Hệ thống kết hợp đặc biệt
Sau khi chính phủ trung ương của Cộng hòa Dân chủ Somalia sụp đổ vào năm 1991, chính phủ địa phương tại phía Bắc đã tuyên bố độc lập và tự xưng là Cộng hòa Somaliland. Tuy nhiên, chưa có bất cứ quốc gia hay tổ chức nào trên thế giới công nhận Somaliland là một đất nước. Thay vào đó, Somaliland vẫn được biết đến là “khu vực tự trị”.
Somaliland cũng có Quốc hội và quân đội như các quốc gia trên thế giới và được cho là một hình mẫu thành công hiếm hoi ở vùng Sừng châu Phi, với khoảng hơn 3,5 triệu dân được sinh sống trong môi trường ổn định. Tuy nhiên, ít ai biết rõ về cách thức các dịch vụ công cộng được tổ chức và vận hành tại Somaliland, đặc biệt là ngành GD.
Trong cuộc nội chiến Somalia vào cuối những năm 1980, hơn 90% trường học đã bị phá hủy. Cho tới nay, nền GD tại khu vực tự trị Somaliland vẫn được duy trì và không ngừng phát triển. Trong đó, không thể không kể tới hệ thống GD toàn diện với các trường mẫu giáo công lập và tư thục, tiểu học, trung học và đại học. Ngoài ra, Somaliland còn có các trường dạy nghề và trường Koran. Đặc biệt, số lượng các trường tiểu học tại khu vực tự trị này đã tăng đều đặn từ gần như là con số 0 vào năm 1990 lên 935 trường vào năm 2014.
Do không được công nhận là một quốc gia, Somaliland có ít nguồn lực kinh tế, cơ sở thuế yếu kém, cũng như không được nhận viện trợ song phương. Ngoài ra, thay vì GD, an ninh vẫn luôn là ưu tiên hàng đầu của chính quyền Somaliland.
Các chuyên gia nhận định, các chủ thể phi nhà nước - như cộng đồng người xa xứ và các tổ chức phi chính phủ quốc tế (NGO) - là trung tâm của việc cung cấp, mở rộng và phát triển ngành GD. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là chính quyền Somaliland trở nên dư thừa. Thay vào đó, các nhà lãnh đạo cũng đóng một vai trò quan trọng đối với những gì các chủ thể phi nhà nước làm, như: Thiết lập các kỳ thi quốc gia và trả lương cho một số giáo viên tại trường công lập. Hệ thống kết hợp đặc biệt này cũng có nghĩa là các chủ thể phi nhà nước có quyền quyết định liệu các chính sách của khu vực tự trị Somaliland có được thực hiện hay không.
Tầm quan trọng của các chủ thể phi nhà nước
Các chuyên gia GD đã dành ra 8 tháng để nghiên cứu nền GD tại Hargeisa - thủ phủ của Somaliland, từ cuối năm 2016 đến đầu năm 2017. Trong thời gian này, các nhà nghiên cứu đã thực hiện 150 cuộc phỏng vấn với đại diện nhà tài trợ, giáo viên, quan chức chính quyền, thanh tra nhà trường, hiệu trưởng, thành viên của Ủy ban GD cộng đồng và doanh nhân. “Chúng tôi đã thấy các chủ thể phi nhà nước phục hồi, xây dựng và điều hành các trường học như thế nào”, các chuyên gia khẳng định.
Tại một số thị trấn hoặc khu vực lân cận ở Somaliland, các trường học mới được xây dựng nhờ mạng lưới người xa xứ có gia đình sinh sống ở đó. Theo thống kê, có tới khoảng một triệu người dân Somaliland hiện sinh sống ở nước ngoài đã hỗ trợ người thân tại quê nhà trong suốt hai thập kỷ qua. Ngoài ra, các trường học tại khu vực tự trị này cũng nhận được sự hỗ trợ tương tự. Ở nhiều vùng nông thôn Somaliland, các trường học thường được thành lập bởi những cộng đồng người xa xứ hoặc các nhà tài trợ quốc tế. Tất cả 20 trường công lập được các nhà nghiên cứu đến thăm trong quá trình khảo sát ở Hargeisa đều được xây dựng bởi cả chính quyền Somaliland và cộng đồng.
Song song đó, các tổ chức từ thiện quốc tế Hồi giáo như Direct Aid và Munazzamat al Dawa al Islamiya, cùng với các doanh nhân địa phương cũng phát triển ngành GD tư nhân bằng cách cập nhật chương trình giảng dạy và nhập khẩu sách giáo khoa từ những quốc gia khác như Thổ Nhĩ Kỳ hoặc Sudan. Nhờ phương pháp này, các cơ sở GD tư thục tại Somaliland thường được nhiều phụ huynh tin tưởng gửi gắm con em.
Mặc dù các chủ thể phi nhà nước đang tài trợ và quản lý các trường học thay vì chính quyền, thì họ vẫn mong muốn các cơ sở GD tư thục được công nhận là trường công lập. Bởi lẽ, nếu được công nhận là các cơ sở GD công lập, những trường này sẽ có cơ hội cao hơn trong việc nhận được viện trợ quốc tế.
Mặt khác, chính quyền Somaliland cũng cung cấp tài liệu như sách giáo khoa và khung trình độ quốc gia. Chẳng hạn, năm 2016, khu vực tự trị này đã cải cách chương trình
giảng dạy, nhằm tạo ra sự thống nhất với các chương trình cũng như sách giáo khoa từ nước ngoài. Trong khi cải cách này đi ngược lại mô hình kinh doanh của các doanh nghiệp tư nhân, hầu hết doanh nghiệp đều coi chính quyền Somaliland là cơ quan quản lý tổng thể và có vai trò tham gia đàm phán cải cách. Lý do cho việc này là bởi, chính quyền cung cấp giấy phép, chứng chỉ và thiết lập các kỳ thi cần thiết, cho phép HS được tiếp cận với GD trung học.
Tuy nhiên, các dịch vụ công cộng có được không chỉ nhờ các tổ chức cộng đồng, mà còn cả công sức của các nhóm phụ huynh và nhóm người xa xứ phối hợp với các doanh nghiệp địa phương. Do đó, chính những nhân tố này mới có thể quyết định liệu một chính sách GD có được thực thi hay không. Chẳng hạn, năm 2011, khu vực tự trị Somaliland muốn miễn học phí cho bậc GD tiểu học, với mong muốn khuyến khích HS tới trường nhiều hơn. Trái lại, chính sách này đã không được thực hiện và các HS vẫn phải đóng học phí ở thời điểm hiện tại. Theo các chuyên gia GD, các cơ sở GD tại khu vực sẽ gặp khó khăn trong việc trang trải chi phí vận hành trong trường hợp ngừng thu học phí. Vì lý do này, các hiệu trưởng, phụ huynh cũng như Ủy ban phụ huynh đã thống nhất tiếp tục yêu cầu HS đóng học phí, đi ngược lại đề xuất của chính quyền.
Thông qua nghiên cứu, các chuyên gia GD khẳng định, việc các chính sách tại Somaliland có được thực thi hay không nằm ngoài khả năng của chính quyền. Thay vào đó, quyết định cuối cùng sẽ được đưa ra sau các cuộc đàm phán địa phương.