng rằng, kế hoạch mới sẽ khuyến khích không chỉ HS, mà còn cả nhân viên trong trường giảm bớt số lượng rác thải bằng cách hạn chế mang rác tới trường, cũng như tạo ra ít rác hơn khi ở nhà. “Không ít trường tiểu học trên toàn quốc không có thùng rác. Tuy nhiên, nếu thành công, chúng tôi tin rằng, MGC sẽ là trường trung học đầu tiên tại Australia thực hiện thay đổi này”.

Theo hãng tin Herald Sun, trong năm 2018, Trường MGC đã chi gần 13.000 USD để loại bỏ 1.000 m3 rác thải, trên cơ sở tái chế giấy và các chương trình xử lý chất thải khác. “Không phải ai cũng bị thuyết phục, nhưng ít nhất chúng tôi cũng cần thực hiện một cách nghiêm túc. Đây là GD và truyền thông và cả về việc bảo đảm rằng, mỗi cá nhân đều đóng góp một chút”.

Những hành động này của Trường MGC được đưa ra vào thời điểm hàng chục nghìn trẻ em và thanh niên trên toàn quốc tham gia vào các cuộc biểu tình, kêu gọi chính phủ đưa ra những biện pháp giải quyết biến đổi khí hậu.

Không chỉ riêng Australia

Năm ngoái, Trường CĐ Brighton, một trường tư thục tại hạt East Sussex (Anh), đã tuyên bố cấm HS và giáo viên mang chai nước nhựa, ống hút nhựa hoặc cốc không phân hủy sinh học tới lớp. Theo Hiệu trưởng nhà trường, ông Richard Cairns, những trường hợp không chấp hành quy định sẽ bị xử lý tương tự như khi bị bắt gặp hút thuốc lá tại trường, trong đó có cả việc phải đi dọn dẹp tại bãi biển.

Ông Cairns nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ cấm sử dụng chai nhựa, ống hút và cốc không phân hủy sinh học, giống như cách mà chúng tôi đã cấm thuốc lá trong suốt những thập kỷ qua”.

Vị Hiệu trưởng chia sẻ, các nhà lãnh đạo trường học quyết định đề ra yêu cầu này sau khi xem loạt chương trình “Hành tinh xanh 2” của BBC. “Nhiều HS đã thực sự cảm thấy sợ hãi trước những hình ảnh khủng khiếp của chương trình, khi thấy hàng loạt sinh vật biển bị ô nhiễm nhựa”, ông Cairns nói thêm.

Bên cạnh đó, Trường CĐ Brighton cũng lắp đặt thêm vòi phun nước và khắc thông điệp bảo vệ môi trường lên những chai nước, với mong muốn nhắn nhủ tới người học rằng, tiết kiệm nước là điều cần thiết. Ngoài ra, các bậc phụ huynh và giáo viên không được phép lái ô tô chạy bằng dầu vào khuôn viên trường.

Trong bối cảnh môi trường toàn cầu đang bị ô nhiễm nghiêm trọng, không ít cơ sở GD đã có những biện pháp đầy sáng tạo bên cạnh yêu cầu không sử dụng nhựa. Mới đây, Trường Đại học (ĐH) Goldsmiths (London, Anh) đã cấm sử dụng thịt bò với mong muốn giảm lượng khí thải carbon. Theo chia sẻ từ lãnh đạo nhà trường, Goldsmiths sẽ loại bỏ tất cả sản phẩm làm từ thịt bò khỏi các cửa hàng thực phẩm trong khuôn viên trường kể từ tháng 9.

Theo Independent

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ