Dịch vụ cung cấp đường tắt vào ĐH trên kèm theo một mức giá khổng lồ, thường lên tới hàng chục ngàn USD và hiện nó đang nở rộ ở Trung Quốc.
Năm ngoái, bê bối chạy trường đã rung chuyển các trường ĐH Mỹ khi các công tố viên phát hiện một gia đình Trung Quốc chi 6,5 triệu USD cho một người môi giới để con gái mình vào được ĐH Stanford. Ngoài ra, một gia đình khác cũng chi 1,2 triệu USD để con vào ĐH Yale.
Vụ việc trên liên quan tới hàng chục người, trong đó có các ngôi sao Hollywood và các giám đốc điều hành. Họ đã nhận tội hối lộ để con được vào các trường danh tiếng. Các chuyên gia GD Trung Quốc nói rằng việc khuyên các gia đình cho con vào các trường ĐH nước ngoài không phải là chuyện hiếm.
“Trong giới tuyển sinh, người ta gọi là tặng quà thay vì hối lộ. Mức giá khoảng 10.000 USD đã được xem là thấp. Một món quà trung bình có giá 250.000 USD” – một cựu môi giới du học giấu tên tiết lộ.
6 nhân viên tư vấn của các tổ chức tuyển sinh nói với hãng tin AFP rằng họ đề nghị các bậc phụ huynh “tìm đường tắt” để phá vỡ quy trình truyền thống.
“Tôi đã làm những điều mà tôi không tự hào, trong đó tư vấn cho các bậc phụ huynh về cách làm đẹp bảng điểm hoặc giả mạo thành tích thể thao. Tôi đã nhận các bài tiểu luận và sau đó chúng được các chuyên gia chỉnh sửa lại phần lớn” – một tư vấn viên thừa nhận.
Một ví dụ được đưa ra là gia đình của một nữ sinh tên Fu Rao đã chi 36.300 USD để được tư vấn tuyển sinh. Toàn bộ gói tư vấn này bao gồm việc dạy cách phản ứng với các giáo sư, lựa chọn các khóa học để đảm bảo bảng điểm trung học của cô toàn điểm A và cách trò chuyện về bóng đá Mỹ.
Đó là một quá trình dài 18 tháng, trong đó cô phải tham dự kỳ thi SAT 4 lần – một bài thi tiêu chuẩn vào ĐH ở Mỹ - để chắc chắn có thể đạt được mức điểm cần thiết.
Một biên tập viên chuyên nghiệp sẽ trau chuốt các bài viết và Fu Rao được khuyên làm tình nguyện viên tại một trại trẻ mồ côi ở Campuchia.
“Nhiều HS làm tình nguyện ở các trường cho trẻ em nông thôn Trung Quốc, do đó tôi phải làm cái gì khác biệt để đơn xin học của tôi nổi bật so với đám đông” – nữ sinh 16 tuổi Fu Rao cho biết.
Những HS Trung Quốc muốn đi du học sẽ phải mạo hiểm bỏ qua kỳ thi ĐH trong nước vốn nổi tiếng khắc nghiệt để có thời gian chuẩn bị cho các bài thi hoàn toàn khác.
Theo mẹ của Fu Rao, nếu những HS này không vào được các trường ở nước ngoài, họ sẽ rất khó tiếp tục học tại các trường Trung Quốc. Do đó, đây là con đường một đi không trở lại.