Áp lực vô hình

GD&TĐ - Quan niệm “trọng nam khinh nữ” tuy đã dần được cởi trói, không ít gia đình coi việc sinh con một bề là chuyện bình thường. 

Áp lực vô hình

Nhưng ở đâu đó tại thành thị và cả nông thôn, việc sinh con một bề là gái vẫn gây áp lực cho chị em bởi những câu nói, hành động vô tình hoặc cố ý từ các thành viên trong gia đình, họ hàng và cả cộng đồng.

Sốc khi biết giới tính thai nhi

Lấy chồng 7 năm mới có con, vợ chồng anh chị Huyền - Trường (Hà Đông, Hà Tây) vui mừng gọi điện thông báo với gia đình hai bên. Trong khi nhà ngoại chúc mừng thì anh chị tiu nghỉu khi nhận được câu nói lạnh lùng của mẹ chồng: "Gái à, thế có gì mà phải khoe!". 

Chị Huyền tâm sự: "9 tháng mang bầu, trong khi bên ngoại thì chăm sóc này nọ nhưng nhà nội không mấy khi ngó ngàng tới. Hôm đón cháu về nhà, ông nội vào định bế cháu nhưng bà vội vào kéo ông ra sau khi buông một lời “bao giờ đẻ tiếp”.

Cũng sinh con một bề là gái, chị Hồng Loan (Hai Bà Trưng, Hà Nội) không quên được sự thay đổi thái độ của bố mẹ chồng khi biết thai nhi thứ hai là gái. Chị nhớ lại, hai vợ chồng thấy ông bà sốt sắng hỏi han thấy vui nhưng khi biết thai nhi là con gái, ông bà quay ngoắt đi. 

Cũng từ đó, bà thay đổi thái độ, để chị tự làm mọi việc dù đang bị ốm nghén. Cứ quần quật vừa đi làm vừa chăm con nhỏ nhưng đến ngày “nằm ổ”, chị Loan cũng không yên bởi mẹ chồng không thích thuê giúp việc, không bằng lòng khi bà ngoại sang giúp. 

“Những việc trên mình có thể xoay sở được nhưng mỗi khi có người đến chơi, nghe bà nội ca thán việc con dâu không biết đẻ, rồi có khi phải nhờ người ngoài mà thấy tủi thân và ức chế kinh khủng” - Chị Loan chia sẻ.

Cùng cảnh không muốn gia đình tan nát, thương hai con và thương chính bản thân mình nên cứ nghe người ta mách ở đâu có thuốc để... sinh con trai, chị Huyền Trân (Tây Hồ, Hà Nội) lại tất tả tìm đến. 

Chị cũng lên mạng tìm kiếm thông tin để áp dụng, vậy nhưng đã hơn một năm nay chưa có kết quả gì. Nỗi lo, áp lực sinh con trai vẫn đè nặng, làm chị không thể toàn tâm toàn ý cho công việc cũng như chăm sóc hai con nhỏ khiến chúng ốm triền miên lại càng làm không khí gia đình thêm căng thẳng.

Tại anh hay tại ả?

Chỉ cần tìm kiếm trên mạng sẽ thấy có rất nhiều bài viết chia sẻ nỗi niềm của những bà mẹ sinh con một bề là gái. Bên cạnh đó cũng là hàng triệu kết quả chia sẻ kinh nghiệm, bài thuốc để có con trai. 

Điều này cho thấy có con trai vẫn là khao khát của nhiều gia đình. Mong ước trên không hẳn xuất phát từ nhu cầu của hai vợ chồng mà đơn giản để làm vừa lòng cha mẹ. Cũng từ quan niệm trên mà không ít gia đình rơi vào cảnh tan đàn xẻ nghé.

Có một thực tế đang tồn tại là bố mẹ chồng luôn đổ lỗi cho con dâu không biết đẻ con trai. Bản thân nhiều chị em cũng dễ dàng nhận lỗi cho dù chưa tìm hiểu cặn kẽ nguyên nhân. 

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Lan (Bệnh viện Phụ sản Hà Nội), sinh đẻ là sự kết hợp giữa một giao tử đực là tinh trùng với một giao tử cái là noãn, từ đó tạo ra phôi. 

Phôi này mang cấu trúc di truyền trong đó có cặp nhiễm sắc thể (NST) giới tính XX (nữ) hoặc XY (nam). Như vậy, noãn luôn mang NST X còn tinh trùng thì mang NST hoặc X hoặc Y trong bộ gen của mình.

Sự kết hợp này là hoàn toàn ngẫu nhiên bởi vì dòng tinh trùng khi vào kết hợp với trứng thì mạnh ai nấy chen bởi tỷ lệ NST X-Y trong tinh trùng của đàn ông luôn ở tỷ lệ 1 - 1. 

Như vậy, việc đổ cho phụ nữ không biết đẻ là sự thiếu hiểu biết, không chấp nhận thực tế. Đấy là chưa kể trường hợp NST Y của người chồng quá yếu, dị dạng nên không thể xâm nhập vào trứng hoặc vào được nhưng thai nhi bị bệnh bẩm sinh sau này hoặc gây sảy thai…

Từng chứng kiến nhiều phụ nữ đến bệnh viện xin bỏ thai nhi là nữ hoặc tìm đủ mọi cách để có được “thằng chống gậy”, bác sĩ Nguyễn Kim Phượng (Bệnh viện Giao thông Vận tải, Hà Nội) cho rằng phụ nữ đang tự làm khổ nhau.                                                                                                                                                                         “Nhiều chị em bỏ thai vì áp lực từ mẹ chồng chứ không phải từ chồng hay bố chồng. Điều này cho thấy bản thân phụ nữ đang tự trói mình bằng quan niệm cổ hủ. Không biết những phụ nữ trên nghĩ sao khi vì mình mà cháu bị tước đi cơ hội sống. Họ bắt con dâu làm vậy nhưng khi con gái họ ở hoàn cảnh tương tự thì không biết họ có xót không” - Bác sĩ Phượng buồn rầu cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ